Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói về trường Thực nghiệm

Thứ tư, 16/05/2012, 07:17
“Việc Bộ GD & ĐT chưa mạnh dạn cho nhân rộng mô hình thực nghiệm chính là chưa có được tổng kết thực sự khoa học, thực sự rõ ràng về mô hình này”.


>>
Trẻ được học gì ở Trường Thực nghiệm?
>> "Phụ huynh đạp đổ cổng trường là tai nạn đáng tiếc"

>> Nguyên Thứ trưởng bàn chuyện phụ huynh đạp đổ cổng Trường Thực nghiệm
>> Hà Nội: Đạp đổ cổng trường, xô đẩy xin học lớp 1


Nguyên Phó Chủ tịch nước, Nguyên Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình chia sẻ về mô hình trường Thực nghiệm đã được áp dụng từ những năm sau giải phóng (1975), tuy nhiên để thấy được mô hình này hay, dở chỗ nào thì chưa có đánh giá cụ thể, khoa học.

Bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại quãng thời gian còn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (1976-1987), khi đó Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đồng ý cho Nhà giáo, GS. Hồ Ngọc Đại được thí điểm mô hình trường Thực nghiệm. Tại thời điểm đó, GS. Hồ Ngọc Đại bắt đầu đưa ra những quan điểm mới về giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông và áp dụng những tư tưởng hay, tiến bộ để đưa vào nhà trường.


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, mô hình trường Thực nghiệm rõ ràng có nhiều ưu điểm, tuy nhiên chưa được đánh giá cụ thể nên chưa thể nhân rộng. Ảnh: Xuân Trung


“Thời đó, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất hoan nghênh những ý tưởng mới, nhưng bên cạnh đó vẫn phải thử nghiệm mô hình xem nó hay như thế nào, tất nhiên chưa thể nhân rộng ngay. Những cái hay, có thể tiếp thu một phần hoặc toàn bộ để đưa vào hệ thống giáo dục chúng ta”, Nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết.

Theo lời của bà Nguyễn Thị Bình, sau khi áp dụng mô hình thực nghiệm của GS. Hồ Ngọc Đại được mấy năm, có dư luận cho rằng đây là mô hình tích cực, tích cực ở phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, để tổng kết rút ra cái gì thực sự hay, chưa hay ở chỗ nào thì Bộ Giáo dục chưa làm được, và cho tới ngày nay Viện Khoa học Giáo dục và Bộ GD&ĐT cũng chưa làm rõ được.

Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, mô hình trường thực nghiệm cũng có yếu tố tích cực như: “Là môi trường thoải mái, dân chủ, cái đó có tác dụng rất tốt cho học sinh tự tin trong học tập, quan hệ thầy trò, bạn bè được tốt hơn”.

Tuy nhiên, vì Bộ GD&ĐT chưa có đánh giá cụ thể mang tính khoa học xem hay ở chỗ nào, dở chỗ nào nên chưa thể mở rộng mô hình  này. Nguyên Phó Chủ tịch nước nói rất thẳng thắn: “Vì sao mô hình hay thì cần phải có tổng kết khoa học, việc Bộ chưa mạnh dạn cho nhân rộng mô hình thực nghiệm chính là chưa có được tổng kết thực sự khoa học, thực sự rõ ràng, chỉ nói rằng tiếng Việt hay, tốt. Nhưng kết quả hay như thế nào thì chưa thật rõ, còn những môn khác chưa nói là hay. Vì thế cho nên Bộ Giáo dục chưa có chủ trương rõ là như vậy”.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, một ưu thế của mô hình trường thực nghiệm đó là phương pháp dạy tốt, sĩ số học sinh trong một lớp không đông như các trường khác do vậy có thể chăm sóc các em được tốt hơn.

Trở lại quá khứ của mô hình trường thực nghiệm, theo lời GS. Hồ Ngọc Đại mô hình này đã tồn tại được 35 năm. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại mô hình này theo đánh giá là tiến bộ nhưng cũng chưa có điều tra, nghiên cứu khoa học cụ thể để thấy được tính ưu việt trong nó.

Và, theo bà Nguyễn Thị Bình việc chưa có được đánh giá khoa học của mô hình thực nghiệm có nhiều nguyên nhân, về cơ bản trong việc nghiên cứu khoa học giáo dục chúng ta chưa thực hiện liên tục, chưa theo dõi được vấn đề và chưa đi đến cùng. “Ở đây là bệnh của giáo dục và cũng là bệnh chung của chúng ta, làm cái gì cũng không có nghiên cứu từ đầu, không có sự theo dõi liên tục và đi đến cùng vấn đề”, bà Bình bày tỏ quan điểm.

Để áp dụng được các mô hình giáo dục tiên tiến, giúp cho hệ thống giáo dục phát triển cần có một cuộc cải cách giáo dục mang tầm vĩ mô. Về vấn đề này, Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, mục tiêu chính của giáo dục Việt Nam chưa nêu được rõ ràng và cụ thể: “Theo tôi, giáo dục phổ thông mục tiêu của nó là giáo dục nhân cách con người, kiến thức chỉ một phần thôi và thông qua kiến thức để giáo dục nhân cách”.

Bên cạnh đó, phương pháp tổ chức dạy và học phải thay đổi. Hiện nay có một thực trạng đáng báo động mà theo ý kiến của bà Bình là xã hội đang chạy theo chữ nghĩa nhiều quá nên quên đi giá trị sống. Bà Bình cho rằng, trẻ con từ lớp 1 đã phải chịu sức ép về chuyện thi vào đại học, như thế không khác nào đã vô tình làm hỏng con người của trẻ. Bố mẹ luôn luôn gây áp lực học tập cho con, trong khi đó vấn đề lối sống, nhân văn, kỹ năng sống lại bị xem nhẹ.

Đội ngũ người thầy cũng cần được chú tâm coi trọng, để họ giữ được “lửa”, phát huy được “chất” nghề nghiệp của mình một cách toàn diện. Nguyên Phó Chủ tịch nước chỉ rõ: “Hiện nay, chúng ta đào tạo giáo viên vừa giáo dục con người, vừa giáo dục kiến thức nhưng chương trình đào tạo đó chưa phải là tốt lắm. Quan trọng hơn nữa là tạo điều kiện cho người giáo viên yên tâm với nghề, không ngừng nâng cao trình độ của họ để tạo ra sản phẩm chất lượng giáo dục được tốt, nhưng điều này chúng ta còn rất yếu”.



Theo Giaoduc

Các tin cũ hơn