Xả đập tràn lớn nhất miền Tây, dân hạ nguồn thỏa cơn khát lũ

Thứ sáu, 04/10/2019, 15:57
8h sáng ngày 4/10, đập Trà Sư chính thức mở cửa xả lũ, người dân hạ nguồn thỏa cơn khát hơn 1 tháng qua. Đồng ruộng được bồi đắp phù sa, cá tôm cũng về theo dòng nước.

Đập Trà Sư chính thức mở cửa xả lũ. Hiện tại, mực nước ngày 4/10 phía ngoài đập Trà sư là 3,25m, còn trong đập 2,18m. Ông Lương Huy Khanh, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết năm nay xả lũ muộn hơn năm trước 1 tháng do lũ về chậm. Trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu, riêng Kiên Giang chỉ còn ít chưa thu hoạch nhưng khi xả lũ không ảnh hưởng nhằm tháo chua, rửa phèn.

Theo Sở NN&PTNT An Giang, năm nay lũ thấp, ít nước, nếu không xả lũ sẽ gây khó cho nông dân, chuột bọ hoành hành, sâu bệnh...

Việc xả lũ thời điểm này là đúng với mong mỏi của người dân, phù hợp với tình hình thực tế tại An Giang và một số địa phương hạ nguồn khác như Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang.

Hiện tại, các đơn vị thi công đang chặn dòng để thi công 2 cống Trà Sư và Tha La (nhằm thay thế 2 đập hơi cao su), nên năm nay chỉ xả 1 đập Trà Sư mà không xả đập Tha La, nhằm chủ động lấy phù sa, tháo chua rửa phèn cho vùng tứ giác Long Xuyên.

Nhiều người dân ở cách khu vực đập Trà Sư khoảng 20km nhưng vẫn tranh thủ đến để tận mắt xem ngành chức năng xả đập, nhìn khoảnh khắc những dòng nước đầu tiên từ thượng nguồn đổ về.

Ông Lê Văn Đổng (77 tuổi), ngụ ấp Trung Bắc Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) có mặt từ sớm. Ông cho biết năm nay lũ muộn sợ không có nước về dẫn đến không có phù sa vào đồng ruộng, đặc biệt là không có cá tôm ảnh hưởng đến đời sống người dân. "Dân tụi tôi rất mừng vì xả nước vào đồng ruộng để lấy phù sa giúp tăng năng suất, giảm chi phí, điều vui hơn cả là cá tôm vào ruộng giúp nông dân mưu sinh, cuộc sống ổn định hơn", ông Đổng nói.

Sau khi đập Trà Sư xả lũ, nhiều người đến khu vực con đập này để chài lưới mưu sinh.

Người dân chủ yếu sử dụng chài lưới. Đây là dụng cụ có thể đón bắt khá hiệu quả dòng cá tôm từ đầu nguồn lũ đổ về.

Con nước về thỏa mong mõi của người dân các địa phương hạ nguồn lũ. Đồng ruộng sẽ đón được nguồn phù sa, người dân thêm cơ hội mưu sinh, bắt được nhiều cá tôm hơn.

Ông Hoài, ngụ xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn đến chài lưới gần con đập Trà Sư. Từ nhà ông đến đây khoảng 30km. Ông cho biết vừa đến đây để bắt cá tôm, vừa để tận mắt xem con nước lũ từ thượng nguồn đổ về như thế nào.

Chuẩn bị đón luồng cá tôm, người dân địa phương chuẩn bị sẵn những chiếc vó. Đây là dụng cụ đánh bắt cá phổ biến của người dân vùng lũ.

Một cánh đồng phía trong đập Trà Sư với những chiếc vó, dớn được giăng sẵn. Rồi đây, luồng cá tôm tràn về, tạo nguồn thu giúp người dân ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Đức Duy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết hai đập Tha La và Trà Sư đã vận hành suốt 20 năm nay để bảo vệ 3.260ha lúa ở vùng tứ giác Long Xuyên và giờ sắp hoàn thành sứ mệnh để chuẩn bị đưa đập mới vào thay thế.

Cũng theo ông Duy, hai đập cao su Tha La và Trà Sư đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Vì thế, năm 2017, Bộ NN&PTNT đã có chủ trường đầu tư xây mới 2 đập này với vốn đầu tư 200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2021.

Tuy nhiên, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ để phấn đấu trong năm 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện tại, công trình đã đạt 70% khối lượng. "Khi 2 cống hoàn thành, việc vận hành sẽ chủ động hơn. Ngoài việc đảm bảo sản xuất lúa còn đảm bảo giao thông đường thủy phục vụ người dân", ông Duy nói.

Theo Zing

Các tin cũ hơn