Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết: “Đến thời điểm này mới xả lũ đập Trà Sư là muộn hơn khoảng 1 tháng so với mùa lũ năm 2018. Nguyên nhân do năm 2019, lũ về muộn và thấp hơn mọi năm”.
|
Rất đông người dân địa phương đến xem xả lũ đập Trà Sư (An Giang) vào sáng 4-10 |
Cũng theo ông Khường, thời gian qua, các đơn vị thi công đang chặn dòng để thi công 2 cống Trà Sư và Tha La. Vì vậy năm nay, chỉ xả lũ duy nhất đập Trà Sư.
|
Xả đập Trà Sư nhằm đưa nước lũ vào vùng Tứ giác Long Xuyên, giúp vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa... |
Theo ông Nguyễn Đức Duy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh An Giang,hai đập Trà Sư và Tha La được xây dựng, đưa vào vận hành năm 2000, nhằm điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây; ngăn lũ đổ về phía Nam Quốc lộ 91, đồng thời bảo vệ sản xuất lúa hè thu và bảo an toàn sản xuất vụ thu đông cho vùng Tứ giác Long Xuyên.
Do hai đập Trà Sư và Tha La vận hành gần 20 năm nên bị xuống cấp, ngoài ra công nghệ đập hơi này hiện đã không còn; do đó ngành nông nghiệp đang tiến hành thi công xây dựng bằng cống bê tông thay thế hai đập cao su Trà Sư và Tha La. Mục đích phục vụ tốt nhiệm vụ kiểm soát lũ cho khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và vùng Tứ giác Long Xuyên. Tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
|
Ngành chức năng đang thi công cống bê tông Trà Sư nhằm thay thế đập cao su Trà Su đã bị xuống cấp |
Khi hai cống bê tông Trà Sư và Tha La hoàn thành sẽ giúp quá trình vận hành xả lũ vùng Tứ giác Long Xuyên được chủ động, linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, hệ thống cống bê tông mới sẽ giúp giao thông thủy lợi được thuận lợi hơn trước đây...
Theo SGGP