Cuộc biểu tình không thủ lĩnh chống lại dự luật dẫn độ ở Hong Kong

Thứ năm, 13/06/2019, 13:41
Khác với năm 2014, cuộc biểu tình năm nay không có thủ lĩnh, mọi người chấp nhận quan điểm khác biệt của nhau và tránh để lộ danh tính.

Người biểu tình đeo kính bảo hộ và khẩu trang tại bên ngoài trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong ngày 12/6. (Ảnh: AFP).

Họ đeo khẩu trang, biến áo phông thành khăn trùm đầu, đeo kính bảo hộ và găng tay. Đám đông đa phần là những thanh niên ngoài 20 tuổi đứng ở ngã ba đường Harcourt và đại lộ Tim Wa hôm 12/6, chờ đợi tín hiệu.

"Tiến lên!", một thanh niên đứng trên hàng rào kim loại ngăn cách họ với cảnh sát hét vào loa. Ngay lập tức, những người biểu tình đồng loạt tiến về phía trước, đếm nhịp "một, hai, một, hai".

Dù đã xế chiều, năng lượng của đám đông vẫn rất cao. Nhiều người đã ở trên đường phố qua đêm để chuẩn bị cho ngày 12/6, ngày cơ quan lập pháp Hong Kong dự kiến thảo luận về dự luật gây tranh cãi cho phép dẫn độ nghi phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục. Hàng chục nghìn người xuống đường, bao vây trụ sở cơ quan lập pháp và chặn mọi con đường đến đó. Chính quyền Hong Kong cuối cùng hoãn thảo luận.

Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được quyền duy trì một hệ thống pháp lý riêng biệt, độc lập với đại lục và hai bên cũng không ký bất cứ thỏa thuận dẫn độ nào. Nhiều người biểu tình lo ngại về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục.

Cuộc biểu tình sáng 12/6 diễn ra một cách ôn hòa, nhưng hai bên dần trở nên mất kiên nhẫn vào buổi chiều. Khi cảnh sát bắt đầu bắn hơi cay, bom khói và đạn cao su vì người biểu tình dồn lên, các thanh niên phản ứng bình tĩnh như thể bản năng mách bảo họ phải làm gì. Các trạm sơ cứu "dã chiến" được thiết lập, các tình nguyện viên đưa nước muối sinh lý cho những người bị hơi cay dính vào mắt.

Mặc dù nhiều thanh niên nói rằng họ chỉ quen biết vài người trong đám đông biểu tình, tinh thần tương thân tương ái giữa họ hiện lên rất rõ. Khi có người hô lên: "Có ai mang thuốc trị hen suyễn không?", những người khác lập tức truyền lời trong đám đông. Vài phút sau, thuốc được trao cho người bị bệnh, trong khi đám đông reo hò vỗ tay.

"Vì không có thủ lĩnh, tất cả chúng tôi đều cố gắng hơn và tận tụy hơn trong cuộc biểu tình", Bevis Lo, 23 tuổi, nói. "Xóa bỏ đi! Xóa bỏ đi!", người biểu tình hô khẩu hiệu để phản đối dự luật dẫn độ. "Chúng tôi sẽ không rút lui nếu nó không bị xóa bỏ!".

Cảnh tượng này gợi nhớ về những ngày diễn ra cuộc biểu tình trong "Phong trào ô dù" năm 2014 để phản đối việc Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào cuộc bầu cử người đứng đầu chính quyền đặc khu. Nhưng một điểm khác biệt dễ thấy so với 5 năm trước là cuộc biểu tình năm nay không có thủ lĩnh rõ ràng. Tất cả mọi người đều bình đẳng.

Đây có vẻ là bài học mà họ đã rút ra từ cuộc biểu tình năm 2014 - chấp nhận nhiều quan điểm khác nhau. "Tất cả chúng tôi đều có chung mục tiêu, nhưng đôi khi chúng tôi có thể bất đồng ý kiến về những việc như cách thức và vị trí đặt chướng ngại vật", một sinh viên 24 tuổi xưng tên là R. nói. "Đây chắc chắn là điều chúng tôi học được từ kinh nghiệm trong quá khứ".

Không giống như 5 năm trước, những người biểu tình cẩn trọng trước máy ảnh hơn, dù là máy của nhà báo hay cảnh sát. Họ liên tục nhắc nhở nhau đeo khẩu trang, ngần ngại cho chụp ảnh và tránh tiết lộ danh tính khi được phỏng vấn.

Trong một tuần trước cuộc biểu tình, hàng chục nghìn người Hong Kong đã trao đổi qua những kênh được mã hóa trên Telegram về chiến thuật ngăn các nhà lập pháp thảo luận về dự luật dẫn độ ngày 12/6.

Người biểu tình chiếm giữ thành công đường Harcourt và đường Lung Wo vào khoảng 8h (7h giờ Hà Nội) ngày 12/6 bằng cách lập rào chắn, trong khi ít nhất 6 xe cá nhân chặn đường cao tốc bằng cách dừng ở các địa điểm khác nhau - chiến thuật được thực hiện suôn sẻ sau các cuộc thảo luận trong kênh mã hóa.

Họ có sự phân công hiệu quả: Ít nhất một người luôn đứng trên rào chắn ở mỗi ngã ba để theo dõi các động thái mới nhất của cảnh sát, trong khi những người khác lo liệu các gian hàng tiếp tế và trạm sơ cứu.

"Ban đầu có một số trục trặc nhưng chúng tôi nhanh chóng biết cách làm tốt phần việc của mình", Lo nói. "Mọi người muốn có một thủ lĩnh, nhưng chúng tôi có rất nhiều ý kiến, lập trường và cách tiếp cận khác nhau".

Cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên Hong Kong năm 2014 vào giai đoạn cao điểm đã thu hút hơn 100.000 người tham gia, nhưng sau đó phong trào dần phai nhạt. Các thủ lĩnh biểu tình đổ lỗi cho nhau, trong khi nhiều người trở nên hoài nghi về tính hiệu quả của phong trào bất tuân dân sự.

Cảnh sát Hong Kong dọn chướng ngại vật, giải tán người biểu tình trong đêm 12/6.

Cô gái làm nghề tự do 31 tuổi xưng tên là NC nói rằng việc không có thủ lĩnh hoặc ban tổ chức rõ ràng trong cuộc biểu tình năm nay khiến cho mọi người từ nhiều thành phần xã hội hợp sức với nhau vì mục tiêu chung.

NC cho biết khoảnh khắc khiến cô xúc động là khi mọi người thể hiện tinh thần đoàn kết và nhắc nhở nhau chỉ cần làm đúng theo sức của mình. "Khi mọi người cố gắng chiếm đường Lung Wo, họ kêu gọi nhau suy nghĩ rõ ràng và quyết định mức độ rủi ro mà họ có thể chấp nhận", NC kể. "Một số người cuối cùng quyết định lùi lại trong khi những người khác tiến lên để đối đầu với cảnh sát".

"Không giống như cuộc biểu tình năm 2014, khi nhiều người đổ lỗi cho nhau, chúng tôi giờ đây tôn trọng nhau hơn", NC nói.

Mặt trận Nhân quyền Dân sự - bên tổ chức cuộc tuần hành ngày 9/6 (ban tổ chức nói sự kiện này thu hút hơn một triệu người trong khi giới chức cho biết hơn 200.000 người tham gia) khá kín tiếng và tránh đảm nhận vị trí dẫn đầu trong cuộc biểu tình ngày 12/6. Họ chỉ thiết lập một sân khấu nhỏ gần Tháp Citic, cách xa trung tâm biểu tình và nơi diễn ra các cuộc đụng độ lớn.

Jimmy Sham Tsz-kit, thành viên của nhóm, cảm ơn người Hong Kong đã hành động dù không có một ban tổ chức đầu não. "Chỉ có một người khiến phong trào này diễn ra: Carrie Lam", anh nói. "Tất cả mọi người đến đây vì bà Lam và chỉ có bà Lam mới có thể khiến đám đông giải tán bằng cách bãi bỏ dự luật".

"Sẽ luôn có nhiều khác biệt nhưng chúng ta phải học cách tin tưởng đồng đội của mình, học cách giao tiếp với nhau", Nathan Law Kwun-chung, một trong các thủ lĩnh của cuộc biểu tình năm 2014, nói. "Phải đoàn kết thì chúng ta mới có thể chiến thắng trong thời buổi khó khăn này".

Một thủ lĩnh khác của cuộc biểu tình năm 2014 là Joshua Wong Chi-Mush đang ngồi tù vì vai trò của mình trong "phong trào ô dù". Vì vậy, Law cho rằng việc những người biểu tình năm nay cố giấu danh tính là điều hợp lý. "Nhiều người trong số họ đã mất niềm tin vào hệ thống tư pháp của Hong Kong", anh nói.

Jas, sinh viên 24 tuổi, cho biết đó là lý do cô xin nghỉ học để đi biểu tình. Hôm qua là sinh nhật Jas, nhưng bữa tiệc bị hoãn lại vì cuộc biểu tình không thể chờ đợi.

"Tôi không biết liệu điều này có làm nên sự khác biệt hay không", cô nói. "Tôi chỉ biết rằng nếu bây giờ tôi không kháng cự thì sau này có thể sẽ không có cơ hội thứ hai".

Theo VNE

Các tin cũ hơn