Lãnh đạo TP.HCM nghe doanh nghiệp hiến kế xử lý bãi chôn rác

Thứ bảy, 10/08/2019, 17:52
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị doanh nghiệp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường TP nghiên cứu tìm hướng đấu thầu xử lý rác tối ưu nhất cho môi trường, ngân sách và phải khả thi.

Ngày 10-8, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã dự cuộc họp lắng nghe doanh nghiệp (DN) đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị trên địa bàn TP.

Cùng tham dự có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Phan Nguyễn Như Khuê và lãnh đạo các sở ngành TP.

Đây là cuộc họp nằm trong chuỗi các hoạt động lắng nghe ý kiến của người dân góp ý, sáng kiến cho phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo TP.HCM.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, môi trường của TP là vấn đề được người dân, các nhà đầu tư rất quan tâm, định hướng là chuyển xử lý rác từ chôn lấp chủ yếu sang biến rác thành điện. UBND TP đã có văn bản chỉ đạo, dự kiến trong tháng 9-10 năm nay sẽ khởi công 2 nhà máy biến rác thành điện với công suất 2.000 tấn/bãi rác.

Lãnh đạo TP HCM nghe doanh nghiệp hiến kế xử lý bãi chôn rác - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi lắng nghe nhà đầu tư hiến kế. Ảnh: Tấn Thạnh

Dù vậy, TP vẫn có những bãi rác với hàng ngàn tấn rác chôn lấp nhưng chưa được xử lý và cũng chưa đưa vào nhiệm vụ xử lý nhằm tránh ảnh hưởng môi trường xung quanh. Khu vực các bãi rác nếu xử lý tốt sẽ có thể phát triển công viên, cây xanh…

"Trong bối cảnh này, có DN báo cáo TP hướng xử lý rác hàng triệu tấn để không bị ô nhiễm, trả lại môi trường sạch cho TP và đã làm thực tế nên có thể khả thi, và TP đã tổ chức họp để lắng nghe. Sắp tới, TP sẽ tổ chức định kỳ cuộc gặp gỡ DN khi có sáng kiến mới, đột phá, TP trân trọng sáng tạo của đồng bào, kiều bào và sẽ có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất nếu giải pháp hiệu quả" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng, cho biết hiện trên địa bàn TP có 2 bãi rác chôn lấp lớn, đã đóng cửa trên 10 năm là bãi rác Gò Cát (tại quận Bình Tân, rộng 25ha) và bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, rộng 40ha), đủ điều kiện xử lý rác chôn lấp và cải tạo bãi rác để sử dụng quỹ đất đó phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp xúc với 1 nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi rác Gò Cát và 8 nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi rác Đông Thạnh. Theo chủ trương của UBND TP, việc lựa chọn các nhà đầu tư phải thực hiện theo quy định hiện hành.

Lãnh đạo TP HCM nghe doanh nghiệp hiến kế xử lý bãi chôn rác - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Công Hồng (ngoài cùng bên phải) đề xuất giải pháp xử lý rác tại bãi chôn lấp Gò Cát. Ảnh: Tấn Thạnh

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, cho biết sau khi nghiên cứu các bãi rác chôn lấp ở Gò Cát, Đông Thạnh, DN thấy bãi rác ở Gò Cát phù hợp chi phí và phương án có thể tối ưu, ít tốn ngân sách của TP. Công ty đã từng thành công với dự án tương tự về xử lý bãi rác chôn lấp lâu năm ở Hải Dương, nên có kinh nghiệm và tự tin với dự án ở TP.

Dù vậy, nhà đầu tư này đề xuất cùng với việc xử lý rác thì mong muốn được tham gia đầu tư phát triển thành khu đô thị sau khi xử lý rác, môi trường xong, thậm chí đề xuất làm quy hoạch 1/500 khu vực này. "Nếu được chấp thuận, DN có thể tự tin trong khoảng 2 năm xử lý xong bãi rác Gò Cát và trong khoảng 3 năm sẽ phát triển thành khu đô thị, nếu đấu thầu thành công và được chọn" – ông Nguyễn Công Hồng nói.

Trước đề xuất của nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, cho biết quan điểm là sẽ tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, nhưng ưu tiên quan trọng nhất là xử lý bãi rác thành công, không ảnh hưởng tới môi trường. Với những bước đề xuất tiếp theo sẽ phải nghiên cứu, trao đổi. Riêng về lựa chọn nhà đầu tư, hiện có nhiều DN quan tâm và TP sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị sẵn các tiêu chí để DN đáp ứng được rồi tham gia đấu thầu để TP chọn nhà đầu tư.

Giao "đầu bài" đấu thầu xử lý rác

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đã giao DN phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu "đầu bài" đấu thầu xử lý rác, gặp lại các DN khác từng đề xuất tham gia dự án này nhằm bảo đảm xử lý môi trường sạch, khả thi cho nhà đầu tư và ngân sách nhà nước ít tốn chi phí nhất.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn