Giới điều tra ma túy quốc tế đang theo dõi sát hoạt động tại các sòng bạc đang mọc lên như nấm tại Sihanoukville, thành phố biển miền Nam Campuchia. Nơi này đã trở thành cục nam châm thu hút những con bạc giàu có từ Trung Quốc, trong bối cảnh thị trường ma túy đá tại Đông Nam Á đang bùng nổ về doanh thu.
Văn phòng Liên Hợp Quốc về Tội phạm và Ma túy (UNODC) ước tính thị trường ma túy đá tại Đông Nam Á, khu vực được mệnh danh là trung tâm của ma túy tổng hợp toàn cầu, có lượng giao dịch tới 61,4 tỷ USD mỗi năm, lớn gấp 2,5 lần giá trị của nền kinh tế Campuchia.
"Các sòng bạc ở Sihanoukville hiện là điểm nóng cần quan tâm, bởi ở sòng bạc nào cũng diễn ra hoạt động đổi tiền, có những đường dây dịch vụ chuyển tiền nằm ngay bên cạnh các bàn đánh bạc. Gần như tất cả con bạc là người Trung Quốc, với những chồng tiền dày toàn tờ 100 USD", Nikkei Asian Review dẫn lời một điều tra viên.
Những năm gần đây, thành phố từng một thời chỉ là thị trấn du lịch nghỉ dưỡng vắng lặng đã nhanh chóng biến đổi, với những dự án phát triển khổng lồ do Trung Quốc đầu tư. Những căn hộ sang trọng, khách sạn và sòng bạc xa hoa đã khoác cho Sihanoukville một bộ cánh mới.
Năm 2018, Lực lượng Tình báo Tài chính Quốc tế (FATF), một tổ chức liên chính phủ về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đã đưa Campuchia vào "Danh sách Xám" gồm các nước có nguy cơ cao về rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trên thế giới hiện có 9 quốc gia nằm trong danh sách này.
Các sòng bạc tại Sihanoukville luôn tấp nập khách chơi đến từ Trung Quốc. (Ảnh: AP). |
Việc bị đưa vào "Danh sách Xám" phản ánh sự lo ngại của cộng đồng quốc tế trước tình trạng thiếu kiểm soát đối với các tụ điểm đánh bạc ở Campuchia, trong bối cảnh ngành công nghiệp này bùng nổ trong thời gian vừa qua. UNODC ước tính có khoảng 150 trong tổng số 234 sòng bạc tại khu vực Đông Nam Á nằm trên lãnh thổ Campuchia.
Các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia điều hành hoạt động buôn bán ma túy đang lợi dụng đường biên giới lỏng lẻo cùng nền kinh tế bị "USD hóa" cao độ của Campuchia để tiến hành các hoạt động phạm pháp. Tại Campuchia, đồng USD được sử dụng trong mọi giao dịch, thậm chí được ưu tiên hơn so với đồng riel của nước này.
"Những vali chứa đầy tiền mặt thường xuyên được vận chuyển xuyên qua biên giới Thái Lan hoặc Việt Nam với Campuchia, nơi có thể dễ dàng đổi sang USD. Những sòng bạc thiếu sự kiểm soát là địa điểm lý tưởng để rửa những nguồn tiền phạm pháp", một nhà ngoại giao phương Tây nói.
Trong một báo cáo mới đây, UNODC kết luận mua bán ma túy là hoạt động kinh doanh sinh lời nhiều nhất của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
"Số tiền lợi nhuận bất hợp pháp sẽ được rửa qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt tại hệ thống sòng bạc đang ngày càng nở rộ", UNODC cho biết, dù không nêu cụ thể tên quốc gia nơi đặt trụ sở những sòng bạc này.
Việc tập trung vào các sòng bạc ở Sihanoukville cho thấy sự chuyển hướng trọng tâm của các cơ quan điều tra. Trước đây, mục tiêu theo dõi điều tra của lực lượng chống ma túy quốc tế tập trung vào các khách sạn, nhà hàng, sòng bạc nằm sâu trong nội địa, tại vùng Tam giác Vàng, gồm miền Đông Myanmar, miền Bắc Thái Lan và miền Tây Lào.
Kings Romans là sòng bạc khét tiếng của Trung Quốc nằm trong Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng tại miền Tây của Lào, gần biên giới Thái Lan. Tập đoàn Kings Romans đã bỏ ra hàng chục triệu USD để cải tạo vùng Bokeo hoang vu bên dòng sông Mekong thành một khu vui chơi giải trí chỉ dành riêng cho khách du lịch đến từ Trung Quốc.
Năm 2018, Bộ Tài chính Mỹ đưa sòng bạc Kings Romans vào danh sách trừng phạt, với cáo buộc tham gia hoạt động buôn bán ma túy và rửa tiền. Tuy nhiên, ông chủ của Tập đoàn Kings Romans là Zhao Wei lại thoát án phạt tù do cơ quan điều tra không có đủ bằng chứng kết tội.
Cảnh sát Thái Lan họp báo công bố lượng ma túy trị giá 22 triệu USD thu giữ trong chiến dịch truy quét tháng 3/2018. (Ảnh: AFP). |
Trong khi đó, Cơ quan Điều tra đặc biệt Thái Lan đang tập trung điều tra khối tài sản khổng lồ tại khu vực gần biên giới với Malaysia, thuộc sở hữu của tập đoàn MBI, với cáo buộc dính dáng tới hoạt động rửa tiền cho các đường dây buôn bán ma túy. Trong chiến dịch truy quét mới đây, nhà chức trách Thái Lan đã thu giữ 2,7 triệu USD tiền mặt từ các nhà hàng, căn hộ, khu nghỉ dưỡng và nông trại thuộc sở hữu của MBI.
Các chuyên gia nhận định việc hoạt động rửa tiền nở rộ là chỉ dấu cho thấy sự thành công của các đường dây tội phạm xuyên quốc gia trong gia tăng sản xuất ma túy. Theo UNODC, hoạt động cung ứng và vận chuyển ma túy thời gian qua phần nào khắc họa sức mạnh của ngành kinh doanh ma túy.
Sự gia tăng đột biến nguồn cung ma túy trên toàn cầu, dù lực lượng chống ma túy của các nước đang tăng cường triệt phá, được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu tại các thị trường nội địa, đồng thời cung cấp cho những thị trường quốc tế khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Trong năm 2018, Thái Lan đã thu giữ hơn 515 triệu viên ma túy tổng hợp, nhiều hơn tổng lượng ma túy bị bắt giữ tại tất cả các quốc gia trong khu vực trong bất kỳ một năm nào trước đó. Trước đó, nhà chức trách Thái Lan chỉ thu giữ được khoảng 100 triệu viên ma túy tổng hợp vào năm 2013.
Trong năm 2015, Trung Quốc, một trong những địa điểm sản xuất và tiêu thụ ma túy lớn nhất thế giới, đã triệt phá hơn 500 cơ sở sản xuất ma túy tại các tỉnh miền Nam, đỉnh cao của chiến dịch chống ma túy tại nước này.
"Chính phủ Trung Quốc cho biết số cơ sở sản xuất ma túy đã giảm gần 60% trong giai đoạn 2015-2017", UNODC thông báo.
Mặc dù vậy, chiến dịch trấn áp của Trung Quốc không những không làm suy yếu chuỗi cung ứng ma túy tại Đông Nam Á, nó còn củng cố và đẩy mạnh thêm hoạt động của các đường dây sản xuất và vận chuyển ma túy tại khu vực.
Thực tế, các ông trùm ma túy người Hoa đã chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang bang Shan, miền Bắc Myanmar. Những cơ sở sản xuất mới thu hút các nhà hóa học có kinh nghiệm sản xuất ma túy đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Đồng thời, nguồn cung các tiền chất ma túy như ephedrine và pseudoephedrine vận chuyển vào Đông Nam Á cũng gia tăng.
Ma túy trong các túi trà được cho là sản xuất tại Myanmar do cảnh sát Thái Lan thu giữ. (Ảnh: AP.) |
Phill Hynes, người đứng đầu bộ phận phân tích rủi ro tại tổ chức tư vấn an ninh Intelligent Security Solutions trụ sở Hong Kong, cho biết chiến dịch triệt phá của nhà chức trách Trung Quốc đã buộc các đường dây sản xuất ma túy hoạt động tại tỉnh Quảng Đông đi vào hoạt động ngầm.
"Việc này ảnh hưởng tới các đường dây khắp khu vực, nhưng cũng làm chúng trở nên tinh vi hơn", ông Hynes nhận xét.
Hệ quả hiện nay là bang Shan của Myanmar, vùng đất biên giới nơi nhiều năm chìm trong xung đột sắc tộc, với các ông trùm ma túy, phiến quân và lực lượng an ninh cạnh tranh ảnh hưởng, đã trở thành một trung tâm sản xuất ma túy toàn cầu.
"Ngành kinh doanh ma túy có quy mô quá lớn và thu lợi quá nhiều, đến mức nó lấn át nền kinh tế thông thường của bang Shan, trở thành trung tâm trong kinh tế chính trị tại đây", International Crisis Group, tổ chức tư vấn chính sách trụ sở tại Brussels, Bỉ, nhận định.
Richard Horsey, chuyên gia của International Crisis Group, cho rằng nhà chức trách Myanmar khó có khả năng xóa sổ hoàn toàn hoạt động sản xuất và vận chuyển ma túy tại bang Shan chỉ đơn thuần bằng cách sử dụng lực lượng chấp pháp.
"Vì nhiều lý do, như ở gần với nguồn cung cấp các tiền chất ma túy, địa điểm an toàn cho các phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng thuận lợi cho vận chuyển giữa hai nước, bang Shan hiện là lựa chọn lý tưởng để đặt cơ sở sản xuất ma túy", ông Horsey kết luận.
Theo Zing