Bình Dương: Người chế tạo xe ôtô lội nước

Thứ sáu, 13/04/2012, 13:53
Từ nhỏ anh đã tự mày mò sáng chế ra những món đồ chơi điện tử theo trí tưởng tượng của mình, lớn lên anh tiếp tục ấp ủ những đam mê sáng chế ở cấp độ cao hơn. Đó là chiếc máy mài cam cò, cánh cửa đóng mở bằng sóng vô tuyến và giờ đến việc chế tạo thành công một chiếc xe ôtô lội nước. Anh là Nguyễn Ngọc Trí, sinh năm 1963, ngụ đường Hoàng Hoa Thám, phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương.


Các tin khác

>> Bí ẩn hiện tượng gà đồng tính
>> Phố người Việt ở Sydney
>> Giải cứu người bị cuốn tóc vào máy mátxa
>> FDA kêu gọi không kháng sinh trong chăn nuôi


Chiếc xe không giống ai

Căn nhà xưởng nhìn khá hoành tráng với đầy đủ các loại máy móc cơ khí thiết yếu tiện dụng cho việc sửa chữa, chế tạo máy móc. Anh đã đầu tư vào đây hàng trăm triệu đồng để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo và thực hiện giấc mộng hơn 10 năm của mình là chế tạo chiếc xe ôtô ba bánh dùng để chạy trên đường bộ, nhưng khi xuống nước chiếc xe trở thành một chiếc ca nô, rất tiện lợi. Chiếc xe đang được “trùm mền” nơi góc xưởng chờ... kinh phí để tiếp tục hoàn thiện phần trang trí bên ngoài.

Anh Trí tự hào giới thiệu vài nét cơ bản về chiếc xe đặc biệt của mình: “Khi chạy dưới sông, sát bờ, tài xế phải rút kính chiếu hậu vào trong. Khi chạy trên đường bộ cần phải xòe kính chiếu hậu ra ngoài để quan sát phía sau”.

Anh Trí lần lượt thao tác từng bộ phận trên xe. Anh bấm nút, hai bánh sau co lên để lộ dưới lườn xe một thiết bị hình trụ trông giống như ống xả. Đó là ống thổi thủy lực hay ống phản thủy lực đẩy chiếc xe lướt trên mặt nước. Giữa lòng ống là cánh quạt chân vịt để hút nước đầu vào và đẩy nước ra để tạo phản lực.

Nghe anh Trí trình bày nghe có vẻ rất đơn giản nhưng thực tế anh đã mày mò và chế tạo đến lần thứ ba mới thành công thiết bị quan trọng này. Lần chế tạo thứ nhất, thiết bị phản thủy lực chỉ đẩy trong 10 giây đầu, sau đó hút ngược khiến chiếc ôtô lội nước... chạy lùi.

Lần thứ hai, thiết bị phản thủy lực đẩy tới được nhưng chạy rất chậm. Đến lần thứ ba, thiết bị phản thủy lực có khả năng đẩy chiếc ôtô chạy ổn định trên mặt nước với vận tốc 30 km/h. Khi muốn vào cua dưới nước lẫn trên bờ, người điều khiển chỉ việc xoay chiếc vô lăng (bánh lái) đặt trước ghế lái như mọi chiếc ôtô khác.

Ở dưới nước, qua hệ thống truyền động từ vô lăng, chiếc ống phản thủy lực sẽ nghiêng lệch về bên trái hoặc bên phải theo ý tài xế. Chiếc ôtô trượt nước này không sử dụng công nghệ đổi hướng lái cắt rẽ nước như những phương tiện giao thông thủy từ trước đến giờ.



Mặt trước chiếc ôtô lội nước và tác giả Nguyễn Ngọc Trí
 

Ống xả được thiết kế duỗi cao về phía sau đuôi xe, có thể phụt lửa, khói và tiếng gầm rú. Có người đã trả giá mua cái ống xả đặc biệt này hơn 100 triệu đồng nhưng anh Trí dứt khoát không bán. Trí bấm một chiếc nút khác trên bảng điều khiển, cặp kính chiếu hậu xếp vào xòe ra rồi trượt vào trong. Hệ thống phản thủy lực là một trong những món thiết bị do anh tự sáng chế 99%.

Con số 1% trong thiết bị này là bạc đạn và kim loại, 99% còn lại là những đường vân, rãnh tạo nên cơ chế vận hành là do anh sáng tạo. Trừ động cơ của chiếc ôtô lội nước là chiếc máy ôtô 3 xi lanh, 3 bánh xe và một số thiết bị điều khiển điện tử, còn lại các cơ phận khác đều được anh Trí chế tạo thủ công.

Tuy vậy nhưng rất tinh xảo không thua kém bất cứ món thiết bị nhập ngoại nào. Chiếc thùng ngăn nước khoang lái được chế tạo bằng composic nhẹ. Để có chiếc thùng này, anh đặt thợ tạo khuôn đúc riêng theo mẫu thiết kế do anh vẽ rồi mua vật liệu về nấu, đúc.

Anh Trí cho biết, chiếc xe xem như đã hoàn thiện phần kỹ thuật, và kiểu dáng bên ngoài. Nhưng hiện tại anh đang trùm mền chiếc xe mà anh đã đầu tư hơn 700 triệu đồng và 10 năm công sức để chờ có vốn hoàn thành khâu cuối cùng.

Chiếc xe có độ dài 4,52m; Ngang 1,62m; Cao 1,55m. Tốc độ tối đa trên đường bộ 120km/giờ; tốc độ tối đa dưới đường thủy 34 km/giờ. Mức tiêu hao nhiên liệu đường bộ 6 lít/100km. Mức tiêu hao nhiên liệu đường thủy 12 lít/100km. Anh đặt tên cho chiếc xe lội nước của mình là KYLYX. Và đầu năm 2012, chiếc xe đã được anh chạy thử nghiệm trong một doanh trại quân đội và rất thành công.

Trí "cam,cò"

Sở dĩ người ta gọi anh là Trí “cam, cò” vì anh được xem là người đầu tiên chế tạo thành công chiếc máy chuyên mài cam, cò cho xe gắn máy duy nhất ở Việt Nam.

 Anh kể, nhà có đến 10 anh chị em nên cuộc sống gia đình rất nghèo khó. Chính vì thế nên từ nhỏ, mỗi khi có được chút tiền quà vặt anh liền dành dụm để mua những thiết bị điện tử cũ về tự chế tạo cho mình những món đồ chơi yêu thích. Trong số anh chị em, có lẽ anh là người mê sáng chế nhất, và ước mơ sau này sẽ trở thành một kỹ sư chế tạo máy. Nhưng ước mơ của anh bị cái nghèo “đánh cắp”. Học hết cấp ba, anh bươn chải mưu sinh bằng cách đi khắp các vùng quê lùng mua xe gắn máy cũ, hư đem về tự sửa chữa cho hoàn chỉnh rồi bán lại kiếm lời.

Anh Trí cho biết, thời đó, hầu hết xe gắn máy cũ đều mắc chứng “bệnh” cam, cò kêu. Chiếc nào chạy, tiếng máy cũng kêu “tì tạch” do bị mòn cam, cò nhưng không có phụ tùng để thay thế. Các thợ sửa xe chỉ biết sửa bằng cách mài bằng tay và “độ, chế” lại để xài tạm, nhưng chỉ được một thời gian lại hư tiếp.

Không có kiến thức về kỹ thuật cơ khí nhưng anh quyết định sáng chế một chiếc máy mài cam, cò.  Anh mua sách, tài liệu về nghiên cứu. Sau vài tháng miệt mài lao động, anh chế tạo thành công chiếc máy mài cam, cò có độ chính xác cao. Nhờ phát minh này mà mọi người đều biết đến Trí “cam, cò” và cuộc sống của gia đình anh được phất lên từ đấy.

Từ khi có nhà cửa khang trang, anh lại nảy ra ý định chế tạo một thiết bị điện tử gia đình hiện đại hơn, đó là cánh cửa đóng mở bằng sóng vô tuyến. Thời điểm ấy, việc điều khiển máy móc bằng sóng vô tuyến là chuyện chỉ có trong phim ảnh. Khi anh “khoe” ý tưởng ấy với bạn bè, mọi người bảo anh khùng vì trình độ văn hóa của anh có hạn thì làm sao chế tạo nổi một thiết bị “khoa học viễn tưởng” kiểu Mỹ ấy được. Nói là làm, sau thời gian tự nghiên cứu, anh đã chế tạo thành công cánh cửa đóng mở bằng bộ điều khiển từ xa. Dù thành công với thiết bị này nhưng anh chỉ để sử dụng trong gia đình chứ không bán ra ngoài.

Đến năm 1992, một người bạn kinh doanh mắt kính rủ anh đi TP. Hồ Chí Minh mua máy đo thị lực. Đến nơi, người bạn này tá hỏa khi biết chiếc máy có giá đến 8.000USD. Anh Trí biết chiếc máy được sản xuất ở Nhật nên giá thành cao ngất ngưởng là phải, nhưng loại máy này không phù hợp với vóc dáng người Việt.

Dù chưa biết gì về cơ chế hoạt động của chiếc máy đo thị lực, nhưng anh Trí hứa với người bạn sẽ chế tạo một chiếc như vậy. Chỉ một năm sau, Trí đã hoàn thiện chiếc máy đo thị lực. Ngoài việc đẹp, tinh xảo, phù hợp với vóc dáng người Việt, chiếc máy còn hoạt động hiệu quả hơn với nút bấm nâng mặt bàn lên xuống bằng bộ vi mạch tự động ngắt điều khiển, trong khi máy của Nhật thì điều khiển nút bấm bằng tay. Một điều quan trọng là chiếc máy “made in Nguyễn Ngọc Trí” này có giá thành rẻ hơn 10 lần máy của Nhật.

Sáu năm sau, khi đã có vốn trong tay, Trí mua đất mở quán cà phê và xây một nhà xưởng để tiếp tục thực hiện ước mơ chế tạo của mình.

Năm 2002, khi việc kinh doanh quán đi vào ổn định, anh Trí để cho vợ quản lý việc buôn bán còn mình tập trung vào việc chế tạo ôtô lội nước.

Suốt 10 năm, tiền lãi từ quán cà phê anh đều dồn hết vào việc đầu tư, chế tạo. Lúc đầu, vợ vui vẻ cùng anh “nuôi” chiếc xe lội nước, sau này thấy anh cứ chi tiền vào việc không sinh lãi nên chị dè sẻn chi tiêu. Để có tiền mua phụ tùng, vật liệu, anh Trí phải dùng “chiêu ăn gian” tiền lãi từ quán cà phê của vợ.

Đến khi chiếc xe lội nước sắp hoàn thành thì cũng là lúc hai vợ chồng phải đầu tư tiền bạc cho thằng con trai duy nhất của anh bước vào trung học phổ thông. Thế là anh đành trùm mền chiếc xe lội nước để chờ kinh phí tiếp tục hoàn thiện phần “chiếc áo” cho xe bắt mắt hơn.

Anh rất tâm đắc với chiếc xe ôtô lội nước này và mong muốn có một nhà tài trợ để sớm hoàn thiện phần cuối cùng. Loại phương tiện giao thông này nếu được quan tâm, đầu tư sẽ là một công cụ phục vụ giao thông cá nhân tiện ích ở những vùng sông ngòi chằng chịt như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hy vọng các nhà khoa học và các nhà đầu tư quan tâm, chắp cánh hoài bão chế tạo của anh Trí. Hiện anh vẫn chưa làm thủ tục đăng ký bản quyền.

Anh Trí cho biết: “Tôi không sáng chế vì mục đích kinh doanh. Tôi sáng chế vì niềm đam mê của mình. Đơn giản vậy thôi!”.
 

Theo CATP

Các tin cũ hơn