“Không hề có bạo lực, chúng tôi tự tổ chức rất kỷ luật. Người tháo vát nhất được lựa chọn để quản lý tiền mua thực phẩm. Có người đi chợ, có người nấu ăn. Thứ bảy không có xe tải qua, chúng tôi liên hoan nho nhỏ”, Chinh kể về cuộc sống ở Vietnam City, nơi người Việt từng sống tập trung từ 2008-2018, mòn mỏi đợi những chuyến xe sang Anh.
Chinh là một trong những người mà nhóm nghiên cứu của tổ chức France Terre d’Asile gặp gỡ tại Trung tâm tạm giữ người nhập cư trái phép Coquelles hồi năm 2017, khi họ thực hiện nghiên cứu Đường tới Anh quốc: Điều tra thực địa di dân Việt Nam.
“Cư dân quanh đấy cũng tốt lắm, họ cho chúng tôi tắm giặt mỗi chủ nhật và chúng tôi còn được chơi thể thao”, Chinh nói.
Các di dân Việt đã và đang sống như vậy, “tàng hình trong hữu hình” để tồn tại giữa những nguy hiểm luôn chực chờ.
Một tình nguyện viên nói chuyện với người nhập cư lậu về tin tức ở Việt Nam trong khi họ chuẩn bị bữa trưa bên trong Vietnam City. Người này làm cho Pacific Links Foundation. (Ảnh: Mimi Vũ). |
Dù nằm trong khu rừng còn những tàn tích từ thời Thế chiến I, Vietnam City không giống mọi khu trại tập trung di dân chờ vượt biên khác.
Người dân Angres và chính quyền địa phương giàu lòng trắc ẩn đã cho họ chỗ trú trong khu mỏ cũ. Nước do bà Thị trưởng Maryse Roger-Coupin (lúc đó) cung cấp, củi để đốt lò sưởi và hệ thống điện do Hội hữu ái di dân tài trợ.
Trong các gian nhà xiêu vẹo có giường tầng đầy đủ, nam nữ ngủ riêng. Thậm chí dụng cụ tập thể thao cũng được tình nguyện viên đóng góp. Khu trại sạch sẽ và được sắp xếp hợp lý, với gian bếp, dây phơi quần áo và không gian sinh hoạt chung. Bàn thờ đặt tượng Phật, nhang khói và hoa quả luôn sẵn sàng.
“Khoảng tháng 8/2008, cư dân tìm thấy nhiều người Việt sắp chết đói đang vật vờ tại cánh đồng gần đường cao tốc, dưới những cái lều bằng túi rác. Chúng tôi tưởng là người Trung Quốc”, một tình nguyện viên kể với France Terre d’Asile.
“Trước họ, cuối những năm 1990 thì có người Kosovo lai vãng. Dần dần một nhóm người địa phương có được lòng tin của những di dân này. Họ thường mang súp, nước và chăn tới, thậm chí mời phụ nữ Việt về nhà tắm rửa”, nữ tình nguyện viên cho hay.
Tới tháng 12/2008, những mối thân tình thực sự được kết thành giữa cư dân địa phương và di dân Việt. Họ đón Tết với nhau, cùng ra ngoài xem các trận bóng đá của đội RC Lens, cùng đi chơi khám phá vùng quanh Angres. Di dân Việt còn được dẫn đi tập gym, tham gia giải đạp xe 400km chia làm tám chặng, do vài tổ chức đăng cai nhằm “bảo vệ quyền của người lưu vong”.
Khoảng 100 tình nguyện viên đã giúp “khu rừng” trở nên có sức sống và an toàn hơn. Từ tháng 1/2016, tổ chức Gynécologues sans frontières (GSF) tới trại vào thứ ba hàng tuần để khám sức khỏe định kỳ cho di dân Việt, đặc biệt là di dân nữ.
“Nhìn những phụ nữ và đàn ông sống trong rừng, cùng cực, bất hợp pháp, ngồi xem đá bóng bên các cổ động viên vào buổi tối, vỗ tay, cảm xúc như họ… Ta vừa thấy kỳ diệu, vừa thấy xót xa”, Olivier Thomas, thành viên Hội hữu ái di dân, chia sẻ.
Vietnam City, khu rừng nơi người Việt ẩn náu chờ lúc sang Anh. (Ảnh: Nghiên cứu Đường tới Anh quốc: Điều tra thực địa di dân Việt Nam của France Terre d’Asile). |
“Vietnam City như chỗ dừng tạm, một khoảnh khắc yên bình, nơi di dân có thể nghỉ ngơi sau hành trình dài khó khăn, đôi khi kéo dài đến hai năm nếu họ phải đi qua Đông Âu”, Carine Brunet, đại diện GSF tại Angres, cho hay.
Một phụ nữ Việt Nam đã sang Anh thành công và giữ liên lạc với Brunet qua Facebook tâm sự cùng bà rằng cô rất “nhớ không khí trong trại”.
Dẫu muôn vàn nguy hiểm từ các trại di dân của các quốc gia khác đặt gần đó, “trại hoạt động tốt chính là bởi chỉ bao gồm người Việt và do người Việt quản”, Carine Brunet giải thích. “Người Việt sống rất biết điều, hòa nhã và trân trọng sự giúp đỡ của chúng tôi”.
Người Việt nhập cư lậu được đưa đi trong một lần đột kích ở Calais. (Ảnh: Le Figaro). |
Nhân viên GSF thường được tiếp đón nồng hậu tại Vietnam City và thỉnh thoảng còn ở lại dùng bữa với di dân. Ngay cả những kẻ buôn người, đưa di dân vượt biên cũng tỏ ra thân thiện và tạo điều kiện cho các tình nguyện viên làm việc. Tuy nhiên, Brunet dễ dàng nhận thấy trong trại, mọi phát ngôn đều bị kiểm soát và di dân phải rất thận trọng, nhất là với người không quen biết.
"Trong sân, vài thanh niên chơi bóng bàn, vài người khác chơi cờ vua, trong khi một nhóm phụ nữ vừa rửa bát xong. Khi chúng tôi đến, những tiếng cười vụt tắt, phụ nữ lánh vào trong nhà, mọi người đều nhìn chúng tôi đầy nghi ngờ và sợ hãi", tiến sĩ Danielle Tan kể lại lần đầu thăm Vietnam City.
Không khí chỉ giãn ra đôi phần khi bạn đồng hành của Tan trấn an mọi người và hỏi han xem có ai từng cùng giáo xứ với cô ở Việt Nam. Họ mang hoa quả ra mời di dân trong trại.
"Không ai nói gì trừ người có vẻ là 'đứng đầu' khu trại. Ông ta mời chúng tôi cà phê và cho biết trại có khoảng hai chục giáo dân. Nhiều người vây quanh bạn tôi để cô không di chuyển quanh trại", Danielle Tan viết trong báo cáo của mình cho France Terre d’Asile.
Tan và bạn bà trao đổi với các di dân về cuộc sống của họ, về mong muốn, khó khăn… nhưng chỉ sau hai giờ nói chuyện, không khí lại trở nên căng thẳng. Người “đứng đầu” trại trở nên hung hăng, mất kiên nhẫn: “Nếu các người không thể giúp chúng tôi tìm việc, thì đừng hỏi han nữa!”.
Người di cư tụ tập bên trong Vietnam City. (Ảnh: The Sun). |
Lúc ra về, Tan và bạn bà để lại số điện thoại. “Một giờ sau, một phụ nữ gọi điện và báo với chúng tôi rằng cô chậm kỳ kinh nguyệt đã hai tuần. Cô muốn bỏ đứa trẻ nhưng không thể nói với những người ‘giúp’ vượt biên bởi sợ bị bỏ lại. Cô ấy nhất định đến Anh bằng mọi giá, để trả nợ”, Tan kể. “Chúng tôi đề nghị cô ấy gọi lại vào chủ nhật khi đi tắm ở nhà tình nguyện viên và nhờ tình nguyện viên đó giúp đỡ, tìm giải pháp cho cô gái bất hạnh”.
Carine Brunet nhớ có lần, một di dân làm phiên dịch giúp bà đã tiết lộ về trường hợp một cô gái trẻ bị cưỡng hiếp tại Nga, và khi tới Vietnam City thì đã có thai hai tháng. Cô không nói gì với GSF và hiện sống tại Anh. Brunet hỏi tại sao người đàn ông đó không kể cho bà ngay, thì ông trả lời: “Lúc đó tôi chưa hiểu gì về bà cả”.
Theo các tờ khai của di dân, Brunet ước tính trại chỉ có 10% phụ nữ. Vài trẻ vị thành niên trong khoảng 16-17 tuổi, nhưng rất khó để đoán định vì chúng không khai tuổi thật bao giờ. Brunet chỉ mới can thiệp được hai ca mang thai và kê đơn thuốc cho ba phụ nữ trẻ.
“Họ không nói nhu cầu. Họ chỉ chấp nhận khi chúng tôi nhấn mạnh thuốc là để giúp họ điều hòa chu kỳ”, Brunet cho biết. Ở Vietnam City, mọi cái thai đều là ngoài ý muốn.
Một lần khác, Carine Brunet gặp một cô bé 12 tuổi, bị giữ ở Calais nhưng sau đó trốn thoát, taxi đưa cô bé tới Angres. Sau hai tuần, cô bé sang Anh thành công.
Trại tạm trú của những người di cư (không chỉ người Việt) ở biên giới Pháp. (Ảnh: Nghiên cứu Đường tới Anh quốc: Điều tra thực địa di dân Việt Nam của France Terre d’Asile). |
Một tình nguyện viên gốc Việt liên hệ với gia đình cô bé ở Việt Nam để cảnh báo về tình trạng của đứa trẻ, nhưng gia đình này chẳng thấy có vấn đề gì khi gửi con gái nhỏ một thân một mình đi xa như vậy, với họ đó lại là cơ may bởi cô bé có thể gặp được chị gái ở Anh.
“Cô bé rất may mắn và đã tìm được việc, thậm chí còn sang Đức để học nghề”, Brunet chia sẻ.
Sau này, bà biết được qua Facebook một tình nguyện viên rằng cô bé này đã yên ổn trong một tiệm làm móng.
Vietnam City tại Angres bị tháo dỡ hồi giữa 2018, người Việt mất đi một chỗ nương tựa, nhưng những giấc mơ Anh chưa bao giờ tắt.
Rất nhanh chóng, chỉ hai tuần sau, một “Vietnam City mới” đã mọc lên, nằm cách địa điểm cũ 45km và gần đường cao tốc hơn.
Một phóng sự của BBC hồi tháng hai theo dấu di dân Việt tới nơi ở mới. Theo phóng viên Glen Campbell, mọi thứ trông vẫn rất tươm tất, ngăn nắp. “Vietnam City mới” tiếp tục là điểm dừng chân của những di dân Việt.
Ở đó, họ còn cộng đồng và các tình nguyện viên. Còn sau này, khi đã bước chân lên những container xe tải, không ai chắc chắn được điều gì hết.
Theo Zing