Tăng giá "toàn diện và triệt để"

Thứ ba, 13/03/2012, 14:51
Việc giá xăng tăng thêm 10% vào chiều 7-3 đã gây áp lực lớn khiến nhiều loại hàng hóa tăng theo. Những ngày này, ảnh hưởng đầu tiên của giá xăng có thể thấy qua giá lương thực, thực phẩm và vận tải.

 

Hiện tại, giá thực phẩm tại chợ đầu mối TP.HCM chưa tăng,
nhưng theo dự đoán, giá sẽ tăng trong khoảng 7 – 10 ngày nữa.


 Hà Nội: Giá thực phẩm tăng...

Bị ảnh hưởng trực tiếp của đợt tăng giá xăng lần này là các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Theo khảo sát chiều 11-3 ở Hà Nội, tại các chợ đầu mối như chợ Hà Đông, chợ Ngã Tư Sở, chợ Trương Định, chợ Mơ, chợ Phùng Khoang, siêu thị Big C, siêu thị Thành Đô… giá nhiều mặt hàng đã thay đổi do chi phí vận chuyển của nhiều loại hàng hóa tăng theo giá xăng.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ cửa hàng thực phẩm tại chợ Hà Đông, cho biết, “Những thực phẩm gì ở quê chị mua để bán cho người dân giá tăng ít, nhưng thực phẩm ở trong Nam hay ở các nơi khác mang về thì tăng mạnh”. Chị bảo, có lẽ do giá xăng tăng.

Anh Đỗ Trọng Tấn, bán thịt tại chợ Trương Định, nói: “Sau khi giá xăng tăng, giá thịt cũng tăng theo. Thịt lợn tăng thêm từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, thịt bò tăng hơn 20.000 đồng/kg. Nếu cứ theo giá xăng thì loại thực phẩm này còn có thể tiếp tục tăng thêm vài ngàn đồng/kg trong thời gian sắp tới”.
Hà Nội đang có tình trạng người dân tới các siêu thị mua thực phẩm đóng hộp như thịt hộp, cá hộp, mì tôm… vì sợ giá cả các loại thực phẩm này sẽ tăng theo phí vận chuyển. Nhiều siêu thị, cửa hàng tạp hoá vì thế rơi vào tình trạng thiếu hàng để bán. Giá hàng ở nhiều siêu thị, cửa hàng điện máy đang rậm rịch tăng do nhà cung cấp thiết lập giá mới tính theo giá xăng.

... TP.HCM: chợ đầu mối giữ giá cũ

Tại TP.HCM, giá một số mặt hàng thực phẩm bán ở các chợ, cửa hàng bắt đầu nhích lên, dù chỉ vài trăm hay vài ngàn đồng. Song, tại chợ đầu mối, hàng hóa về khá dồi dào, giá chưa tăng.

Sáng 11-3, tại chợ Rạch Ông, quận 8, sườn non heo loại ngon được bán với giá 125.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với năm ngày trước. Người bán lý giải: giá xăng tăng, cộng thêm trời nắng nóng nên chi phí vận chuyển và thịt hư hỏng nhiều hơn. Người bán rau, củ, quả chợ Thái Bình, Hoàng Hoa Thám thì tăng giá khéo léo hơn. Chẳng hạn cà chua vẫn giữ ở mức 12.000 đồng/kg, nhưng quả to, ngon bán giá 14.000 đồng/kg, loại xấu hơn bán giá 12.000 đồng/kg.

Tiểu thương các chợ lẻ cho biết, giá mua hàng tại các chợ đầu mối Bình Điền, Tam Bình, Hóc Môn chưa tăng, nhưng chi phí vận chuyển tăng, khoảng 10.000 – 30.000 đồng/chuyến, nên phải chọn cách len lách để kiếm chi phí bù vào tiền xăng, tránh lỗ.

Ở chợ đầu mối Tam Bình, do nông dân đang vào vụ sản xuất chính, nguồn cung dồi dào nên mặc dù cước vận chuyển tăng, tiểu thương cũng không thể tăng giá. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, giá thực phẩm gia súc, gia cầm chưa có biến động do nguồn cung khá dồi dào. Thậm chí, heo hơi và gia cầm còn ở mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Heo hơi còn 40.000 – 45.000 đồng/kg, gà công nghiệp còn 28.000 – 30.000 đồng/kg tại trại.

