|
Những ngày đầu nhà giàn DK1
Hơn 30 năm trước, Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương đã nhìn thấy tầm quan trọng của khu vực DK1 nên đề xuất xây các nhà giàn trấn giữ.
Phòng khách ngôi nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM của đại tá Phạm Xuân Hoa, nguyên Lữ đoàn trưởng 171 treo một tấm bản đồ Việt Nam khổ lớn, nơi những điểm quan trọng ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam được đánh dấu đỏ.
Đại tá Phạm Xuân Hoa, nguyên Lữ đoàn trưởng 171 diễn giải về tầm quan trọng của khu vực DK1. |
Dáng dấp bệ vệ, nét mặt cương nghị, đại tá về hưu vẫn còn nguyên khí chất và sự mẫn tiệp. 30 năm đã qua, ông vẫn nhớ rõ từng mốc thời gian của chuyến hải trình khảo sát khu vực DK1 để phục vụ chủ trương xây dựng các nhà giàn.
Sau khi Gạc Ma và các bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa bị đánh chiếm năm 1988, Bộ Chính trị nhận định Trung Quốc còn dã tâm xâm nhập sâu hơn vào khu vực thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, nơi có nguồn tài nguyên dầu mỏ quý giá.
Đại tá Phạm Xuân Hoa nhớ lại, khi ông đang làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, mỗi lần đi từ đảo Song Tử Tây ở phía Bắc đến đảo An Bang phía Nam, lúc trở về căn cứ, Tư lệnh Giáp Văn Cương đều chỉ huy tàu đi qua khu vực này. "Lúc đó tôi không hiểu vì sao nhưng sau này mới ngẫm ra ông đã có tầm nhìn chiến lược từ rất sớm", ông Hoa nói.
Để cụ thể tầm nhìn ấy, ông Cương đề xuất Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Chính trị xây dựng các Trạm dịch vụ - kinh tế - khoa học - kỹ thuật (DK1) trên 6 bãi ngầm san hô ở thềm lục địa.
Trong đó, bãi ngầm Tư Chính (diện tích 700km2, dài 50 đến 60km,rộng 11km, có chỗ phình ra hơn 20km) cách đất liền Vũng Tàu khoảng 230 hải lý về phía Đông Nam, có vị trí chiến lược quan trọng, là hàng rào, tiền đồn dầu khí vì gần sát nhất các mỏ dầu mà liên doanh Vietsovpetro đang khai thác và khảo sát như: Thanh Long, Bạch Hổ, Đại Hùng...
Đến ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký quyết định về chủ trương xây dựng các công trình trên tất cả bãi đá ngầm DK1.
Gần 20 ngày sau, đại tá Phạm Xuân Hoa cùng Phó Lữ đoàn Chính trị 171 được Tư lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp triệu tập lên trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam ở TP.HCM để giao "nhiệm vụ quan trọng". Đó là khảo sát, đo đạc, xác định các vị trí chính xác các bãi cạn: Ba Kè, Tư Chính, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân để có cơ sở báo cáo cấp trên.
Tư lệnh Giáp Văn Cương chốt lại ở hai gạch đầu dòng: "Thứ nhất, các cậu đã làm xong nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, giờ nhiệm vụ này là số một, rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược vì khu vực này nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam. Thứ hai, nếu các cậu không làm thì sẽ có tội với nhân dân, đất nước".
Dù đã dày dạn kinh nghiệm chỉ huy các tàu thực thi nhiệm vụ trên biển, ông Hoa nhận định việc tiếp cận, đo đạc các bãi đá ngầm không dễ dàng, khi 28 tàu của đơn vị đều đã cũ sau nhiều năm bảo vệ Trường Sa.
Sau nhiều ngày tính toán, lãnh đạo lữ đoàn 171 quyết định chọn hai tàu tốt nhất lúc bấy giờ là HQ713 và HQ688 với lượng giãn nước lần lượt là 400 tấn và 200 tấn để đi. Dù vậy, cả hai cũng là tàu cũ, chỉ đi được 8 - 10 hải lý mỗi giờ, la bàn cũ, độ sai lệch nhiều, không có máy đo sâu, máy định vị vệ tinh... Gió mùa Đông Bắc cũng là trở ngại khiến tàu dễ trôi trạt, khó tìm vị trí.
Bãi Tư Chính nằm trong thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. |
Ông Hoa đã họp thuyền trưởng và các cán bộ phòng trên tàu tìm phương án tốt nhất. Các thành viên tính toán, hải trình từ Vũng Tàu đến Trường Sa là 282 hải lý, với tốc độ của tàu thì mất 30 giờ, trừ đi sức gió làm trôi dạt thì phải xuất phát từ 7h sáng mới có thể đến nơi vào sáng sớm hai hôm sau.
7h ngày 6/11/1988, biên đội gồm hai tàu xuất phát từ Vũng Tàu tiến ra quần đảo Trường Sa. "Từ quần đảo Trường Sa có thể xác định điểm khảo sát đầu tiên là bãi Đá Lát, từ đó mới khảo sát và đo đạc được tọa độ của các bãi ngầm khác. Không có máy đo độ sâu, tổ công tác khắc phục bằng cách dùng dây mồi thắc từng mét một và cột chì để đo", ông Hoa kể.
Trên đường đi, tàu HQ713 bị hư hỏng phải sửa chữa mất bốn tiếng, khiến đoàn bị trễ bốn giờ so với dự kiến. Đến 10h sáng hôm sau, khi ông Hoa nhìn thấy Trường Sa thì thủy triều cũng đang xuống thấp. Bãi Đá Lát hiện ra trước mắt.
"Giờ không phải đến Trường Sa để xác định vị trí của Đá Lát nữa. Các thành viên sung sướng vì nhiệm vụ Tư lệnh giao đã suôn sẻ bước đầu", ông Hoa nhớ lại cảm giác nhẹ nhõm khi đó.
Từ Đá Lát, đại tá Phạm Xuân Hoa chỉ huy tàu đo đạc bãi ngầm Ba Kè rồi xuống Quế Đường, Huyền Trân, Phúc Tần, Phúc Nguyên. Nơi cuối cùng là bãi Tư Chính, từ 12h đến 16h ngày 14/11, biên đội tàu đã đo được 20 điểm ở bãi đá ngầm. Lúc này, biển bắt đầu động, ông Hoa cho tàu thả neo để sáng hôm sau đo lại lần nữa.
Đến ngày 15/11, họ đã đo chính xác 93 điểm của 6 bãi cạn, với diện tích 60km2 trong tổng diện tích 80.000km2 của khu vực DK1. Sau đó, các tàu hành quân từ bãi Tư Chính về đến Vũng Tàu vào hôm sau, hoàn thành nhiệm vụ trong 10 ngày.
|
Đại tá Phạm Xuân Hoa, nguyên Lữ đoàn trưởng 171: "Khảo sát các bãi đá ngầm để xây dựng nhà giàn DK1 là nhiệm vụ số 1, nếu không làm thì có tội với nhân dân, đất nước". |
Bốn ngày sau khi biên đội về đất liền, Tư lệnh Giáp Văn Cương chủ trì cuộc họp nghe báo cáo toàn bộ chuyến khảo sát. "Tư lệnh rất phấn khởi, khen chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", đại tá Hoa kể lại.
Phác thảo về các bãi ngầm ở khu vực DK1 được gửi lên bàn làm việc của Bộ Quốc phòng và những người đứng đầu Chính phủ.
Tháng 12/1988, Thượng tướng Đào Đình Luyện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác đến trụ sở Liên doanh dầu khí Vietsovpetro để "đặt hàng" kế hoạch xây dựng các công trình cố định ngay trong năm 1989 trên bãi ngầm Tư Chính.
Tiếp đoàn công tác là ông Ngô Thường San (nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam), khi đó là Phó tổng giám đốc Vietsovpetro, cùng các chuyên gia kỹ thuật về thiết kế xây lắp công trình biển. Thượng tướng Luyện đã kể lại trận hải chiến Gạc Ma tháng 3/1988. "Chúng tôi đã rất xúc động khi nghe về tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân", ông San nói.
Phía Bộ Quốc phòng đã đề cập với Vietsovpetro về việc làm chân đế (hạ tầng) nhà giàn theo phương án trọng lực của Bộ Giao thông Vận tải, nghĩa là bơm bêtông vào ponton (sà lan) đánh chìm xuống biển. Nhưng họ nhận định rằng phương án này sẽ không ổn định và không phù hợp lâu dài với biển khơi, điều kiện sóng gió, dòng chảy ngầm phức tạp trên nền đá san hô.
Vì thế Vietsovpetro được "chọn mặt gửi vàng" vì có phương tiện và kinh nghiệm xây dựng những giàn khai thác cố định ngoài biển nhiều năm.
Đến tháng 1/1989, Chính phủ yêu cầu "khẩn trương, bí mật, khoán gọn" vừa thiết kế vừa thi công, xây dựng xong trong quý III 3 nhà giàn ở các bãi ngầm Tư Chính, Phúc Tần và Ba Kè.
Trong đó, Viện Nghiên cứu thiết kế thuộc Bộ Giao thông Vận tải được giao làm phần chân đế cho hai nhà giàn Phúc Tần và Ba Kè theo phương án trọng lực. Liên doanh dầu khí Vietsovpetro làm và thi công chân đế theo phương án móng cọc cho nhà giàn Tư Chính. Bộ Quốc Phòng giao Bộ Tư lệnh Công binh thiết kế, sản xuất và thi công bốn khối block (thượng tầng của nhà giàn).
Khi ấy, Bộ Quốc phòng không có ngân sách và ngoại tệ để mua sắt thép, cũng như kinh phí cho việc thi công. "Nhiệm vụ khó khăn và thách thức đối với chúng tôi", ông San nói và giải thích rằng cần sự đồng tình của phía Liên Xô khi thực hiện nhiệm vụ không phải khai thác dầu khí, và tất cả vật tư đều được cung cấp theo kế hoạch từ Liên Xô.
Ngoài ra, để xây dựng các nhà giàn, cần điều các tàu chuyên dụng ra làm việc vùng biển khơi, xa căn cứ logistic; phải thiết kế giàn và chân đế khi chưa biết số liệu ban đầu về nền móng, đặc biệt là nền san hô, khí tượng, hải văn vùng biển có nhiều cơn bão lớn trong năm.
Ông San đã đặt vấn đề với phía Liên Xô xin được sử dụng các ống chống khoan bằng thép đường kính lớn và các đoạn chân đế giàn khoan có sẵn trong kho vật tư; sử dụng ba tàu NPK, Sao Mai 01 và Phú Quý trong thời gian 10 ngày để thi công công trình. Ðề nghị này được phía Liên Xô trong Vietsovpetro đồng tình ủng hộ.
Về phía Bộ Quốc phòng, Đại tá Nguyễn Quý, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Công binh (85 tuổi), khi đó được giao làm Tổng chỉ huy thiết kế, sản xuất, thi công cụm công trình DK1 đầu tiên. "Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng thiết kế thượng tầng nhà giàn vì chỉ cơ quan quân đội mới biết bộ đội cần điều kiện ăn ở như thế nào", ông Quý lý giải.
Chủ trì thiết kế là Viện Kỹ thuật công binh, sản xuất là Nhà máy X49. Để thiết kế nhà giàn, Viện đã mời nhiều cơ quan tham gia tính toán độc lập để đối chứng, tăng độ tin cậy. Các nhà khoa học đã kiểm tra từng chi tiết đến tổng thể công trình về độ bền, ổn định, dao động...
Sau khi block thượng tầng được các nhà khoa học thiết kế xong, nhà máy X49 nhận bản vẽ và sản xuất bốn block nhà giàn với khối lượng hàng trăm tấn thép ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội trong khoảng đầu năm 1989.
