Cuộc trốn chạy ly kỳ của cựu sếp Nissan sau nhiều tháng chuẩn bị

Thứ năm, 02/01/2020, 15:51
Đằng sau hậu trường, các cố vấn của ông Ghosn đã nghiên cứu một số kịch bản để giúp ông tránh được phiên tòa tại Nhật, nơi hơn 99% bị cáo bị kết án là có tội.

Carlos Ghosn đã trốn từ Nhật Bản sang Lebanon sau nhiều tháng các cộng sự của ông lên kế hoạch nhằm đưa cựu lãnh đạo liên doanh Renault-Nissan đến một quốc gia có môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với các cáo buộc chống lại ông, theo những người biết về chuyện này.

Chính phủ Lebanon đã nhiều tháng yêu cầu Tokyo đưa ông Ghosn, một công dân Lebanon, đến Beirut, nơi họ đề nghị ông sẽ hầu tòa về các cáo buộc tham nhũng, theo một quan chức cấp cao của Lebanon.

Lực lượng chức năng Nhật Bản đã bắt giữ ông Ghosn vào cuối năm 2018, truy tố cựu lãnh đạo của các hãng sản xuất ôtô Renault, Nissan Motor và Mitsubishi Motors về một loạt tội tài chính. Ông Ghosn bác bỏ mọi cáo buộc này.

Ông Ghosn đã được đưa từ nơi cư trú bị tòa án giám sát ở Tokyo lên một chiếc máy bay riêng vào cuối tuần trước, bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó tiếp tục bay tới Lebanon, hạ cánh vào sáng sớm 30/12.

Tòa án Tokyo nói với truyền thông Nhật hôm 1/1 rằng họ đã chính thức hủy bỏ bảo lãnh tại ngoại đối với ông Ghosn và chính phủ sẽ tịch thu 1,5 tỷ yen (13,8 triệu USD) tiền bảo lãnh mà ông đã trả.

Lebanon "không hay biết gì"

Ông Ghosn lớn lên ở Lebanon và được biết đến như là một doanh nhân thành công trên toàn cầu. Đại sứ Lebanon tại Nhật Bản thường xuyên đến thăm ông trong thời gian ông bị tạm giam. Các quan chức Lebanon cho biết ông vào nước này một cách hợp pháp và không phải chịu bất kỳ sự hạn chế nào.

Khi trở về Lebanon, ông Ghosn đã gặp vợ mình, Carole Ghosn, người tham gia giúp chồng đào tẩu. Trong tin nhắn gửi tới Wall Street Journal, bà Ghosn mô tả việc được đoàn tụ với chồng là "món quà tuyệt vời nhất cuộc đời tôi".

Ông Carlos Ghosn bỏ trốn từ Nhật Bản đến Lebanon. (Ảnh: Zuma Press).

Chính phủ Lebanon không biết trước về kế hoạch chạy trốn của ông Ghosn, theo ông Salim Jreissati, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề liên quan đến Tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói chính phủ đã không có bất kỳ liên hệ nào với các quan chức Nhật Bản và đang chờ thêm thông tin chi tiết từ ông Ghosn, người dự kiến ​​gặp gỡ truyền thông vào tuần tới.

"Chính phủ Lebanon không liên quan gì đến việc bỏ trốn của ông ấy", ông Jreissati nói. "Chúng tôi hoàn toàn không biết ​​gì về những câu chuyện xung quanh việc ra đi của ông ấy".

Tuy nhiên, trước khi ông Ghosn bỏ trốn, ông Jreissati cho biết Lebanon đã liên tục yêu cầu Nhật Bản giao ông cho Lebanon và xét xử ông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Chống Tham nhũng mà Lebanon là thành viên. Nhật Bản đã không hồi đáp, ông Jreissati nói.

Quốc vụ khanh Lebanon cũng nhắc lại lập trường đó với Quốc vụ khanh Ngoại giao Nhật Bản Keisuke Suzuki khi ông này tới thăm Beirut tháng trước. Ông Suzuki không lập tức hồi đáp một email được gửi đến văn phòng của ông.

Luật pháp Lebanon chấp nhận để các công dân, như ông Ghosn, bị truy tố về các tội phạm phải ở nước ngoài, miễn hành vi đó cũng là tội ở Lebanon. Ông Jreissati cho biết chính phủ Lebanon sẽ không khởi tố ông Ghosn cho đến khi nhận được bằng chứng từ Nhật Bản.

Lực lượng an ninh canh gác bên cạnh lối vào nơi đỗ xe của tòa nhà thuộc sở hữu của ông Ghosn tại Beirut, Lebanon. (Ảnh: Bloomberg).

"Tổ chức lớn" nào?

Sự thay đổi quốc tế về khu vực tài phán trong vụ án hình sự liên quan đến nhân vật nổi tiếng như vậy sẽ là chuyện rất bất thường. Các công tố viên Nhật Bản phải đối mặt với nhiều tháng bị quốc tế giám sát vì hệ thống tư pháp mà ông Ghosn nói là không công bằng.

Song chính phủ rất bè phái và không ổn định của Lebanon, nơi có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, cũng sẽ khiến toàn cầu theo dõi sát sao khả năng tiến hành bất cứ phiên tòa nào một cách công bằng. Ông Jreissati đã không trả lời câu hỏi về sự công bằng của phiên tòa tương lai ở Lebanon.

Kế hoạch của ông Ghosn là làm sạch tên mình bằng một phiên tòa ở Lebanon. Những người ủng hộ ông tin rằng theo luật pháp Lebanon, các công tố viên có thể làm việc với các đồng nghiệp Nhật Bản để đưa vụ việc ra tòa, dù trong điều kiện ông Ghosn coi là thuận lợi hơn so với ở Nhật Bản.

Các công tố viên Nhật Bản chưa bình luận về động thái này, nhưng trước đó đã bảo vệ hệ thống tư pháp của họ và cho biết ông Ghosn sẽ được xét xử công bằng.

Ông Ghosn bị truy tố các tội về tài chính, bao gồm cáo buộc khiến Nissan không báo cáo hơn 80 triệu USD doanh thu tương lai theo kế hoạch trên báo cáo tài chính của công ty và dùng tiền của Nissan phục vụ lợi ích cá nhân của ông.

Cuộc đào tẩu của ông Ghosn gây bất ngờ cho chính luật sư của ông tại Nhật Bản. Luật sư Junichiro Hironaka cho biết lần cuối ông gặp ông Ghosn là vào ngày 25/12 và dự định gặp lại ông vào tháng 1.

Ông nói chuyến bay của ông Ghosn có thể đã được một "tổ chức lớn" sắp xếp, nhưng không nói rõ hơn. Ông cho biết đội ngũ pháp lý vẫn đang giữ 3 hộ chiếu của ông Ghosn, bao gồm Pháp, Lebanon và Brazil.

Luật sư Junichiro Hironaka trả lời báo chí hôm 31/12 tại Tokyo. (Ảnh: Kyodo/Reuters).

Quyết định lên máy bay bỏ trốn của ông Ghosn xuất phát từ những gì ông cho là ông bị ngược đãi bởi hệ thống tư pháp mà ông tin rằng bất công với các bị cáo.

"Tôi không chạy trốn công lý, tôi chạy trốn sự bất công và đàn áp chính trị", ông nói trong tuyên bố gửi qua email cho các phóng viên sáng 31/12. Ông phàn nàn về "hệ thống tư pháp gian trá của Nhật Bản, nơi mặc định người ta có tội".

Bí ẩn tấm hộ chiếu Pháp

Ông Ghosn, người tuyên bố ông là nạn nhân trong cuộc chiến Nissan-Renault, đã bị giam giữ bốn tháng, trong hai đợt, trước khi tòa án cho ông được tại ngoại vào cuối tháng 4. Ông đặc biệt tức giận với những hạn chế mà tòa án đưa ra về việc liên lạc với vợ ông.

Sau đó, tòa án đã cho ông Ghosn những gì ông coi là sự xúc phạm gấp đôi trong dịp Giáng sinh. Đầu tiên, tòa án từ chối yêu cầu của ông về việc liên lạc với vợ trong kỳ nghỉ. Và tại phiên tòa vào ngày Giáng sinh, ông tin rằng tòa đã trì hoãn việc ấn định thời gian xét xử, khiến ông sợ quá trình pháp lý có thể kéo dài nhiều năm.

Đằng sau hậu trường, các cố vấn của ông Ghosn đã nghiên cứu một số kịch bản để giúp ông tránh được phiên tòa tại Nhật Bản, nơi hơn 99% bị cáo bị kết luận có tội, theo các thống kê chính thức. Chẳng hạn, luật sư và các thành viên gia đình đã kêu gọi giới lãnh đạo Pháp can thiệp. Họ cũng tính toán những gì sẽ xảy ra nếu ông Ghosn đến Pháp, Brazil hoặc Mỹ.

Vẫn chưa biết chính xác làm thế nào ông Ghosn có thể qua mặt lực lượng chức năng Nhật Bản để lên được máy bay riêng đưa ông rời khỏi đất nước. Ông Ghosn trước đó sống trong một ngôi nhà ở Tokyo. Dù được phép rời khỏi nhà, ông được yêu cầu ở lại trong nước chờ xét xử.

Ông Ghosn trên một máy bay của Nissan năm 2006. (Ảnh: Zuma Press).

Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy duy nhất một hành trình phù hợp với sự di chuyển của ông Ghosn, giữa Nhật Bản và Lebanon. Một máy bay tư nhân tầm xa Bombardier rời sân bay quốc tế Kansai gần Osaka, cách Tokyo 6 giờ lái xe về phía Tây, lúc 23h10 hôm 29/12.

Đi qua không phận Nga, máy bay đã đến sân bay Ataturk ở Istanbul vào sáng 30/12, theo dữ liệu theo dõi chuyến bay. Một máy bay nhỏ hơn được vận hành bởi cùng công ty, MNG Jet Havacilik AS có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã rời sân bay Ataturk tới Beirut chỉ hơn nửa giờ sau đó.

Một người trả lời điện thoại tại MNG Jet từ chối bình luận.

Hôm 1/1, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu được nhật báo Hurriyet dẫn lời nói ông không tìm thấy dấu vết nào trong hồ sơ chính thức về việc ông Ghosn gần đây dừng chân ở nước này.

Theo một người biết về chuyện này, ông Ghosn đã nhập cảnh Lebanon bằng hộ chiếu Pháp và thẻ căn cước Lebanon, trong khi luật sư người Nhật của ông nói rằng họ giữ ít nhất một hộ chiếu Pháp của thân chủ.

Ông Ghosn đang ở Lebanon với vợ trong một ngôi nhà của gia đình có lắp hệ thống giám sát. Ông lo sợ bị bắt và đưa trở lại Nhật Bản.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích