Trung Quốc, Philippines chính thức bàn khai thác dầu khí chung ở Biển Đông

Thứ năm, 31/10/2019, 09:06
Bộ Ngoại giao Philippines mới đây thông báo ủy ban chỉ đạo liên chính phủ Philippines-Trung Quốc phụ trách giám sát các dự án khai thác dầu khí chung của hai nước ở Biển Đông vừa tổ chức cuộc họp đầu tiên ở Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrido Duterte ở Bắc Kinh hồi tháng 4.2019

Cuộc họp diễn ra vào ngày 28.10, nhưng Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) mới công bố thông tin. “Ủy ban đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, thân thiện và sâu sắc về các thoả thuận theo MOU (Biên bản ghi nhớ) và nhất trí gia tăng liên lạc và điều phối về khai thác dầu chí, với mục tiêu đạt tiến triển theo MOU”, DFA cho hay trong thông báo. DFA cho biết thêm hai bên nhất trí tổ chức cuộc họp lần thứ 2 của ủy ban chỉ đạo chung sẽ diễn ra ở Philippines vào năm 2020, theo tờ The Philippine Star.

MOU về khai thác dầu khí chung ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được hai bên ký trong chuyến thăm Manila của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây gần một năm. Trong cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrido Duterte ở Bắc Kinh hôm 29.8, hai bên quyết định thành lập ủy ban chỉ đạo liên chính phủ và ủy ban hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước để xúc tiến việc thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông với tỷ lệ ăn chia 60 - 40 trong đó Philippines nhận phần nhiều hơn.

Hôm 25.10, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. khẳng định tỷ lệ ăn chia 60-40 là “công bằng” vì Trung Quốc là bên chi hầu hết chi phí  cho hoạt động khai thác, theo tờ Philippines Daily Inquirer.

Trong khi đó, thời gian qua, hàng loạt chuyên gia và quan chức Philippines lẫn quốc tế đều ra sức cảnh báo về những hậu quả khó lường đối với Philippines và cả khu vực liên quan đến kế hoạch này. Theo giới quan sát, cái gật đầu của Manila sẽ khiến Bắc Kinh có thêm cơ sở để ép các bên khác trong khu vực chấp nhận đàm phán song phương và hiện thực hóa ý đồ “khai thác chung”, kể cả ở những khu vực không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách đường lưỡi bò phi lý.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích