"Sự bùng phát của virus trên quy mô toàn cầu cách đây 4 tháng gần như không tác động gì đến Việt Nam, nếu căn cứ vào số liệu chính thức, dù nước này ở gần Trung Quốc, nơi được cho là xuất phát điểm của cuộc khủng hoảng y tế", nhà báo Kosuke So viết trong bài viết được đăng trên Asahi Shimbun hôm 27/5.
Anh Kosuke So là phóng viên thường trú Việt Nam của Asahi Shimbun, một trong những tờ nhật báo có lượng người đọc nhiều nhất Nhật Bản.
Sống tại Việt Nam trong những ngày căng thẳng nhất dịch, anh ngạc nhiên khi một số người Nhật không tin Việt Nam có ít ca nhiễm như vậy.
Đường phố Hà Nội hôm 23/4. (Ảnh: Reuters). |
So với Việt Nam, nước đến nay mới chỉ ghi nhận 327 ca nhiễm và chưa có ca tử vong, thì Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều, với hơn 16.600 ca nhiễm và 846 ca tử vong, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins.
Nhà báo So chỉ ra cho đến ngày 13-14/2, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và Nhật Bản không khác biệt nhiều, khi Việt Nam mới chỉ có 16 ca nhiễm còn Nhật Bản ghi nhận 41 ca.
Số ca nhiễm tại Việt Nam chỉ bắt đầu tăng nhanh hơn trước sau khi bệnh nhân số 17 được xác nhận vào ngày 6/3, song tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức rất thấp.
Trong cùng giai đoạn này, châu Âu và Mỹ chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về số ca nhiễm.
Về số liệu, bài viết dẫn lời một người Nhật được cho là nắm rõ tình hình: "Cá nhân tôi nghĩ chính phủ (Việt Nam) đã cung cấp số liệu chính xác để người dân hiểu về khủng hoảng".
Dù tỷ lệ lây nhiễm thấp, chính phủ Việt Nam vẫn quyết định triển khai các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, theo bài viết trên Asahi.
Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay thương mại đi và đến Trung Quốc từ ngày 1/2, và, từ ngày 5/2, cấm nhập cảnh với người đã ở Trung Quốc trong vòng 2 tuần trước đó.
Trong khi đó, đến ngày 5/3, tức một tháng sau, Nhật Bản mới bắt đầu cấm nhập cảnh với người thuộc diện này.
Đến ngày 22/3, Việt Nam cấm nhập cảnh với toàn bộ người đến từ nước ngoài. Chính phủ cũng thực hiện cách ly bắt buộc với toàn bộ người Việt Nam về nước. Từ ngày 1/4, việc hạn chế ra đường được áp dụng chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Nhà báo Nhật chỉ ra việc Việt Nam đã quyết định không cho học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết và nhiều lần trì hoãn kế hoạch mở cửa trường học, cũng như việc phong tỏa một thôn "gần Hà Nội".
"Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất từ đầu tháng 2 và chúng đã cho thấy hiệu quả", bài viết dẫn lời một bác sĩ làm việc tại Hà Nội.
Nhân viên y tế tại thôn Đông Cứu, huyện Thường Tín, Hà Nội. |
Nhà báo So nói anh cảm thấy "băn khoăn" khi Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp khẩn cấp mạnh mẽ như vậy, vì trong suy nghĩ của người Nhật, việc buộc những người không có triệu chứng phải cách ly dường như rất khó thực hiện.
"Thực tế, giãn cách xã hội dường như là cách hiệu quả nhất để chống dịch", anh nói, chỉ ra rằng các nước có hệ thống khác với Việt Nam cũng đã bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế.
"Sự khác biệt về ý thức hệ rốt cuộc có lẽ không phải là vấn đề lớn khi mọi quốc gia cùng phải đối mặt với khủng hoảng như lần này".
Nhà báo Nhật Bản cũng nhắc đến việc Việt Nam là nước đầu tiên tuyên bố khống chế được dịch SARS năm 2003, với "những biện pháp tương tự". Chính phủ cũng giải ngân khẩn cấp để hỗ trợ người dân.
Anh So ca ngợi "thái độ không dựa dẫm vào hỗ trợ của nhà nước để vượt qua" dịch bệnh năm đó của người dân Việt Nam và cho rằng điều này "phản ánh sự kiên cường trong tính cách dân tộc".
Theo Zing