|
USS Mason di chuyển trên biển hồi đầu năm 2019. (Ảnh: US Navy). |
"Tàu khu trục USS Mason đang trên đường tới hiện trường vụ tấn công để hỗ trợ. Mỹ và các đối tác trong khu vực sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và lợi ích. Những vụ tấn công vừa qua là mối đe dọa rõ ràng với quyền tự do di chuyển và tự do thương mại quốc tế", phát ngôn viên Bộ tư lệnh Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) Earl Brown hôm nay phát biểu.
Mỹ trước đó triển khai tàu khu trục USS Bainbridge hỗ trợ giải cứu 21 thủy thủ trên tàu Kokuka Courageous, một trong hai tàu dầu bị tấn công trên Vịnh Oman. Phát ngôn viên CENTCOM cho biết USS Bainbridge đang theo sát tàu Kokuka Courageous và sẽ không tha thứ cho các hành động cản trở.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ khẳng định không muốn nổ ra xung đột quân sự với Iran. "Chúng tôi không có ý định tham gia một cuộc chiến mới ở Trung Đông. Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng xung đột với Iran không phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế", phát ngôn viên Brown nói thêm.
Tàu chở dầu Kokuka Courageous treo cờ Panama và Front Altair mang cờ Quần đảo Marshal bị tấn công, bốc cháy khi đang di chuyển trên vùng biển gần Iran hôm 13/6. Thủy thủ đoàn trên hai tàu đều được giải cứu an toàn, không gặp nguy hiểm tính mạng.
|
Vị trí hai tàu chở dầu bị tấn công hôm 13/6. (Đồ họa: CNN). |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công, cho rằng kết luận này "dựa trên thông tin tình báo, loại vũ khí được sử dụng, trình độ tác chiến và những vụ tấn công vào tàu hàng do Iran tiến hành gần đây". Anh và Arab Saudi ủng hộ nhận định của Mỹ, trong khi Iran gọi đó là "cáo buộc vô cớ".
Sự việc xảy ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang thăm Iran nhằm làm giảm căng thẳng giữa Washington và Tehran. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 12/6, Thủ tướng Nhật nói rằng phải tránh mọi "xung đột bất ngờ" trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran đang gia tăng.
Theo VNE