Lãnh đạo Hong Kong: Tôi rút dự luật chứ không phải Bắc Kinh

Thứ năm, 05/09/2019, 16:21
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam nói việc chính thức rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi là quyết định của bà chứ không phải của Bắc Kinh, theo SCMP.

Trong buổi họp báo sáng 5/9, một ngày sau khi rút dự thảo luật dẫn độ, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam được hỏi rằng quyết định rút dự luật là của bà hay của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

"Dự thảo được đưa ra và đề xuất bởi chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong, nhưng trong toàn bộ quá trình, chính quyền trung ương giữ lập trường rằng họ biết tôi đang làm gì và họ ủng hộ tôi", đặc khu trưởng tuyên bố. "Từ những giai đoạn đầu đến ngày hôm qua, lập trường vẫn vậy".

"Không thể coi là tôi đã đổi ý. Ngày 15/6, tôi thông báo dừng dự luật và kết thúc quá trình lập pháp. Đầu tháng 7, khi có quan ngại về diễn biến tiếp theo, tôi nói rằng dự luật 'đã chết'", South China Morning Post dẫn lời bà Lam.

Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam trong cuộc họp báo sáng 5/9. (Ảnh: Reuters).

Khi được phóng viên SCMP chất vấn liệu có phải Bắc Kinh đứng đằng sau hậu trường (các diễn biến), bà Lam chỉ nói chính quyền trung ương ủng hộ chính quyền thành phố qua "các giai đoạn khác nhau của dự luật" và điều đó không thay đổi kể từ khi rút dự luật này.

Việc rút dự luật là một trong 5 yêu cầu của người biểu tình trong cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài từ tháng 6 đến nay. Dự luật này, nếu được thông qua, sẽ cho phép dẫn độ các nghi phạm tại Hong Kong về xét xử tại Trung Quốc đại lục.

Theo South China Morning Post, các yêu cầu còn lại bao gồm là điều tra độc lập việc sử dụng vũ lực của cảnh sát với người biểu tình, ân xá những người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình (1.183 người), chấm dứt gọi người biểu tình là kẻ bạo động và cải cách bầu cử.

Đối với yêu cầu về việc điều tra độc lập các hành động của cảnh sát trong việc kiểm soát biểu tình, đặc khu trưởng cho biết sẽ để vụ việc cho IPCC (Hội đồng Độc lập về các Khiếu nại Cảnh sát).

Đối với các yêu cầu tha bổng cho những người biểu tình bị bắt, bà nói rằng đây là một yêu cầu "không thể chấp nhận được".

Trong cuộc họp báo, bà Lam nói rằng các quyết định được đưa ra dựa trên các cuộc trao đổi với 19 lãnh đạo các cộng đồng trong tháng trước, nhưng không giải thích tại sao lại cần thời gian lâu đến vậy để đáp ứng yêu cầu đầu tiên của người biểu tình (rút lại dự luật).

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích