Cựu quan chức Bộ Giáo dục nói về hình phạt "tàn khốc" ở ĐHCN TP.HCM

Thứ ba, 29/05/2012, 08:49
GS. Phạm Sỹ Tiến - Nguyên Vụ trưởng Vụ đào tạo sau đại học: "Tôi ngạc nhiên vì những trường vừa qua bị sinh viên phàn nàn trong việc phạt nộp chậm học phí đều là các trường có trang web khá tốt, có nhiều thông tin, kể cả thông tin về công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có lẽ, Bộ cần kiểm tra tính nghiêm túc của các trường trong việc đưa tin hoặc thông báo trên website, không chỉ thực hiện một cách hình thức theo các quy định của Bộ”.


>> ĐH Công nghiệp TP.HCM áp dụng hình phạt "tàn khốc" với sinh viên
>> Cây nêu thành cây "lêu" trong “Vở luyện tập Tiếng Việt 1”
>>  Vì sao TP.HCM không có cảnh đạp đổ cổng trường?
>> "Phụ huynh đạp đổ cổng trường là tai nạn đáng tiếc"
 

Phạt là chuyện bình thường

Theo GS. Phạm Sỹ Tiến, một trường đại học dù là trường công lập và ngoài công lập, việc thu học phí là quy định đã được trường công bố công khai. Sinh viên chấp nhận vào học khi đủ điều kiện tuyển sinh có nghĩa vụ phải đóng học phí.

Hơn thế nữa phải đóng học phí đúng quy định về mức học phí và thời gian đóng học phí. Để đảm bảo sự nghiêm túc trong quy định đóng học phí, các trường đề ra việc phạt đối với sinh viên nộp chậm học phí là chuyện bình thường.



Hầu như các trường Đại học trên thế giới đều có hình thức phạt đối với sinh viên nộp chậm học phí. GS Tiến dẫn chứng: “Khi cử sinh viên Việt Nam học tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, Ban Điều hành Đề án 322 thỉnh thoảng nhận được giấy báo đã chậm trả học phí cho sinh viên nào đó do Đề án quản lý.

Họ thông báo cụ thể số tiền phạt (thường khoảng 5-7% học phí) và còn nêu rõ: Đến thời điểm nào mà chưa nộp học phí, sinh viên sẽ bị ngăn chặn không được sử dụng các dịch vụ của trường như thư viện (dịch vụ này rất quan trọng đối với lưu học sinh), không được dự thi hoặc không được công nhận kết quả thi đã đạt được.

Các trường nước ngoài tuy khá giàu và có quan hệ tốt với Việt Nam, nhưng họ vẫn không nhân nhượng khi chúng tôi nộp học phí chậm cho sinh viên. Sau khi Ban Điều hành đã chuyển trả học phí, sinh viên báo về là mọi thứ bị trường phong tỏa đã được gỡ bỏ. Điều đó cho thấy: đã là quy định thì mọi người phải tôn trọng”.

Cho rằng hình thức phạt là cần thiết, nhưng GS. Tiến cũng đặt vấn đề là mức phạt nộp chậm học phí là bao nhiêu thì không quá khắt khe và sau khi học phí đã được nộp thì quyền lợi của sinh viên được bảo đảm thế nào? Về mức phạt, theo GS. Phạm Sỹ Tiến có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước. Ở nước ta, mức phạt ít nhất bằng số lãi tính trên số ngày nộp chậm học phí và có thể dựa vào lãi suất ngân hàng để tính.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho sinh viên trên nguyên tắc, chưa nộp học phí thì chưa được dự thi môn học hoặc nhận điểm 0 cho môn học chưa nộp học phí. Nhưng sau khi sinh viên đã nộp học phí rồi thì được dự thi vào kỳ thi lại, khi thi lại sẽ phải nộp phí thi lại.

“Trong nhiều trường hợp, các trường đại học có thể giao cho các Khoa tổ chức thêm đợt thi lại ngoài đợt thi lại do phòng đào tạo tổ chức. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể tổ chức thi lại nên dẫn đến khả năng sinh viên bị học lại vào các học kì sau là chuyện khó tránh khỏi", GS Tiến nói.

Sinh viên phải luôn ý thức về trách nhiệm đóng học phí. Trường hợp khó khăn về kinh tế phải tự tìm cách hoặc đề nghị trường giúp cách giải quyết, ví dụ vay tiền học.

Chất lượng và dịch vụ tốt sẽ hạn chế đóng học phí muộn

Tuy nhiên việc một số trường quá khắt khe đối với sinh viên cũng khó có thể hạn chế được tình trạng sinh viên nộp học phí muộn. Trong thực tế, khi trường cung cấp các dịch vụ học tập và sinh hoạt cho sinh viên càng tốt thì việc nộp học phí chậm sẽ giảm đi.




Để hạn chế việc sinh viên đóng học phí muộn, GS. Tiến đưa ra kiến nghị: “Hiện tượng quá khắt khe đối với sinh viên có thể xuất phát từ quy mô sinh viên quá lớn, trường không kiểm soát nổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tính toán quy mô đào tạo (số lượng sinh viên toàn trường) trên cơ sở số giảng viên cơ hữu về cơ bản là đúng. Đồng thời việc không cho các trường đào tạo trung cấp, siết chặt quy định về liên thông, cần tính toán quy mô bao gồm cả đào tạo tại chức sẽ là các biện pháp đưa các trường đại học tập trung vào nhiệm vụ đào tạo chính quy, nâng cao chất lượng.
 
Việc phổ biến nội quy, quy định của Trường ĐH CN TP.HCM lại không thống nhất giữa các trường chính và trường cơ sở. Chính việc này làm cho sinh viên thêm phần bức xúc vì sự thiếu công bằng trong quản lí đào tạo. Do đó việc cần thiết là phải thực hiện một cách rõ ràng, trong đó thông báo trên website của trường là phương tiện hữu hiệu nhất".
 
GS. Phạm Sỹ Tiến nêu ý kiến: “Tôi ngạc nhiên vì những trường vừa qua bị sinh viên phàn nàn trong việc phạt nộp chậm học phí đều là các trường có trang web khá tốt, có nhiều thông tin, kể cả thông tin về công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà lại không thông tin về quy định cách xử lý nộp chậm học phí trên trang web của trường. Điều này, có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm tra tính nghiêm túc của các trường trong việc đưa tin hoặc thông báo trên website, không chỉ thực hiện một cách hình thức theo các quy định của Bộ”.
 


Theo Giaoduc

Các tin cũ hơn