Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đã bắt đầu. Làm thế nào để ôn tập hiệu quả là băn khoăn của không ít sĩ tử. Các thủ khoa sẽ “mách nước” giúp thí sinh.
Hoài Thương, thủ khoa khối C năm 2009, trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn. (Ảnh: Vũ Anh/Vietnam+)
Khối C: Học theo sơ đồ tư duy
Nếu khối A với các môn toán, lý, hóa là những môn đòi hỏi tính tư duy, logic cao thì đặc thù của khối C là những môn đòi hỏi sự lí luận, trừu tượng. Đề thi đại học, cao đẳng khối C vừa đòi hỏi phải học thuộc lòng, vừa yêu cầu khả năng tư duy và liên hệ thực tế làm nhiều bạn lo lắng.
Theo Hoài Thương, thủ khoa khối C năm 2009, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, bí quyết ôn các môn khối này là học theo sơ đồ tư duy.
Cụ thể, với môn văn phải thường xuyên luyện viết, tự tìm những chủ đề, đề bài hay cùng với việc tham khảo những bài viết mẫu. Chiêu “văn ôn võ luyện” này sẽ vừa giúp ôn lại kiến thức, vừa làm cho mạch văn trôi chảy, ý tứ rõ ràng mạch lạc hơn.
Môn sử thường là môn khó “nhai” nhất đối với các thí sinh trong quá trình ôn thi bởi một khối lượng kiến thức quá lớn, bao gồm cả ngày tháng, số liệu của sự kiện, khó học thuộc, học rồi lại khó nhớ lâu.
Nhưng Thương cho biết, chính ở môn này, việc sử dụng bản đồ tư duy lại phát huy hiệu quả hơn cả. Các sĩ tử nên lập đề cương cụ thể, lập dàn ý theo sơ đồ cây, vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa dễ hình dung được mối liên hẹ giữa các sự kiện. Khi hiểu được mối quan hệ đó, việc nhớ kiến thức không còn quá khó.
So với văn và sử, môn địa lý có vẻ “nhẹ cân” hơn, lượng kiến thức ít hơn và gần với đời sống hơn. Vì thế, đây thường là môn gỡ điểm trong kì thi đại học. Để gỡ được tối đa số điểm từ môn này, khi học, thí sinh nên kết hợp với Atlat, bản đồ địa lý Việt Nam.
Khối D: Sử dụng phương pháp loại trừ
Mai Vũ Phương Nguyên, thủ khoa khối D năm 2011của Trường Đại học Kinh tế Luật, Thành phố Hồ Chí Minh với 26 điểm cũng có những bí quyết ôn thi khá thú vị.
Theo kinh nghiệm ôn thi của Nguyên, sử dụng phương pháp loại trừ để đưa ra đáp án là một cách làm bài thi rất hiệu quả, nhất là ở môn tiếng Anh.
Nguyên cho biết, với môn Anh văn thì ngữ pháp, từ vựng là nền tảng để làm tất cả các câu hỏi. Khi làm bài thi trắc nghiệm, tuyệt đối không bỏ trống câu nào. Trong trường hợp không biết đâu là đáp án chính xác, thí sinh nên bình tĩnh kiểm tra từng đáp án một, tận dụng triệt để phương pháp loại trừ để chọn kết quả.
Môn toán, sau khi học lý thuyết và làm hết những bài tập mà thầy cô cho trên lớp, có thể tìm thêm một số bài toán để thử sức mình (bạn có thể giải đề các năm trước, giải đề trong các sách luyện thi…).
Để làm tốt bài thi môn văn, thí sinh nên chịu khó học bài, đọc thêm tài liệu để có thêm ý giúp mở rộng dẫn chứng và học cách diễn đạt. Đặc biệt, trong quá trình làm bài, bạn phải dự trù thời gian cho mỗi câu, viết đủ ý và diễn đạt logic.
Khối A: Bài dễ làm trước, bài khó làm sau
Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Bịu, xã Liên Bão, Tiên Du, Bắc Ninh) trở thành thủ khoa khối A của trường Đại học Ngoại thương với tổng số điểm 30/30 trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2009.
Khi được hỏi về bí quyết để làm bài tốt trong kỳ thi đại học Nguyệt không ngần ngại chia sẻ: “bài dễ làm trước, bài khó làm sau là phương pháp ôn thi của mình”.
Theo Nguyệt, các môn khối A, khi học lý thuyết mù mờ thì bài tập cũng mù mờ. Do đó, cần nắm chắc lý thuyết để áp dụng vào bài tập và làm thật nhiều bài tập để củng cố lại lý thuyết.
Chẳng hạn, với toán tích phân, thí sinh cần nắm vững các đặc trưng của nó như đổi biến số thì phải đổi cận, đổi vi phân, đổi hàm số.
Về phương trình lượng giác, thí sinh nên chú ý sử dụng công thức hạ bậc, góc nhân đôi, góc nhân ba, biến đổi tích thành tổng, biến đổi tổng thành tích để đặt thừa số chung.
Ở môn hóa, đề thi đại học, cao đẳng thường chia đều số lượng câu hỏi lý thuyết và câu hỏi tính toán. Thí sinh cần đọc kỹ đề bài và lướt qua phần đáp án A, B, C, D, nhận định đúng dạng bài tập và phương pháp giải dạng bài tập đó.
So với hai môn toán và hóa, môn lý có dung lượng lý thuyết lớn hơn. Thí sinh nên làm ngay các câu dễ, các câu phức tạp, khó nên lướt qua rồi sau cùng sẽ quay lại giải quyết nếu còn thời gian.