Trong khi đó, tại các siêu thị, đến thời điểm này vẫn chưa có nhà cung cấp đề nghị tăng giá. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark, giá xăng tăng ảnh hưởng dây chuyền đến hàng loạt các vấn đề khác trong kinh doanh nên siêu thị khó mà lắc đầu trước các đề nghị tăng giá được.
Giá xăng tăng, kết hợp giá sữa, giá gas, giá điện tăng, nếu một người có thu nhập ổn định với mức lương 4 – 5 triệu đồng/tháng sẽ rất vất vả trong việc cân đối giữa các khoản ăn uống – đi lại – học hành – khám chữa bệnh… cho vừa thu nhập.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, kinh nghiệm từ những đợt điều chỉnh xăng dầu lần trước thì những tác động tăng giá xăng dầu sẽ rõ rệt sau một tuần đến mười ngày, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Mức tăng còn tuỳ thuộc vào sức mua và sức chịu đựng của người tiêu dùng. Vấn đề hiện nay là thị trường vừa bước qua một đợt tăng giá mạnh nên trước bất cứ đề nghị tăng giá của nhà cung cấp nào, bộ phận thu mua cũng rất thận trọng. Hiện Co.opmart đã chủ động dự trữ một lượng hàng lớn để kéo dài thời điểm tăng giá, tránh tăng giá đồng loạt.
Theo ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc siêu thị Citimart, hiện chưa có nhà cung cấp nào gửi thông báo sẽ tăng giá vì lý do giá xăng dầu. Theo ông, nhà cung cấp muốn áp dụng giá mới phải gửi thông báo bằng văn bản trước 15 hoặc 20 ngày, thậm chí 30 ngày. Nếu siêu thị còn hàng trữ, thì sẽ chờ bán hết hàng mới cho nhập sản phẩm giá mới.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Chợ đầu mối Bình Điền, cho rằng, khoảng một tuần nữa, ảnh hưởng của việc tăng giá xăng lên giá hàng hóa, thực phẩm sẽ thể hiện rõ hơn.

Vận tải bình dân tăng trước...

Nhiều ngành vận tải ở TP.HCM đã thông báo tăng giá cước vận tải. Tăng giá nhanh và sớm nhất là “dịch vụ vận tải bình dân” như xe ôm, xe lôi, tải nhỏ… Ngày 11-3, tại bến xe Miền Đông, nhiều người hành nghề xe ôm cho biết, giá xăng tăng nên cước xe ôm cũng bắt buộc phải tăng theo. Một tài xế xe ôm nói, thông thường, mức cước xe ôm dao động từ 5.000 – 8.000 đồng/km nhưng giờ phải tăng lên 6.000 – 10.000 đồng/km.

Anh Nguyễn Hưng, chủ một xe lôi đang hoạt động tại khu vực bến xe Miền Đông, cho biết, mức giá cũ khoảng 15.000 đồng/km nhưng giờ “anh em ở đây đã tự động tăng lên khoảng 20.000 đồng/km”.

Trong khi đó, hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết, các hãng taxi đã thống nhất tăng giá cước từ 500 – 1.500 đồng/km. Thời gian tăng sẽ bắt đầu từ ngày 12-3. Trong khi đó, nhiều hãng xe đò liên tỉnh chất lượng cao đang cố gắng cầm cự và “nhìn mặt nhau” chứ chưa dám tăng giá vé vì sợ mất khách. Tuy nhiên, tại bến xe Miền Đông, một số doanh nghiệp nhỏ, có số lượng xe ít, đã thông báo điều chỉnh giá vé cước vận tải, trong đó các tuyến về miền Trung, miền Bắc đã áp dụng mức giá tăng khoảng 5 – 10% so với giá cũ.

Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa đi về các tỉnh miền Tây cho biết, do giá xăng dầu tăng và bộ Giao thông vận tải quyết định không giảm phí sử dụng cao tốc TP.HCM – Trung Lương trong cùng thời điểm khiến ngành vận tải hàng hoá đi về các tỉnh miền Tây bị ảnh hưởng rất nặng.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, do chi phí xăng dầu chiếm đến 40 – 50% giá thành vận tải, nên khi giá xăng dầu tăng từ 5 – 10% như hiện nay thì giá cước vận tải phải tăng tương ứng khoảng 2 – 5%. Các tuyến về miền Tây, do phải chịu mức phí của cao tốc TP.HCM – Trung Lương nên có thể tăng giá cước cao hơn. Thời gian tăng giá cước sẽ được một số doanh nghiệp áp dụng ngay đối với những khách hàng mới, còn những khách hàng cũ sẽ đàm phán lại hợp đồng phí vận chuyển cho phù hợp hơn.

Riêng với ngành vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.HCM, ông Lê Hải Phong, giám đốc trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho biết sẽ không điều chỉnh giá vé theo giá xăng, dầu tăng.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn