Những toa thuốc bất thường tại Bệnh viện Nhân dân 115

Thứ ba, 29/05/2012, 09:31
Thời gian qua, tại nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 xuất hiện một số đơn thuốc có số lượng nhiều bất thường, từ thuốc kê toa lẫn thuốc không kê toa.

>>TP.HCM: Sản phụ tử vong tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định
>>Cảnh giác với bọn lừa đảo ở bệnh viện
>>Phải kiên trì dẹp “cò” bệnh viện
>>32 bệnh viện lớn đề xuất viện phí tăng mức cao nhất

Trong khi đó, nhà thuốc này là nhà thuốc của bệnh viện đa khoa đầu tiên được Sở Y tế TP.HCM trao chứng nhận chuẩn Thực hành tốt nhà thuốc (GPP) vào ngày 29/5/2008.
 

Nhà thuốc tại Bệnh viện Nhân dân 115
 

Các hóa đơn thuốc kỳ lạ

Theo phản ánh của nhân viên bệnh viện, ngày 4/5 vừa qua, nhà thuốc đã xuất hàng chục hóa đơn bán ra Motilium với số lượng chẵn hộp 100 viên. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy có tám hóa đơn bán với số lượng 200 viên/hóa đơn và 27 hóa đơn số lượng 100 viên/hóa đơn.

Với số hóa đơn trên, chỉ trong một ngày nhà thuốc đã bán ra hơn 4.000 viên Motilium, trong khi những ngày khác lượng thuốc này bán ra dao động vài trăm viên với số lượng 5, 15, 30, 45 hay cùng lắm là 90 viên/hóa đơn.

Hiếm hoi lắm mới có hóa đơn 100 viên và không hề có hóa đơn 200 viên. Theo giới chuyên môn, Motilium là thuốc trị đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn thường được bác sĩ kê toa 3 viên/ngày và nếu dùng một tháng liên tục bệnh nhân cũng chỉ mua đến 90 viên/lần.

Không chỉ Motilium, một số thuốc khác cũng có dấu hiệu được bán với số lượng bất thường như Seretide 25/250 mcg, Insulin Mixtard 100 U.I, Augmentin 1 g, Plavix 75 mg.

Chẳng hạn đối với Seretide (trị hen suyễn), trong khi bác sĩ thường chỉ kê hai lọ đủ dùng trong một tháng cho bệnh nhân, thì rải rác trong thời gian qua nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 đã bán ra không ít toa có số lượng 5 – 10 lọ! Plavix (trị tim mạch) cũng thế, rất nhiều hóa đơn của thuốc này bán ra với số lượng 60, 90, 120, thậm chí 180 viên.

Theo một bác sĩ chuyên khoa tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế quy định bác sĩ chỉ được kê cho mỗi bệnh nhân tối đa một tháng thuốc. Như thế, đối với Plavix, với liều dùng chỉ định 1 viên/ngày, bác sĩ chỉ có thể kê 30 viên/tháng.

Bác sĩ này nói: “Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ kê toa hơn một tháng cho bệnh nhân không thuộc diện bảo hiểm y tế là đã bị phê bình, huống chi là bệnh nhân không phải diện này”.

Thế nhưng, các “hóa đơn thuốc kỳ lạ” rơi vào cả thuốc hướng tâm thần dù các thuốc này thuộc diện quản lý đặc biệt! Cụ thể, nhà thuốc bệnh viện dường như “không ngần ngại” bán cho bệnh nhân Diazepam 5 mg với số lượng 30, 40, 60 viên/lần, hay Roxomil 6 mg 20 – 60 viên/lần.

Dogmatil 50 mg, một loại thuốc an thần nhẹ, cũng được bán 150 – 300 viên/lần. Một bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết: “Roxomil có nhiều tác dụng phụ và có thể dẫn đến nghiện thuốc vì thế dùng phải rất cẩn thận. Đối với bệnh nhân ngoại trú, chúng tôi thường chỉ kê 1,5 – 3 mg, tối đa ba lần/ngày, ít khi dám kê toa lâu ngày”.

“Tuồn” ra ngoài để kiếm lời?

Nếu chiếu quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú do Bộ Y tế ban hành ngày 1/2/2008, các toa thuốc được kê với số lượng quá nhiều như trên hoàn toàn sai. Thật vậy, quy chế này quy định đối với bệnh nhân mạn tính cần dùng thuốc đặc trị dài ngày, bác sĩ chỉ có thể kê số lượng thuốc đủ dùng trong một tháng, đối với thuốc hướng tâm thần, bác sĩ chỉ có thể kê thuốc cho bệnh nhân không quá mười ngày.

