Hãi hùng thìa, chén nhựa,.. được làm từ phế thải y tế

Thứ tư, 09/05/2012, 17:52
Khó ai có thể tin, ống kim tiêm, dây truyền dịch, lọ thuốc đã qua sử dụng lại được tái chế thành túi nilon, cốc, thìa, chén nhựa.


>>Xót xa cảnh HS vừa luyện thi vừa truyền nước biển

>>Hàn Quốc bắt nhóm buôn lậu thuốc làm từ xác trẻ sơ sinh
 

Những ngày gần đây, dư luận rúng động trước hàng loạt sản phẩm cốc, chén, thìa, dĩa, đồ chơi trẻ em chứa chất có chứa chất độc gây ung thư, làm biến đổi gen.
 

Đồ phế thải đang bị tái chế thành các sản phẩm độc một cách tràn lan
 

Theo một báo cáo của các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) khi kiểm tra một thìa nhựa nhỏ, màu trắng thường được dùng ăn sữa chua, caramen ở một số quán ăn vỉa hè thì phát hiện tới 3 đến 5 độc tố gây hại vô cùng nguy hiểm (như chì, hoạt chất cadimi, cacbonat với hàm lượng 20%).

Chưa kể khi dùng kính hiển vi soi chiếu, sẽ nhìn thấy hàng trăm loại vi khuẩn cống rãnh, sợi rác bám trên các bờ, thanh của chiếc thìa nhựa.

Tương tự, mang phân tích các mẫu sản phẩm khác như hộp xốp, túi nilon đựng thực phẩm cũng cho một kết quả vô cùng đáng kinh sợ. Trong đó có hàng ngàn loại vi khuẩn đang sống dù đã được đun nóng trên 100 độ C.

Mỗi ngày có hàng triệu chiếc thìa nhựa hay các sản phẩm nhựa tái chế được phân phối tới các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Sau đó, những sản phẩm này lại đến tay người tiêu dùng tạo thành một vòng tròn trung chuyển khép kín.

Có thể nói, sức khỏe của người tiều dùng đang bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những độc tố nêu trên. Khi ngấm vào cơ thể, dù không ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lập tức nhưng về lâu dài thì quả đáng lo ngại.

Mặc dù Bộ Y tế, cũng như một số bệnh viện đã ban hành các quy định, quy chế quản lý chất thải y tế rất nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, một số cán bộ nhân viên y tế vẫn cố ý vi phạm. Họ lén lút bán chất thải chưa khử trùng, tiệt khuẩn cho tư thương, trong đó có nhiều bơm tiêm và dây truyền dịch còn dính máu ra bên ngoài.

Cơ chế quản lí lỏng lẻo, sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của nhiều cán bộ y tế đã khiến các sản phẩm độc ngày càng xâm hại nặng nề đến đời sống xã hội. Rác thải nên phân loại thế nào, nên tái chế đến đâu để không ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Hạn chế dùng đồ nhựa trong thực phẩm

PGS.TS Nguyễn Hữu Hoan, một trong những chuyên gia hàng đầu về hóa học cho biết: “Khi chọn mua những sản phẩm đựng thực phẩm bằng nhựa, nên chọn mặt hàng nhựa Melamine. Đây là loại nhựa không ảnh hưởng đến sức khoẻ do có khả năng kháng nhiệt cao, không bị ăn mòn bởi dung môi hay dầu mỡ, không trầy xước, không mùi vị thực phẩm.

Ngoài ra, không nên dùng loại hộp, tô bằng nhựa xốp để chứa thực phẩm nóng hoặc nhiều dầu mỡ. Vì các chất độc trong đó sẽ được phóng thích với tỷ lệ cao gây tổn hại cho gan và gây ra nhiều bệnh khác.

Không nên dùng đồ nhựa chịu nhiệt sử dụng trong lò vi sóng, vì loại nhựa này không bắt được sóng vi ba (không bị nóng chảy khi nấu) nhưng thực phẩm bắt được sẽ nóng lên và chín. Nhiệt độ của thực phẩm sẽ tác động vào nhựa làm cho cấu trúc nhựa bị thay đổi, chất độc sẽ nhiễm vào thực phẩm”.

Phải phân loại rác thải thật chính xác

Ông Trần Văn Sung - Viện trưởng hóa học (Viện hóa học Việt Nam) phân tích: “Thật ra, rác thải tái chế không phải tất cả đều độc hại. Ví dụ như chai nhựa, dây truyền trong y tế đều được làm từ nhựa nguyên chất và rất tốt. Do đó để sử dụng lại phải có khâu phân loại chính xác, triệt để. Cái nào có khả năng lây nhiễm, độc hại phải để riêng.

Loại tuy không có khả năng lây nhiễm nhưng đã để cạnh loại lây nhiễm thì trước khi đưa đi tái chế cũng phải khử trùng.

Việc súc rửa bằng hóa chất và khử trùng bằng nhiệt độ và hóa chất phải theo tuân theo một qui trình nghiêm ngặt. Tức là phải có qui trình chuẩn,  thông qua một tổ chức, hội đồng khoa học kiểm định và cơ quan chức năng quản ý”.

Tiêu hủy hoàn toàn là lãng phí

Trước đó, trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Về lý thuyết, nếu nấu, ép nhựa ở nhiệt độ 160-170 độ C thì cơ bản có thể bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, nếu không phân loại tốt, dù ở nhiệt độ 300 độ C, chất thải y tế vẫn có thể không hết nguy hại vì không hủy được các hóa chất độc hại. Chỉ có ở nhiệt độ 1.000 độ C, mọi vi sinh vật và hóa chất độc hại mới bị tiêu huỷ hoàn toàn.

Nhưng như thế, nhiều nguyên liệu có thể tái chế lại cũng theo đó mà mất hết. Các sản phẩm từ nhựa tái chế không an toàn cho người sử dụng không chỉ do trong nhựa còn chứa các vi sinh vật gây bệnh, mà chủ yếu do chứa các hóa chất độc hại.

Ví dụ mẫu nhựa là thìa dùng ăn sữa chua, ăn thạch... tái chế từ rác thải y tế mà cảnh sát môi trường thu từ làng Triều Khúc cung cấp cho Viện Hóa học để phân tích, xét nghiệm cũng cho thấy chất độc chủ yếu là hàm lượng kim loại cao.

Nhưng theo tôi, không nên tiêu huỷ hoàn toàn chất phế thải. Làm vậy là cực đoan và gây tốn kém.  Vì trong rác thải y tế có tới 65% không độc hại, hoàn toàn có thể tái chế”.

Cần quy định rõ chất lượng sản phẩm nhựa

Ông Vi Xuân Linh - Công ty cổ phần Viet Uni chia sẻ: “Hiện nay, các sản phẩm từ nhựa tái chế được sử dụng rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp và dễ sử dụng. Nó được bày bán tràn lan, rất  khó kiểm soát. Theo tôi, nên nhanh chóng đưa ra các qui định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nhựa dùng cho thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Người Việt ham dùng hàng rẻ

Chị Bùi Thị Thu, chủ cửa hàng đồ gia dụng Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội: “Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm nhựa có rất nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Phần lớn nhập từ Trung Quốc về với giá cực rẻ. Chính vì hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn nên rất khó kiểm soát được chất lượng.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có ý thức tôn trọng người tiêu dùng, không cần giữ uy tín khi họ sản xuất ra những sản phẩm không có nhãn mác, không tên, không địa chỉ nhà sản xuất hay là hạn sử dụng.

Sử dụng nhựa tái chế thường xuyên rất nguy hiểm, bởi các kim loại nặng có trong nhựa bẩn  sẽ nhiễm sang thức ăn gây hại đến sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, biết là độc nhưng đại đa số người tiêu dùng vẫn lựa chọn vì nhựa tái chế giá thành rẻ”.

Chưa thấy ai bắt đền vì dùng hộp xốp, thìa

Chị Phương Nhung, một chủ cửa hàng ăn trên phố Trần Khát Chân, Hà Nội  thừa nhận: “Cửa hàng của tôi kinh doanh nhỏ, chỉ bán từ chiều và tối với hai món là xôi và caramen nên phải dùng đồ nhựa, hộp xốp để tiết kiệm”.

Cũng theo chị Nhung, dùng thìa nhựa, hộp xốp vừa tiện lợi, nhanh và quan trọng nhất là rẻ. Lợi nhuận của cửa hàng cũng vì thế mà tăng lên. Bán hàng suốt 5, 6 năm nay, chưa thấy có khách hàng nào kêu ca hay đến bắt đền vì đựng đồ ăn trong hộp xốp hoặc ăn bằng thìa nhựa nhà chị bị ngộ độc. Nhà chị lấy hàng ở nơi có uy tín, đồ nhựa tái sinh nhưng chất lượng tốt, không như những chỗ khác”.


Theo Người đưa tin

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích