Liên quan đến vụ xâm hại nghiêm trọng vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình vừa có báo cáo, cho biết thời gian qua, cơ quan chức năng đã rất quyết liệt trong xử lý vi phạm. Thực tế có đúng như vậy?
Vẫn hoạt động rầm rộ
Danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014.
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, đến thời điểm này, Ninh Bình có 158 cơ sở kinh doanh homestay với 861 phòng nghỉ. Riêng trong vùng lõi danh thắng Tràng An có 64 homestay. Qua kiểm tra hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch vi phạm Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An.
Một homestay không phép trong vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình kín khách đặt phòng trong ngày 20/10. |
Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình khẳng định sau khi công bố các homestay hoạt động không phép ngay trong vùng lõi quần thể danh thắng này, sở đã khuyến cáo du khách không sử dụng dịch vụ tại các homestay vi phạm. Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, TP xem xét dừng cấp phép, thu hồi giấy chứng nhận ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày đối với những cơ sở lưu trú trái phép.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, sau tất cả khuyến cáo của Sở Du lịch hay xử phạt hành chính của chính quyền địa phương, hàng loạt cơ sở homestay vẫn hoạt động bình thường, lượng khách lưu trú tại các cơ sở này vẫn rất lớn. Thậm chí, ở một số xã trong vùng lõi danh thắng, người dân vẫn lén lút cho xây dựng các homestay để đưa vào kinh doanh du lịch.
Ghi nhận ngày 18-10, các homestay trong vùng lõi danh thắng Tràng An nằm ở khu vực xã Ninh Xuân và xã Ninh Hải của huyện Hoa Lư vẫn hoạt động nhộn nhịp. Thậm chí, trong ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), nhiều cơ sở homestay tại đây dù không treo biển hiệu cũng đều "cháy" phòng, lượng du khách tới lưu trú rất đông.
Đáng nói là như PV đã phản ánh, vào tháng 8-2010, 32 cơ sở homestay ở 2 xã trên bị UBND huyện Hoa Lư xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu dừng hoạt động.
Xử lý còn cả nể
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho rằng để xảy ra tình trạng homestay hoạt động trái phép nhưng chưa xử lý triệt để là do các điểm du lịch này nằm trên đất của người dân, toàn là đất hợp pháp, có "sổ đỏ". Một số địa phương cũng còn cả nể nên không chặt chẽ trong xử lý. Về trách nhiệm của Sở Du lịch, ông Mạnh quả quyết: "Chúng tôi đang rất quyết liệt trong việc xử lý. Trong năm 2018 có tới vài chục vụ xây dựng trái phép trong vùng lõi nhưng năm nay đã giảm hẳn, chỉ còn lác đác 1-2 vụ" (?).
Cũng theo ông Mạnh, về lâu dài, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đang lên các phương án xử lý. Cùng với việc lấy ý kiến chuyên gia, sở xây dựng quy hoạch chi tiết một số địa điểm để đến kỳ điều chỉnh quy hoạch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy hoạch của Quyết định 230. "Chỗ nào mà dân cư không ảnh hưởng tới di sản, phù hợp với cảnh quan thì địa phương sẽ tham vấn chuyên gia rồi xin điều chỉnh quy hoạch, từ đó mới xử lý dứt điểm được các homestay trái phép đang tồn tại. Hôm rồi, các chuyên gia UNESCO có sang làm việc về mô hình homestay, họ không có khó khăn gì cả, bởi sinh kế cộng đồng của người dân cũng là một phần của di sản" - ông Mạnh thông tin.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng khẳng định cái nào phù hợp thì xem xét điều chỉnh cho phù hợp, cái nào sai phạm, xử lý rồi mà vẫn cố tình sẽ kiên quyết xử lý.
"Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã về làm việc và đồng tình với hướng xử lý của chúng tôi. Mong muốn của Sở là vậy nhưng còn xin ý kiến tham vấn của chuyên gia nữa mới quyết định được" - ông Mạnh nói.
Theo NLĐ