"Nhiều người lo ngại về các động thái khiêu khích mới vào ngày sinh nhật của Chủ tịch Kim Jong-un. Thay vào đó, Tổng thống Trump đã gửi lời chúc mừng sinh nhật đến Kim nhằm khẳng định ông sẵn sàng đàm phán. Đây là một ý tưởng tuyệt vời", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trả lời họp báo thường niên hôm nay.
Hôm 10/1, một quan chức Hàn Quốc cho biết Trump đã đề nghị Seoul chuyển lời chúc mừng sinh nhật của ông đến lãnh đạo Triều Tiên. Chính quyền Mỹ cho rằng Kim sinh ngày 8/1/1984, do vậy nhà lãnh đạo Triều Tiên năm nay có thể đã 36 tuổi.
Giới chức Triều Tiên hôm 11/1 thông báo họ đã nhận được lời chúc mừng sinh nhật của Trump gửi đến Chủ tịch Kim. Đây được coi là lời xác nhận chính thức nhất của Triều Tiên về ngày sinh của Kim Jong-un, bởi nước này chưa bao giờ công bố thông tin đó.
Tuy nhiên, Triều Tiên nói rõ trong thông cáo rằng họ đã trực tiếp nhận "thư cá nhân" từ Trump chứ không phải thông qua Hàn Quốc và nói Seoul "tự phụ" khi tìm cách can thiệp vào quan hệ Mỹ - Triều.
Thông cáo cũng chế giễu Seoul vì dường như không biết Bình Nhưỡng có kênh liên lạc riêng với Washington. Bất chấp phản ứng từ phía Triều Tiên, ông Moon liên tục khẳng định việc Mỹ gửi lời chúc mừng sinh nhật cho Kim là bằng chứng cho thấy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vẫn chưa kết thúc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trả lời họp báo thường niên ngày 14/1. (Ảnh: Yonhap). |
"Triều Tiên đã cho thấy rõ cánh cửa đàm phán vẫn chưa khép lại qua việc tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ trở lại đàm phán khi các yêu cầu của họ được đáp ứng", Moon nói về phản ứng của Triều Tiên.
"Các cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên đang tạm dừng, song tôi có thể khẳng định rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim sẽ tiếp tục tin tưởng nhau và duy trì các nỗ lực", ông Moon khẳng định.
Khi được hỏi liệu quyết định của Trump hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani có làm phức tạp hóa nỗ lực thuyết phục Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không, Tổng thống Moon một lần nữa khẳng định việc Trump chúc mừng sinh nhật Kim là dấu hiệu tốt cho thấy Mỹ cam kết đàm phán với Triều Tiên.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên rơi vào bế tắc từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội hồi tháng hai. Triều Tiên tuyên bố "hạn chót" vào cuối năm 2019 để Mỹ đưa ra nhượng bộ, nếu không muốn Bình nhưỡng đi một "con đường mới". Tuy nhiên, "hạn chót" của Triều Tiên đã qua mà không có bất kỳ động thái khiêu khích nào từ phía Bình Nhưỡng, dù Kim từng cảnh báo thế giới sẽ sớm thấy "vũ khí chiến lược mới" của nước này.
Theo VNE