Khi Tổng thống Trump trở về sau chuyến đi tới Florida để coi tàu vũ trụ thương mại có người lái đầu tiên phóng lên quỹ đạo tối 30/5, hàng rào cảnh sát đã được thiết lập bên ngoài Nhà Trắng.
Thời điểm đó, các cuộc biểu tình phản đối vụ cảnh sát da trắng ghì chết một người da màu đã chuyển thành bạo loạn, một số cuộc xảy ra ngay tại thủ đô Washington DC, theo Politico.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu hôm 1/6. Ảnh: AP. |
Khi các cuộc biểu tình tiếp diễn trong ngày 31/5, kèm theo bạo lực và tình trạng hôi của vào đêm khuya, Tổng thống Trump quyết định lánh mắt công chúng và tách mình khỏi cử tri ủng hộ, những người cho rằng lời kêu gọi hành xử theo "luật pháp và trật tự" của ông là vô nghĩa.
Trong ngày, người biểu tình đốt phá xe cộ, mặt tiền của nhiều cửa hàng sang trọng, và một phần nhà thờ St. John's.
Cuối tuần qua, nước Mỹ đã chứng kiến một loạt cuộc biểu tình vì vấn đề chủng tộc lớn nhất trong nửa thế kỷ, khiến chính quyền Tổng thống Trump bối rối trong đưa ra phản ứng phù hợp.
Nhà Trắng mắc kẹt giữa một bên là những người ủng hộ nổi giận vì chính quyền không phản ứng nhanh chóng, mạnh tay trấn áp những kẻ hôi của, với bên kia là nhóm cử tri da màu cần được xoa dịu bằng những cử chỉ và ngôn từ mềm dẻo.
Trong 48 giờ đầy biến động, Tổng thống Trump tìm cách đưa ra nhiều thông điệp, nhưng mỗi thông điệp dường như lại có nguy cơ khiến căng thẳng leo thang.
Trong bài phát biểu hôm 1/6 tại Nhà Trắng, giữa tiếng nổ chát chúa của lựu đạn hơi cay và lựu đạn choáng khi cảnh sát trấn áp người biểu tình ngay tại thủ đô Washington, ông Trump nói bản thân là "Tổng thống của luật pháp và trật tự".
"Nhiệm vụ đầu tiên và cao nhất của tôi, với tư cách Tổng thống, là bảo vệ đất nước vĩ đại của chúng ta và nhân dân Mỹ. Tôi đã tuyên thệ thượng tôn pháp luật của đất nước, và đó chính xác là những gì tôi sẽ làm", Tổng thống Trump tuyên bố.
Đó là khởi bước đi chú ý của Tổng thống Trump, sau khi ông trước đó đã lên án cái chết của George Floyd là "thảm kịch chết chóc" và thừa nhận cảm xúc "kinh hoàng, tức giận và đau buồn" của nhiều người dân Mỹ.
Cái chết của George Floyd, xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, tạo ra biến động xã hội ở quy mô chưa từng thấy dưới thời Tổng thống Trump. Một số quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết các cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng đã phải lăn lộn khắp Washington để tìm ra phương án phản ứng chính thức thỏa đáng.
Một số nhân viên Nhà Trắng phải tới văn phòng từ sáng sớm ngày 31/5 để kịp thời gian các cuộc làm việc trước khi biểu tình tiếp diễn.
Một số nhân viên Nhà Trắng di chuyển tới khu vực ngoại ô của thủ đô Washington DC để tham dự buổi gặp mặt được cho là để chúc mừng ông John Ratcliffe, người sắp trở thành giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia.
Trong số những người tham dự buổi gặp mặt có cố vấn an ninh Robert O'Brien, Bộ trưởng Năng lượng Dan Brouillette, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus, và một số nhân vật có tiếng tăm khác.
Trong bức thư gửi Politico, Hạ nghị sĩ Arthur Schwartz, chủ nhà tổ chức cuộc gặp mặt, cho biết mục đích cuộc gặp là để "thảo luận về các cuộc biểu tình bạo lực do truyền thông kích động, nơi nhóm Antifa cướp bóc các doanh nghiệp Mỹ, diễn ra trên khắp cả nước".
Cả Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và con rể kiêm cố vấn cấp cao của Tổng thống là Jared Kashner đều không có mặt tại cuộc gặp. Ông Meadows dành cuối tuần bên gia đình tại ngoại ô thủ đô Washington, trong khi Kushner không có mặt tại Nhà Trắng trong cuối tuần. Con gái của ông Trump là Ivanka được thấy đi dạo ở phía Tây Bắc thủ đô Washington trong ngày 31/5.
Nhân viên Nhà Trắng nhận được email vào ngày 31/5, khuyến nghị họ không tới văn phòng nếu có thể, do khuôn viên Nhà Trắng được đặt trong tình trạng thái an ninh tăng cường.
Những người này cũng được khuyến cáo giấu thẻ công chức chính phủ cho tới khi đến được lối ra vào Nhà Trắng.
Tới ngày 1/6, nhân viên Nhà Trắng nhận được email thông báo có thể ra về lúc 16h. Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết "không bình luận về các quy trình và quyết định an ninh".
Nhiều trợ lý cấp cao của Tổng thống đã tham gia thảo luận về việc Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu chính thức trước toàn quốc về tình trạng bất ổn dân sự.
Một số nhân vật như Chánh văn phòng Meadows muốn ông Trump nhấn mạnh về khía cạnh thượng tôn pháp luật và trật tự, vấn đề then chốt ghi điểm với nhiều cử tri trung thành.
Trong khi đó, các cố vấn như Kushner và Hope Hicks kêu gọi kiềm chế trong phát ngôn, với lo ngại bài phát biểu có thể làm mất lòng những cử tri then chốt, bao gồm người Mỹ gốc Phi và phụ nữ sống ở vùng ngoại ô, những nhóm mà chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đang tìm cách lôi kéo.
Một số khác ủng hộ Tổng thống Trump có hành động quyết liệt hơn chống lại những kẻ bạo loạn.
"Ông ấy không thể làm dịu tông giọng hay cách thể hiện, và là người đọc máy nhắc tồi. Vì vậy, ý tưởng để Tổng thống Trump lên truyền hình và nói những điều để xoa dịu người dân, điều đó sẽ không thể xảy ra", một người giấu tên có quan hệ mật thiết với Nhà Trắng, cho biết.
Tình trạng hôi của tràn lan trong biểu tình ở Mỹ. Ảnh: AFP. |
Trong trao đổi nội bộ, một số trợ lý của Tổng thống cho rằng lý do đằng sau hàng loạt cuộc biểu tình ở các thành phố lớn, bên cạnh cái chết của Floyd, còn bởi sự tức giận trước các lệnh phong tỏa và nền kinh tế đi xuống tại Mỹ.
Vì vậy, Tổng thống Trump cần cân nhắc vài ngày trước khi đưa ra quyết định về bước đi tiếp theo.
Thế nhưng, sáng ngày 1/6, nhiều cố vấn chính trị và những người ủng hộ ông Trump tỏ ra tức giận bởi Tổng thống chưa có bài phát biểu để bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ, hay thông báo về các biện pháp nhằm ngăn chặn biểu tình vào ban ngày biến tướng thành bạo lực.
Các hãng tin tức bảo thủ và trung thành với Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích Nhà Trắng vì im lặng trong suốt ngày 31/5, ngoại trừ một dòng đăng trên Twitter lên án và gọi Antifa là tổ chức khủng bố.
"Sẽ thật tuyệt vời nếu Tổng thống của nước Mỹ ngừng nổi giận với những dòng tweet bằng chữ in hoa và có những hành động quyết đoán thực sự ra dáng một lãnh đạo, thay vì mất tích trong bối cảnh đất nước đang ly tán", Caleb Hull, thành viên đảng Cộng hòa, viết trên Twitter.
Tối 1/6, Tổng thống Trump có bài phát biểu sau một ngày được đưa vào hầm trú ẩn bên trong Nhà Trắng.
Một thành viên đảng Cộng hòa miêu tả các cuộc biểu tình bạo lực là "mỏ vàng chính trị" cho Tổng thống Trump trong năm bầu cử, "tuy nhiên chỉ trong trường hợp Tổng thống tận dụng được thời cơ vào thời điểm ban đầu".
Các cố vấn, bạn bè và đồng minh của ông Trump tìm cách gây áp lực trong suốt cuối tuần để ông chủ Nhà Trắng có động thái nào đó. Một số trợ lý Nhà Trắng thất vọng với phản ứng mà họ coi là yếu ớt của Tổng thống.
Mặc dù vậy, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany đã bác bỏ ý tưởng về bài phát biểu toàn quốc từ Phòng Bầu dục khi xuất hiện trên chương trình "Fox & Friends" sáng ngày 1/6.
"Bài phát biểu quốc gia từ Phòng Bầu dục sẽ không ngăn được Antifa. Điều ngăn được Antifa là hành động, và Tổng thống cam kết với điều đó. Ông ấy sẽ có nhiều cuộc họp về vấn đề này trong hôm nay", McEnany nói.
Bình luận của McEnany phản ánh điều được miêu tả là những gì Jared Kushner đã nói với các trợ lý Nhà Trắng và các cố vấn Tổng thống khác, khi con rể của ông Trump thúc đẩy cách tiếp cận kiềm chế hơn suốt cuối tuần.
Tuy nhiên, khi cả Meadows và Kushner không xuất hiện ở Nhà Trắng hôm 31/5, việc thiếu vắng bóng dáng của các cố vấn thân cận nhất đã tạo ra ấn tượng Tổng thống Trump tự mình đưa ra các quyết định trong thời khắc bước ngoặt của nhiệm kỳ.
Các trợ lý và cố vấn muốn ông Trump phân tích cho người dân Mỹ sự khác biệt giữa biểu tình ôn hòa và những kẻ gây rối bạo lực, như Antifa, nhóm được Nhà Trắng miêu tả là đã châm ngòi cho tình trạng bất ổn dân sự vì lợi ích của chúng. Các cố vấn muốn Tổng thống Trump tập trung vào thông điệp: cần có luật và trật tự nhiều hơn.
Xe ôtô bị đốt cháy trong cuộc biểu tình ở Mỹ. Ảnh: AP. |
"Người lao động Mỹ hoang mang trước biểu tình bạo lực, họ mong mỏi luật pháp và trật tự, không phải tình trạng vô chính phủ. Bài phải biểu chính thức không nhất thiết phải về chấm dứt bạo loạn, nó cần giúp người dân bình tĩnh và mang lại cảm giác an toàn cho những con người đang sợ hãi", một thành viên đảng Cộng hòa nói.
Các cố vấn chính trị tin rằng việc đưa ra một thông điệp nghiêm khắc trên truyền hình sẽ là cú hích chính trị quan trọng, trong bối cảnh dịch bệnh, nền kinh tế ảm đạm và các cuộc biểu tình quy mô lớn.
Nhóm này coi đây là cơ hội để bảo đảm với quốc dân, gồm các khối cử tri then chốt như người cao tuổi và phụ nữ ở nông thôn, rằng đất nước được an toàn, trong khi gây sức ép chính trị chấm dứt các cuộc bạo loạn lên các thị trưởng thành phố và thống đốc bang thuộc phe Dân chủ.
Trong cuộc điện thoại với thống đốc các bang vào sáng 1/6, Tổng thống Trump chỉ trích những người này là "yếu đuối", cho rằng lãnh đạo các bang đã quá nhẹ tay với biểu tình bạo lực.
"Các ông đang phạm sai lầm vì đã biến mình thành những kẻ ngốc. Một số người đã làm rất tốt, nhưng phần lớn thì không", Tổng thống Trump nói.
Trong khi đó, quyền giám đốc phụ trách chính sách đối nội của Nhà Trắng Brooke Rollins hôm 1/6 cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang xây dựng kế hoạch cho những tuần sắp tới, nhưng không nêu cụ thể chính sách mới lúc nào sẽ được công bố.
Theo Zing