Câu hỏi đặt ra là ai đã kê những toa thuốc đó? Nếu bất thường như thế, tại sao nhân viên nhà thuốc vẫn để các toa thuốc này lọt lưới, bất chấp những quy định nghiêm ngặt của chuẩn GPP?

Theo nguyên tắc, tiêu chuẩn GPP do Bộ Y tế ban hành ngày 24/1/2007, nhà thuốc phải có sổ sách lưu giữ các dữ liệu liên quan đến bệnh nhân để có thể tra cứu kịp thời; người bán lẻ có quyền từ chối bán những đơn thuốc không hợp lệ; trong trường hợp phát hiện đơn thuốc không rõ ràng về tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, số lượng hoặc có sai phạm về chuyên môn hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh, người bán thuốc phải báo cho bác sĩ kê đơn.

Tuy nhiên, một điểm chung của những “hoá đơn thuốc kỳ lạ” tại nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 là trong hồ sơ lưu giữ không có đầy đủ thông tin về người mua như: không có tên, không có địa chỉ, nếu có địa chỉ lại không đầy đủ (chỉ ghi TP.HCM!).

Đặc biệt là một số hóa đơn còn ghi họ tên người mua là “bác sĩ” (!?), BS Tài, BS Vinh, BS Khiên (với hóa đơn Diazepam) hay BS Ngọc Anh, BS Vinh, BS Hoan, BS Dũng, DS Hoan (với hóa đơn Roxomil).

Vì sao có hiện tượng vi phạm các quy chế, quy định trên? Một giả thiết là thuốc được tuồn ra ngoài để bán kiếm lời. Chẳng hạn trong vài tháng qua, khi Motilium khan hiếm hàng, thậm chí hết hàng, thuốc ở thị trường bên ngoài được đẩy lên 2.500 – 3.000 đồng/viên thì giá bán ra trong nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 chỉ 1.738 đồng.

Hay giá Seretide 25/250 mcg bán ra trong bệnh viện hiện nay là 202.800 đồng/lọ, thì giá bên ngoài 280.000 đồng. Giá Augmentin 1 g trong bệnh viện 17.000 đồng/viên, giá bên ngoài 19.000 – 20.000 đồng/viên. Như vậy, chỉ cần mỗi ngày sở hữu vài “hoá đơn thuốc kỳ lạ” từ nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115, một người dễ dàng bỏ túi cả triệu đồng tiền lời.

Một câu hỏi nữa được đặt ra ở đây là: nhân viên nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 “vô tình” để lọt các toa thuốc bất thường, hay có chuyện “liên minh” giữa họ với kẻ xấu bên ngoài tuồn thuốc ra ngoài bán kiếm lời? Tại sao một nhà thuốc đạt chuẩn GPP mà vẫn mắc nhiều sai phạm?
 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115:

“Ban giám đốc không bao che”


- Ông giải thích thế nào về một số loại thuốc được bán ra với số lượng nhiều bất thường?

- Có hai loại thuốc: thuốc kê toa và không kê toa. Đối với thuốc không kê toa như Motilium, nhà thuốc có thể bán số lượng nhiều mà không bị ràng buộc bởi quy định nào.

- Nhưng tại sao chỉ trong một ngày (4/5), nhà thuốc bán ra đến hơn 4.000 viên Motilium, những ngày khác lại không có?

- Chúng tôi đã tìm hiểu và nhân viên bán thuốc trả lời hôm đó có nhiều người mua gửi về quê hoặc làm từ thiện.

- Vậy với những loại thuốc kê toa thì sao?

- Đúng là nhân viên đã sai khi bán thuốc không có toa. Nhưng trong một số trường hợp, người mua lại chính là bác sĩ của bệnh viện. Cũng có thể là các bác sĩ này làm phòng mạch, có người nhà bệnh, nên khi cần thuốc họ xuống nhà thuốc mua mà không cần toa, do cả nể nên nhân viên du di bán luôn. Thật sự ở đây mình cũng thông cảm chút xíu.

- Và cũng do cả nể, du di mà nhân viên nhà thuốc bán cả những toa thuốc không có đủ thông tin bệnh nhân?

- Anh cũng biết mà, bác sĩ khám quá nhiều nên họ không có thời gian để ghi đầy đủ. Tuy nhiên, những vấn đề anh đặt ra thì ban giám đốc cũng đã biết và cho lập một tổ xác minh. Quan điểm của chúng tôi là không hề bao che, nếu phát hiện sai trái, chúng tôi sẽ xử lý triệt để.


 

Theo SGTT

Các tin cũ hơn