Hong Kong là thành phố được xây dựng nên để phục vụ kinh doanh.
Về tay Anh sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất kết thúc năm 1842 và được sử dụng làm căn cứ buôn bán ma túy cùng nhiều mặt hàng khác, vào cuối thế kỷ 20, Hong Kong trở thành trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu và cửa ngõ để tiếp cận nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc thành phố này được chuyển giao cho Trung Quốc năm 1997 đã làm dấy lên những lo sợ rằng mô hình đó sẽ sụp đổ.
Hai năm trước ngày chuyển giao, tạp chí Fortune đưa ra lời cảnh báo gây sốc về “cái chết của Hong Kong”, khóc than rằng “nền kinh tế ủng hộ doanh nghiệp mạnh mẽ nhất thế giới” đang về tay Trung Quốc đại lục.
Hồi chuông cảnh báo đó đã lặp đi lặp lại vô số lần nhưng chưa từng trở thành sự thật.
Từ năm 1997, lo ngại chuyển hướng sang nguy cơ xói mòn hệ thống chính trị đặc thù của Hong Kong. Thế nhưng cho tới nay, những lo ngại đó cũng không làm lung lay kinh tế của xứ “cảng thơm”: GDP khỏe mạnh, thị trường ổn định và giá nhà tiếp tục tăng vọt do đầu tư và đầu cơ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dự luật gây tranh cãi nhằm cho phép dẫn độ tới Trung Quốc đại lục - vốn gây ra cuộc biểu tình lớn tại Hong Kong hôm 9/6 - có thể thay đổi điều đó chỉ vì một lý do đơn giản.
Lần này, những thách thức Hong Kong phải đối mặt được coi là đe dọa trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp của đặc khu này.
Người biểu tình diễu hành trên đường phố hôm 9/6 tại Hong Kong. (Ảnh: AP). |
“Lo ngại chính đó là luật dẫn độ sẽ khiến các các nhà điều hành (doanh nghiệp) nước ngoài đóng ở Hong Kong phải đối mặt với sự thất thường của hệ thống luật pháp Trung Quốc đại lục”, Duncan Innes-Ker, giám đốc khu vực châu Á của Economist Intelligence Unit, nói với CNN.
Giới kinh doanh ở Hong Kong sợ rằng với luật mới, họ có thể bị lực lượng chức năng Trung Quốc động tới vì lý do chính trị hoặc các vi phạm về buôn bán do sơ xuất, từ đó có thể làm suy yếu hệ thống pháp lý bán tự trị của thành phố.
“Sự tín nhiệm đối với Hong Kong đang gặp rủi ro nghiêm trọng”, bà Tara Joseph, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong, nói.
Trong những tuần gần đây, các nhóm doanh nghiệp nước ngoài - vốn thường giữ lập trường trung lập với các vấn đề chính trị rắc rối - cũng đã ra mặt phản đối dự luật dẫn độ. Lãnh đạo các doanh nghiệp đang kín đáo vận động hành lang để chống lại dự luật, cảnh báo các nhà lập pháp rằng nó có thể làm sứt mẻ tiếng tăm của Hong Kong như một “bến bờ an toàn” cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở ở Trung Quốc hay châu Á.
Một lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế lớn ở Hong Kong, người xin được giấu tên vì tính chất nhạy cảm của sự việc, thừa nhận rằng “các doanh nghiệp quốc tế luôn phải đối mặt với một số rủi ro khi vận hành ở nước ngoài”.
"(Tuy nhiên) giá trị của Hong Kong nằm ở khả năng giảm thiểu những rủi ro đó thông qua luật pháp, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tư pháp độc lập", ông giải thích.
Cũng theo nhà quản lý giấu tên này, các lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế ở Hong Kong sẽ cần phải đánh giá mức độ rủi ro của luật dẫn độ với công việc làm ăn của họ và cân nhắc khía cạnh này với các lựa chọn thay thế.
Với chi phí thuê văn phòng đắt đỏ, Hong Kong vốn đã đối mặt với không ít cạnh tranh từ các trung tâm thu hút đầu tư quốc tế khác trong khu vực. Singapore đã nổi lên là đối thủ đáng gờm, bên cạnh các thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải và Thâm Quyến.
