Kế hoạch lập ADIZ của Trung Quốc bao trùm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và quần đảo Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa), theo nguồn tin giấu tên từ quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc âm mưu lập ADIZ trên Biển Đông ngay từ hồi tuyên bố sẽ ADIZ trên biển Hoa Đông từ năm 2010 và thực thi năm 2013. Nguồn tin nói rằng giới chức Trung Quốc đang chờ thời cơ để làm việc này trên Biển Đông.
Bắc Kinh vẫn giữ kín điều này. Quan chức phụ trách quốc phòng Đài Loan hôm 4/5 nói rằng ông biết về kế hoạch của đại lục.
Vùng nhận diện phòng không là vùng trời trên một khu vực biển hoặc đất liền không tranh chấp, được lập ra để phục vụ các lợi ích an ninh quốc gia. Nhiều nước đã lập ADIZ nhưng khái niệm này không được định nghĩa hay quy định bởi bất kỳ hiệp ước hay tổ chức quốc tế nào.
Nhiều nhà quan sát quân sự cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và làm xấu quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.
Ông Lu Li-Shih, cựu giảng viên Học viên hải quân Đài Loan tại TP.Cao Hùng, nói rằng việc Bắc Kinh xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông, đặc biệt là những đường băng và hệ thống radar trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn cũng là một phần trong kế hoạch lập ADIZ trên Biển Đông.
“Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy quân đội Trung Quốc đã điều máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay chống ngầm KQ-200 ra đá Chữ Thập”, ông Lu nói về những bức ảnh do hãng ImageSat International của Israel và Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington, Mỹ, công bố gần đây.
Ảnh vệ tinh của hãng ImageSat International chụp cho thấy máy bay chống ngầm KQ-200 của Trung Quốc hiện diện ở đá Chữ Thập
Một điều rõ ràng là các hệ thống giám sát không gian đang được xây dựng trên cấu trúc này, gợi ý rằng các máy bay chiến đấu – cần được bảo vệ trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và lượng muối cao ở khu vực – sẽ sớm được đưa đến đó, ông Lu nhận định.
“Một khi các máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc đến đó, chúng sẽ cùng các máy bay cảnh báo sớm và săn ngầm thực hiện tuần tra kiểu trong ADIZ”, ông nói.
Li Jie, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh và là một sĩ quan quân đội về hưu, nói rằng các nước thường chờ cơ hội công bố ADIZ cho đến khi có đủ phương tiện phát hiện, năng lực chiến đấu và hạ tầng cần thiết để quản lý nói. Chuyên gia này nhận định, nếu có cơ hội, Bắc Kinh có thể sớm công bố ADIZ trên Biển Đông.
“Bắc Kinh tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông từ khi quân đội còn chưa đủ năng lực phát hiện, theo dấu và xua đuổi máy bay nước ngoài”, ông Li nói.
Một nguồn tin quân sự giấu tên nói với SCMP rằng ngoài vấn đề chuẩn bị, Bắc Kinh hiểu rằng biển Đông lớn hơn nhiều so với biển Hoa Đông nên cần sử dụng nhiều nguồn lực hơn.
“Bắc Kinh lưỡng lự tuyên bố ADIZ trên Biển Đông do một số vấn đề kỹ thuật, chính trị và tính toán ngoại giao. Nhưng vấn đề thực tế nhất là quân đội Trung Quốc trước đây chưa đủ khả năng xua đuổi các máy bay nước ngoài trên Biển Đông, khu vực rộng hơn nhiều so với biển Hoa Đông và chi phí hỗ trợ ADIZ sẽ rất lớn”, ông Li nói.
Tháng trước, các máy bay Mỹ, trong đó có máy bay trinh sát EP-3E và máy bay ném bom chiến lược RC-135U, tiến hành ít nhất 9 chuyến bay trên Biển Đông, theo trang web chuyên theo dõi các chuyến bay Aircraft Spots.
Trong cuộc trao đổi với các phóng viên Việt Nam gần đây, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, cho rằng nếu tuyên bố ADIZ trên Biển Đông, Trung Quốc có thể làm ở khu vực phía Bắc Biển Đông trước. Nước này đang kiểm soát quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) nên có thể thực thi hiệu quả. Còn nếu tuyên bố ADIZ ở cả Trường Sa, nơi nhiều nước liên quan đang kiểm soát các cấu trúc thì Trung Quốc khó có thể thực thi và có thể dẫn đến khủng hoảng lòng tin giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
“Trước khi hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, tôi hoài nghi Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông”, bà Glaser nói.
Bà cho rằng Trung Quốc có thể đã lên kế hoạch cho việc này, nhưng các nước như Mỹ, Úc và Nhật Bản cũng có lợi ích khi ngăn chặn điều đó xảy ra. “Chúng ta cần tiếp tục gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng họ chớ nên làm như vậy”, bà Glaser nói.
Theo TPO