Đại tá Nguyễn Quý, với kinh nghiệm làm nhà cao chân ở Trường Sa, đã chỉ đạo lắp dựng thử để đảm bảo chính xác từng thiết bị tương ứng với từng thượng tầng, sau đó đánh dấu, bó lại từng cấu kiện chở vào Vũng Tàu và TP.HCM.
"Làm thế nào để vừa giữ được bí mật quân sự, vừa không lẫn lộn. Tôi suy nghĩ rồi quyết định đánh số 1, 2, 3, 4 sau DK1. Từ cái tên khai sinh này, các nhà giàn được đánh số tương tự mãi đến 20, 21...", nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật kể. Các thượng tầng sau khi đưa vào Vũng Tàu và TP.HCM được lắp ráp dưới sự chỉ huy của các kỹ sư, lãnh đạo Nhà máy X49 và Viện Kỹ thuật Công binh.
Trên nền đá san hô
Xuất phát trên đất liền từ đầu tháng 6/1989, các block nhà giàn cùng vật tư, thiết bị làm nền móng được Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Giao thông Vận tải và Ban dự án xây dựng DK1 của Vietsovpetro chở ra biển qua nhiều đợt.
Để ra bãi ngầm Tư Chính thi công nhà giàn Tư Chính 1, ba tàu của Vietsovpetro mất 3 ngày đi trong mưa bão, nhiều công nhân xây lắp say sóng không thể ăn cơm, chỉ húp ít cháo cầm hơi. Đến chiều 17/6, các tàu đã tiếp cận Tư Chính, các kỹ sư, công nhân bắt tay ngay vào công việc định vị.
Các kỹ sư lập tức đo sonar (một kỹ thuật đo sử dụng sự lan truyền âm thanh dưới nước) khoanh vùng khu vực đáy biển tương đối bằng phẳng ở độ sâu mực nước khoảng 14m, vị trí dự kiến đặt nhà giàn DK1/1 đã được thả phao đánh dấu trong lần khảo sát sơ bộ trước đó.
Nhưng, vào lúc đó, họ bỗng phát hiện ba rãnh có bề rộng tới 12m, sâu khoảng 30m cắt dọc theo hướng Bắc - Nam, nếu xây dựng nhà giàn tại đây, có thể sẽ bất lợi do tác động của các dòng chảy hút.
Cấu kiện của nhà giàn được chuyển từ đất liền, thi công bằng cẩu giữa biển động, sóng lớn. |
Họ quyết định tìm một khu vực bằng phẳng lân cận dịch về hướng Ðông. Lúc này trời đã tối, mọi người sang hết tàu Phú Quý quyết tâm tìm bằng được khu vực hạ đặt nhà giàn trước khi trời sáng.
Và phải đến 10h hôm sau, Vietsovpetro mới khoanh vùng xong hai vị trí xây nhà giàn Tư Chính 1 và Tư Chính 2. Tàu Sao Mai 01 lập tức thả neo để khoan xuống tầng đáy san hô lấy mẫu, từ thiết bị khoan tự thiết kế.
Sau khi hạ đặt khối chân đế theo hướng Bắc nhằm giảm thiểu ảnh hưởng bão theo hướng Ðông Bắc tác động lên nhà giàn, các kỹ sư đã sử dụng búa hơi (hoạt động nhờ vào áp lực khí nén tác dụng vào Pittông tạo ra lực đập lớn) đóng các cọc thép xuyên qua 4 trụ thép tới độ sâu ngập trong đá san hô từ -10 đến -12m. Nhưng cọc số 4 hướng Tây Bắc chỉ đóng được tới -4m, họ quyết định sử dụng loại búa hơi có xung lượng lớn hơn, tuy nhiên chỉ sau vài nhát búa, cọc số 4 bị gãy do không chịu được tải trọng búa.
Ban Chỉ huy thi công quyết định cắt cọc số 4 ở cao độ 7,5m, hàn thêm dầm hộp thép vào lòng cọc, tiếp tục đóng bằng búa xung lượng lớn, và đã hạ cọc số 4 xuống được độ sâu -8m trong đá san hô.
Sau khi căn chỉnh cao độ, họ dùng cẩu lắp khung nối và khối nhà ở bên trên, lắp đặt hệ thống cầu thang và bến cập tàu rồi tiến hành bơm trám xi măng toàn bộ 4 cọc thép.
Để tăng độ ổn định cho nhà giàn, Ban Chỉ huy thi công đã quyết định bơm thêm khoảng 250 tấn vữa xi măng vào khoang thùng thép hàn sẵn dưới đáy của khối chân đế.
Đến chiều 27/6/1989, nhà giàn đầu tiên ở bãi Tư Chính đã hoàn thành, đặt ở vùng nước sâu 23m, cao 39,5m, rộng 25m2, cách mặt nước biển lúc triều cường 11m.
Lúc 15h45 phút, cờ đỏ sao vàng đã phần phật bay cao trên nóc giàn Tư Chính 1 giữa vùng trời Tổ quốc trong niềm vui dâng trào của các kỹ sư Vietsovpetro và các chỉ huy, chiến sĩ công binh.
Theo ông Ngô Thường San, ngoài sóng gió, bão biển, các bãi ngầm với đá san hô có độ rỗng lớn, giòn dễ vỡ, khả năng gắn kết vật liệu thấp cùng dòng chảy phức tạp khiến việc xây dựng nhà giàn gặp nhiều khó khăn. "Trong quá trình thi công, chúng tôi cũng bị phía Trung quốc nhiều lần quấy nhiễu cho máy bay bay thấp đe dọa, hoặc cho tàu vờn quanh", ông San kể.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư lệnh Công binh cũng đã hoàn thành nhà giàn DK1/3 ở bãi Phúc Tần và DK1/4 ở bãi Ba Kè. Nhưng khi xây dựng xong, kết cấu ponton liên tục lắc lư, bộ đội được chỉ đạo khi sóng lớn thì xuống tàu, lúc sóng êm thì lên nhà giàn để ở thử.
"Về lý thuyết, sau khi bơm bêtông vào sà lan để làm nặng chân đế thì không thể đổ được. Nhưng đáy biển không phải là sân bóng, đất liền mà là san hô", đại tá Nguyễn Quý, nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật lý giải.
Cuối tháng 7/1989, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Đức Lương, Trưởng Ban chỉ đạo DK1 mới được thành lập đã chủ trì hội nghị tổng kết xây dựng công trình DK1 đợt đầu tiên.
Tại đây, đại tá Nguyễn Quý đã góp ý về việc gia cố các chân đế, và cung cấp các số liệu thủy văn chính xác, khảo sát đáy biển để chọn vị trí thuận lợi, tiến hành khoan địa chất để thiết kế chân đế và đóng cọc cho phù hợp. Còn Đô đốc Giáp Văn Cương thì cho rằng không nên làm hạ tầng theo phương án ponton vì không an toàn cho bộ đội mình. Sau này, các nhà giàn đều được làm hạ tầng theo phương án móng cọc của Vietsovpetro.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (thứ tư từ trái sang) họp với các lực lượng để rút kinh nghiệm xây dựng nhà giàn, khi ông đang là Trưởng Ban chỉ đạo DK1. |
Các nhà giàn đầu tiên được xây dựng xong thì liên tục bị "nhòm ngó". Tháng 9/1989, nước ngoài cho các biên đội tàu quân sự đến hoạt động, thăm dò các bãi ngầm. Chiến sĩ nhà giàn vừa tổ chức đời sống sinh hoạt phù hợp với điều kiện công tác, vừa phải tập trung vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quan sát theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của tàu thuyền nước ngoài.
Năm 1990, từ thực tế tình hình hoạt động của tàu thuyền nước ngoài ở khu vực biển DK1 và để từng bước tạo thế vững chắc trong bảo vệ chủ quyền ở khu vực này, đặc biệt là bãi ngầm Tư Chính, Nhà nước tiếp tục triển khai xây dựng nhà giàn Tư Chính B (DK1/5) và nhà giàn Phúc Nguyên A (DK1/6) trên bãi ngầm Phúc Nguyên. Khi xây dựng hai nhà giàn này, bộ đội đã phải đứng giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết.
Các nhà giàn DK1/7, DK1/2, DK1/20 được xây dựng từ năm 1991 đến 1998. |
Trước khi đóng cọc vào nền đá san hô (mấu chốt khi làm hạ tầng nhà giàn), đơn vị thi công phải thả cọc và ống chân đế. Nhưng khi đang cẩu lắp chân đế thì bão ập tới, văng, giật, lắc liên hồi. Sau 22 giờ vật lộn với sóng gió, đơn vị thi công mới chỉ cẩu xong được 4 cọc (bình thường thì cẩu - thả một cọc vào ống chân đế chỉ mất 30 phút).
Đến 26/10/1990, một tàu nước ngoài đã xông thẳng vào đội hình đang thi công. Trước tình huống nguy cấp, tàu Hải quân hộ tống đoàn thi công đã bắn cảnh cáo, buộc tàu nước ngoài chạy ra xa.
Vượt qua nhiều khó khăn, các nhà giàn DK1/7 ở bãi Huyền Trân đến DK1/21 ở bãi Ba Kè tiếp tục ra đời, án ngữ một vùng biển rộng lớn của Tổ quốc. Riêng ở bãi Tư Chính, trong hai năm 1994 đến 1995, nhà nước cho xây thêm ba nhà giàn Tư Chính 3, 4, 5 để "chặn đầu, khóa đuôi". Các nhà giàn được gọi bằng nhiều tên như nhà chòi, nhà lô, ngôi làng trên biển hoặc "mắt thần" trên Biển Đông...
Các nhà giàn liên tục được cải tiến, nâng cấp, nhờ hàng loạt các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của đội ngũ các nhà khoa học, đơn vị thi công và góp ý của các đơn vị thực thi nhiệm vụ bảo vệ.
Nhà giàn Phúc Tần A vào năm 2017. |
Đại tá Nguyễn Quý, Tổng chỉ huy đầu tiên và tham gia xây dựng đến nhà giàn DK1/16 (1988 - 1996) kể, với các nhà giàn sau này, Nhà nước đã thuê tàu của Nga phóng sóng siêu âm dưới đáy biển để tạo bản đồ trong phạm vi 1km, sau đó chọn những vị trí tương đối bằng phẳng để làm hạ tầng.
Trước khi đóng cọc vào nền đá san hô, đơn vị thi công phải khoan trước để có bản đồ cắt dọc, phân tích những vị trí mềm, cứng, rỗng... Móng cọc, chân đế được cải tiến, đến nay có khả năng chịu được sóng gió cấp 15.
"Lúc đầu nước mình cũng rất mơ hồ về cái này, thế nhưng mình có cái hay là làm xong thì rút kinh nghiệm, nâng cấp lên một tí, bây giờ mới cơ bản hoàn chỉnh. Thế hệ chúng tôi làm đến đó, thế hệ sau cố gắng giữ gìn.
Từ đất liền qua Thanh Long, Bạch Hổ, Đại Hùng và một số mỏ dầu khác thì đến Tư Chính. Bằng bất cứ giá nào phải giữ được, nếu mất Tư Chính thì mình mất hết, mất hết mỏ dầu và mất hết DK1", đại tá Quý nói.
Còn theo ông Ngô Thường San, nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam, bãi Tư Chính thuộc cấu trúc địa chất được ngành dầu khí gọi là "bể trầm tích tiềm năng chứa dầu khí Tư Chính - Vũng Mây", là một trong các bể trầm tích chứa dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam như các bể Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu đã được PetroVietnam phân lô, tiến hành khảo sát địa chất, đánh giá trữ lượng tiềm năng dầu khí và mời gọi đầu tư nước ngoài.
"Nhà giàn DK/1 ngoài ý nghĩa thu thập thông tin khoa học về hải dương, kinh tế biển, còn là những cột mốc khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa, tiềm năng dầu khí của Việt Nam", ông San nói.
Theo VNE