Cách huy động lực lượng phản đối dự luật dẫn độ của người Hong Kong

Thứ tư, 12/06/2019, 13:23
Dân Hong Kong kêu gọi biểu tình qua nhiều kênh khác nhau, từ trực tiếp phát tờ rơi trên phố đến lập những kênh chat trực tuyến bí mật.

Sinh viên biểu tình chống dự luật dẫn độ bên ngoài văn phòng liên lạc của Bắc Kinh ở Hong Kong. (Ảnh: SCMP).

Hàng trăm tiếp viên và nhân viên hàng không Hong Kong từ tuần trước đã thiết lập một nhóm nhắn tin bí mật để bàn cách phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Ngày 11/6, họ đưa ra một bản kiến nghị kêu gọi công đoàn ngành hàng không tổ chức biểu tình yêu cầu chính quyền đặc khu không đưa ra dự luật dẫn độ gây tranh cãi. "Sẽ thật tốt nếu mỗi chúng ta đóng góp một phần vào cái mà ta cho là đúng", một người tham gia nhóm chat viết.

Trong một kênh chat trực tuyến khác, thành phần tham gia chủ yếu là học sinh trung học, hầu hết đều không quen biết nhau, các câu hỏi liên tục được đưa ra về việc làm sao để chuẩn bị cho một cuộc biểu tình. "Ai ở Tseung Kwan O có ruy băng không? Tôi muốn treo chúng ở trường vào ngày mai", một thành viên viết.

Tại một ngã ba sầm uất ở Causeway Bay, một nam thanh niên đứng phát tờ rơi cho nhân viên văn phòng và các du khách đến từ Trung Quốc đại lục, kêu gọi họ xuống đường biểu tình khi cơ quan lập pháp Hong Kong thảo luận về dự luật dẫn độ  ngày 12/6.

Nhiều người lại lên kế hoạch tụ tập ở công viên Tamar vào sáng 12/6 để tham gia một cuộc tuần hành "dã ngoại".

Những hoạt động tương tự như vậy diễn ra trên khắp đặc khu hành chính Hong Kong vào hôm qua với mục tiêu duy nhất là ngăn chặn cơ quan lập pháp thảo luận để thông qua dự luật dẫn độ mới trong phiên họp sáng 12/6.

Dự thảo luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sửa đổi cho phép dẫn độ tội phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục. Nhiều người dân lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác. Họ gọi đây là động thái thân Bắc Kinh, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục.

Người Hong Kong tràn kín đường phố khu trung tâm sáng 12/6 để biểu tình. (Ảnh: Reuters).

Hơn 2.000 cố vấn, chuyên gia, chuyên viên tư vấn, trị liệu từ 50 tổ chức công tác xã hội và nhóm tôn giáo được cho là đã đồng ý tham gia cuộc biểu tình. Một số tổ chức nghệ thuật, trong đó có cả những phòng trưng bày thương mại cùng các trường nghệ thuật và hàng loạt tổ chức văn hóa khác đã thông báo ngừng hoạt động vào ngày 12/6 để ủng hộ cuộc biểu tình.

Hôm qua, Trung tâm di sản và nghệ thuật Tai Kwu ở quận Central thông báo phòng trưng bày JC Contemporary do họ điều hành sẽ mở cửa giới hạn vào ngày 12/6 và sẽ không bán vé tại cửa cho buổi triển lãm của nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản Takashi Murakami.

Theo Hiệp hội Nghệ sĩ Hong Kong, các hướng dẫn viên tại JC Contemporary đã viết thư lên lãnh đạo phòng trưng bày này yêu cầu đóng cửa vào ngày 12/6. Họ muốn tham gia biểu tình.

Học sinh tại ít nhất 72 trường trung học đã khởi xướng một bản kiến nghị kêu gọi học sinh trên toàn đặc khu không tới lớp vào ngày 12/6. Lãnh đạo sinh viên từ 7 trường đại học ở Hong Kong cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

"Chính quyền và lãnh đạo đặc khu đã bỏ qua ý kiến của 1,3 triệu người", Gigi Chow Mei-chi, thư ký hội sinh viên Đại học Polytechnic, nói, đề cập tới cuộc biểu tình hôm 9/6 với hơn một triệu người tham gia, theo ước tính của các nhà tổ chức. "Hội sinh viên không thể chấp nhận điều này".

Fung Wai-wah, chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Hong Kong, cho biết họ sẽ thảo luận về khả năng tổ chức các cuộc biểu tình, bao gồm ngày giờ cụ thể, thời gian diễn ra trong bao lâu và biện pháp đảm bảo an toàn cho sinh viên. "Thông điệp rõ ràng từ các giáo viên là chính quyền phải rút lại hoặc ít nhất hoãn ban bố dự luật", Fang tuyên bố.

Những công ty kiểm toán và ngân hàng đặt văn phòng gần trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong, bao gồm Deloitte, Ernst and Young, HSBC, Hang Seng Bank và Standard Chartered, đã cho phép nhân viên làm việc tại nhà hay sắp xếp công việc linh hoạt thời gian vào ngày 12/6. Khách sạn Eaton còn cho phép nhân viên tham gia biểu tình.

Phe ủng hộ dự luật đến hôm qua vẫn giữ im lặng. Tuy nhiên, 4 cơ quan của Trung Quốc, gồm Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc (CEA), Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc, Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc và Hiệp hội Quản lý Tài sản Trung Quốc, tối 9/6 đã tổ chức họp báo lên án "những hành động bạo lực" trong cuộc biểu tình diễn ra cùng ngày và thể hiện sự ủng hộ đối với trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam.

Theo họ, dự luật là cần thiết để giữ vững tinh thần của luật pháp, duy trì những giá trị cốt lõi của Hong Kong và ngăn thành phố trở thành thiên đường ẩn náu cho tội phạm. Phó chủ tịch CEA Yan Feng cho rằng nhiều người đã thổi phồng tác động của dự luật nhằm kích động hoang mang, sợ hãi trong xã hội.

Cơ quan An sinh xã hội Hong Kong đã kêu gọi tất cả nhân viên "thể hiện sự chuyên nghiệp khi bày tỏ quan điểm và đảm bảo rằng mọi hành động họ thực hiện đều không ảnh hưởng tới dịch vụ cũng như lợi ích của người dân".

Đại diện cơ quan giáo dục Hong Kong Christine Choi Yuk-lin cho lời kêu gọi học sinh không tới lớp là "vô trách nhiệm". "Có rất nhiều cách để thể hiện ý kiến. Họ có thể thể hiện quan điểm theo cách khác phù hợp hơn", Choi nói trong một cuộc họp báo.

Choi cũng kêu gọi các trường học và giáo viên lên kế hoạch biểu tình phải đặt sự an toàn và lợi ích của học sinh, sinh viên lên hàng đầu cũng như không làm gián đoạn những hoạt động thường nhật.

Nỗ lực phản đối của người dân Hong Kong đã đạt được kết quả bước đầu khi chính quyền đặc khu sáng nay thông báo hoãn phiên thảo luận dự luật dẫn độ vì hàng nghìn người vây kín các tuyến đường huyết mạch để biểu tình.

Theo  VNE

Các tin cũ hơn