|
Ngư dân Việt Nam đánh cá trên Biển Đông thường xuyên bị lực lượng Hải cảnh của Trung Quốc ép, đe dọa. |
Ngoài ra, Trung Quốc đơn phương áp đặt các lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông. Trong hai năm 2009 và 2010, Trung Quốc kéo dài lệnh cấm đánh bắt lên 3 tháng, từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8, mùa đánh bắt cao điểm của ngư dân Việt Nam.
Trong một sự vụ nghiêm trọng, tàu hải quân Trung Quốc ngày 9/7/2007 nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa. Trong nhiều trường hợp, tàu ngư chính và hải cảnh của Trung Quốc cố tình va chạm trực tiếp, làm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam, bắt giữ và đòi tiền chuộc nhiều tàu cá của Việt Nam.
Ông Gary Li, một chuyên gia độc lập nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, cho rằng, mục đích của Trung Quốc khi áp lệnh cấm đánh bắt cá là tạo ra quyền cai quản trên thực tế và tiền lệ lịch sử nhằm khẳng định chủ quyền phi lý của họ.
Trong một số sự vụ khác, lực lượng của Trung Quốc đã bắt giữ các tàu cá và ngư dân vào tránh bão trong quần đảo Hoàng Sa, bắt họ ký vào biên bản thừa nhận vi phạm chủ quyền vô lý của Trung Quốc và buộc gia đình họ phải nộp tiền phạt.
Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá theo đợt từ năm 1999, nhưng từ năm 2007 đến nay, hành động của nước này mang tính hăm dọa, quyết liệt hơn, thời gian cấm biển ngày càng dài hơn và các hoạt động tuần tra, bắt giữ và cản phá ngư dân của Việt Nam cũng như những nước liên quan khác ngày càng quy mô hơn, thường xuyên hơn và thô bạo hơn.
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Tàu Trung Quốc liên tục có những hành vi gây hấn, khiêu khích như mở bạt che pháo để uy hiếp, sử dụng vòi rồng tấn công tàu của Việt Nam, sẵn sàng đâm húc gây hư hỏng cho tàu Việt Nam và làm bị thương một số kiểm ngư viên.
Ngày 26/5/2014, tàu Trung Quốc bao vây và đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng cách giàn khoan 17 hải lý ở khu vực phía Nam Tây Nam. Đây là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Suốt từ đầu tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống vào hoạt động trái phép ở khu vực gần bãi Tư Chính, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS.
Theo các nhà nghiên cứu, thái độ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2007 đến nay cho thấy giới lãnh đạo chính trị - quân sự Trung Quốc nhìn nhận Biển Đông chủ yếu ở góc độ địa chính trị và địa chiến lược.
Từ góc nhìn đó, Biển Đông là không gian lợi ích sống còn, là cửa ngõ để tiến xuống khu vực Đông Nam Á và vươn xa hơn để trở thành cường quốc đại dương. Một loạt hành động như trên của Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm đặt toàn bộ Biển Đông dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, không chỉ để bảo vệ quyền lợi về dầu khí và tài nguyên biển, mà còn vì lý do chiến lược và quân sự, như để ngăn chặn bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến Đài Loan.
Theo Tiền Phong