Trong nỗ lực đảm bảo sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền Hong Kong đã nỗ lực thu hẹp các tội danh có thể bị dẫn độ. Thế nhưng, chừng đó vẫn chưa đủ.
Nếu hệ thống pháp lý của Hong Kong không còn toàn vẹn, các công ty có thể đặt câu hỏi tại sao họ không rời bỏ thành phố này và đưa hoạt động kinh doanh tới Trung Quốc đại lục, nơi chi phí “dễ thở” hơn nhiều, hoặc mở văn phòng nhỏ ở Trung Quốc và đặt trụ sở ở một trung tâm tài chính châu Á khác như Singapore.
Người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tại Hong Kong hôm 9/6. (Ảnh: Getty Images). |
Theo đánh giá của ông Innes-Ker, kịch bản này nhiều khả năng chưa xảy ra ngay trong một sớm một chiều, mà có thể là hướng dịch chuyển về dài hạn.
Tuy nhiên, giới điều hành doanh nghiệp từ các nước “có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, chẳng hạn như Mỹ, có thể bắt đầu né tránh Hong Kong”, ông Innes-Ker nói thêm.
Trong khi các tập đoàn quốc tế lớn đang tỏ ra thận trọng khi mở lời công khai về dự luật dẫn độ và để các văn phòng thương mại thay mặt họ lên tiếng, các doanh nghiệp nhỏ ngày càng mạnh miệng hơn trong tuần qua.
Hơn 100 công ty nói rằng họ sẽ đóng cửa vào ngày 12/6 để phản đối dự luật và cho nhân viên nghỉ làm để tham gia tuần hành bên ngoài cơ quan lập pháp. Các nghiệp đoàn cũng tỏ ý có thể sẽ kêu gọi các thành viên nghỉ làm để phản đối.
“Là một doanh nghiệp nhỏ, tôi cho rằng đình công là cách hữu hiệu nhất… để tỏ rõ sự phản đối”, lãnh đạo công ty dịch vụ dọn nhà Call4Van, ông Conrad Wu, chia sẻ. “Tôi kêu gọi các cửa hàng khác tham gia đình công vì chỉ có một hành động quy mô lớn mới có thể gây chú ý về việc người Hong Kong không chấp nhận luật dẫn độ”.
AbouThai, một nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp với 13 chi nhánh trên khắp Hong Kong, tuyên bố: “Chúng tôi có thể kiếm lại lợi nhuận thiệt hại trong ngày đó nhưng chúng tôi không thể bảo vệ Hong Kong một khi đã đánh mất”.
Lee Cheuk-yan, lãnh đạo Liên minh Nghiệp đoàn Hong Kong, nói rằng “các nhà kinh doanh nhỏ, các tiểu thương rất giận dữ, họ muốn xé bỏ dự luật”.
Ở hệ thống bán dân chủ của Hong Kong, các tổ chức doanh nghiệp kiểm soát một số ghế trong cơ quan lập pháp, và ông Lee cho biết các công ty có thể ngăn cản dự luật nếu họ thuyết phục được các đại diện của họ không ủng hộ nó.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trả lời các phóng viên sáng ngày 10/6 cho biết sẽ không hoãn hoặc hủy bỏ việc đưa dự luật ra cơ quan lập pháp. (Ảnh: AFP). |
Trong khi cuộc biểu tình mới dự kiến nổ ra vào ngày 12/6 và các nhà lập pháp thuộc phe đối lập sẽ làm mọi thứ có thể để làm ngăn cản dự luật, chính quyền Hong Kong không cho thấy dấu hiệu sẽ lùi bước.
Nếu những dự đoán xấu nhất của phe chỉ trích dự luật xảy ra thì cảnh báo về “cái chết của Hong Kong” có thể được xác thực.
“Dự luật ‘xả van’ và ‘mở rào’ giữa hệ thống pháp lý Hong Kong và Trung Quốc”, Kevin Yam, một đối tác tại hãng luật hàng đầu Hong Kong, ví von. “Nếu điều đó xảy ra, sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp ở Hong Kong sẽ chịu tác động lớn”.
Và cũng theo lời ông Kevin Yam, sự tin tưởng đó vốn cực kỳ cần thiết cho sự thịnh vượng của Hong Kong.
Theo Zing