|
Một tàu chở dầu bốc cháy trên Vịnh Oman ngày 13/6. (Ảnh: AP). |
Khi khói lửa bốc lên từ hai tàu chở dầu bị tấn công bằng chất nổ trên Vịnh Oman ngày 13/6, các nhà môi giới dầu mỏ và giới ngoại giao bắt đầu nghĩ đến những kịch bản tồi tệ nhất với kinh tế và chính trị toàn cầu, trong đó có nguy cơ bùng phát xung đột quy mô lớn ở khu vực.
Hai tàu bị tấn công là Kokuka Courageous treo cờ Panama, thuộc sở hữu của công ty Nhật và tàu Front Altair mang cờ Quần đảo Marshall, thuộc sở hữu của công ty Frontline Na Uy. Toàn bộ thủy thủ sau đó đã được giải cứu an toàn, hai tàu dầu không bị đắm dù đang trôi dạt trên biển.
Mỹ lập tức chĩa mũi dùi vào Iran, tuyên bố chỉ có nước này mới đủ khả năng thực hiện vụ tấn công "được lên kế hoạch và tiến hành đồng bộ" như vậy. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định có bằng chứng và thông tin tình báo cho thấy Tehran đứng sau hai vụ tấn công.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ sau đó công bố video ngắn quay bằng camera hồng ngoại, hình ảnh không sắc nét, cho thấy một chiếc xuồng nhỏ đang áp sát tàu dầu Kokura Courageous. Quân đội Mỹ khẳng định đây là thủy thủ Iran đang tìm cách tháo một quả thủy lôi chưa nổ ra khỏi thân tàu dầu.
Iran chưa bình luận về video này, nhưng giới quan sát cho rằng kết luận của Mỹ dường như được đưa ra quá sớm khi chỉ dựa vào những hình ảnh không rõ ràng từ hiện trường, trong khi họ chưa xem xét kỹ lưỡng dấu vết chất nổ, mảnh vỡ trên tàu cũng như không trưng ra các thông tin tình báo đáng tin cậy khác.
Nick Paton Walsh, chuyên gia phân tích của CNN, chỉ ra những nghi vấn trong lời cáo buộc nhắm vào Iran, đặc biệt là động cơ để Tehran thực hiện các vụ tấn công như vậy ngay trên vùng biển ngoài khơi lãnh thổ của mình, động thái không đem lại bất kỳ lợi ích nào cho họ cũng như các bên liên quan khác.
Theo Walsh, hai vụ tấn công ngày 13/6 có nhiều điểm tương đồng với các cuộc tấn công nhằm vào 4 tàu chở hàng gần cảng Emirati của Fujairah, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hồi tháng trước. Washington lúc bấy giờ cũng tố cáo Iran là thủ phạm.
Tuy nhiên, Iran trên thực tế không có nhiều động cơ để làm vậy. Việc tấn công ngẫu nhiên tàu chở dầu đi qua khu vực chỉ khiến Iran bị cô lập thêm và tạo cái cớ để những quốc gia đối địch gia tăng áp lực quân sự lên họ.
Mặt khác, kinh tế Iran đang trong tình trạng tồi tệ và họ rất cần nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ để duy trì động lực cho nền kinh tế. Việc tấn công vào các tàu chở dầu sẽ khiến hoạt động vận chuyển dầu mỏ trên biển bị gián đoạn, giáng đòn nặng nề hơn vào nguồn lực kinh tế ngày càng suy giảm của Iran, khiến tiềm năng phát triển của họ suy yếu thêm.
Theo Reuters, một số người cho rằng vụ tấn công có thể khiến giá dầu thế giới lên cao, giúp các nước xuất khẩu dầu mỏ hưởng lợi. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định dù giá dầu lên cao sau sự cố, Iran cũng không phải là bên hưởng lợi, bởi nước này nhiều khả năng sẽ hứng chịu thêm các lệnh cấm vận và tẩy chay nếu bị chứng minh là thủ phạm gây ra vụ tấn công, khiến hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của họ bị đình trệ.
Vụ tấn công cũng có thể khiến hoạt động vận chuyển dầu trên biển sẽ bị gián đoạn. Trong trường hợp đó, lợi ích mà Iran có thể thu được từ cuộc tấn công sẽ hoàn toàn vô ích.
Vụ tấn công cũng xảy ra giữa lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm Tehran với mong muốn làm trung gian hóa giải căng thăng giữa Mỹ và Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân. Đặt mìn tàu chở dầu của công ty Nhật Bản đúng dịp người mà Tổng thống Trump gọi là bạn đến thăm không phải một nước đi khôn ngoan đối với chính quyền Iran.
Một số người có thể cho rằng những người có lập trường hiếu chiến ở Iran, đặc biệt là các tướng trong lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, có thể đã ra lệnh tiến hành vụ tấn công để phá hoại nỗ lực hòa bình mà Thủ tướng Abe đang nỗ lực vun đắp giữa Tehran và Washington.
Tuy nhiên, chuyên gia nhận định những tướng quân đội này dù có quan điểm cứng rắn tới đâu cũng đủ thông minh để hiểu rằng không nên tấn công vào những tuyến hàng hải quốc tế trong khi một cuộc gặp ngoại giao quan trọng đang diễn ra, chưa kể họ còn là bên đang rất dễ bị đổ lỗi nếu có bất kỳ sự cố nào nảy sinh.
|
Hãng tin tức Al-Mayadeen của Li-băng cho biết, tàu dầu thô Front Altair với 75.000 tấn naphtha trong các khoang hàng vừa bị chìm sau khi trúng ngư lôi. (Ảnh: Irib News) |
Hiện tồn tại giả thuyết rằng các cường quốc trong khu vực như UAE, Arab Saudi cũng đang muốn gây xung đột để đẩy giá dầu lên cao, vì thế có khả năng họ đứng sau các vụ tấn công tàu chở dầu nhằm phục vụ chương trình nghị sự của riêng mình. Tuy nhiên, khả năng trên cũng khó xảy ra bởi cái giá mà họ phải trả khi xung đột bùng nổ sẽ là quá lớn.
Khoàng 20% lượng dầu thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz, trong đó có một lượng lớn dầu của Arab Saudi. Trong ngắn hạn, các cuộc tấn công có thể khiến giá dầu tăng, song trong dài hạn, Arab Saudi chắc chắn không bao giờ mong muốn tuyến vận chuyển Vùng Vịnh bị coi là không an toàn.
Mặt khác, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn và quân đội Mỹ cảm thấy phải ra mặt để bảo vệ các tàu chở dầu qua eo Hormuz, mối quan hệ giữa Riyadh và chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ bị thử thách, điều mà Arab Saudi không mong muốn.
Vị trí hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13/6. |
Theo VNE