Nhà anh hay nhà em?

Thứ hai, 03/10/2011, 00:00
Em sống trong gia đình khá giả, được chiều chuộng và học hành tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm. Chồng em cũng vậy. Chúng em ra ở riêng nhưng vẫn được hai bên gia đình chăm sóc.

Ảnh: SS

Có lẽ điều kiện tốt như vậy nên chồng em rất vô tư, ít khi nghĩ đến việc chăm sóc cha mẹ, vì anh bảo các cụ không cần. Khi em ngỏ ý muốn giúp gì cha mẹ thì anh bảo: “Em xem cha mẹ em cần gì thì em cứ giúp, không có vấn đề…”. Ba má em lại muốn mỗi khi em về thăm, phải có con rể đi cùng chứ không thích em về một mình. Anh ấy bảo em bày đặt, chứ cha mẹ anh chả bao giờ đòi hỏi con cái khắt khe như vậy. Vì chuyện này mà em rất buồn. Chị nghĩ xem chúng em nên làm sao?

Trần Thanh Thủy (Q.1, TP.HCM) 

Em Thanh Thủy mến,

Do được sự bảo bọc chu đáo của hai bên và gia đình khá ổn, cha mẹ cũng chưa đến nỗi già yếu nên chồng em không thấy có “vấn đề gì khẩn cấp”. Nếu như vậy thì em cũng đừng quá căng thẳng. Hãy sống cho thoải mái. Khi về thăm gia đình mình, em cứ rủ chồng về, thường là các anh chồng trẻ đi cho vợ vui lòng. Cũng có những người thấy ở nhà vợ vui vẻ hơn chính nhà mình, nên rất thích về bên ngoại. Dâu là con, rể là khách. Gia đình nhà gái thường trọng đãi khi con rể về. Còn những gia đình chỉ để ý bắt bẻ, thì làm sao chàng rể thích về đó được? Đại loại như “Sao thằng rể thứ ba thì lo lắng đủ thứ, cái cửa hỏng cũng biết sửa, còn anh về nhà chỉ chào hỏi, ăn xong ngồi chơi rồi về, hoặc là lúc nào cũng bận, cái đinh ngoài hàng rào không biết đóng?”.

Đã đành là cuộc sống đòi hỏi con người đa năng, nhưng người ta có những “tạng” khác nhau. Người lao động chân tay giỏi, người chỉ quen với công việc tư duy, nghiên cứu hay sáng tạo. Vì vậy, đừng so sánh ép buộc, người chồng trẻ mới thoải mái về gia đình bên vợ. Sau nữa, em nên tự kiểm tra mình, bởi vì đây là tình cảm tự nhiên các cô con dâu hay mắc: coi gia đình mình quan trọng hơn nhà chồng. Có thể hiểu hơn, gắn bó tình cảm hơn là lẽ tự nhiên, nhưng nên hiểu chồng mình đang mong gì. Đa số các ông chồng đều mong vợ gắn bó với bên nhà mình. Có nhiều cô vợ giỏi giang, chủ động lo việc cho nhà chồng còn chu đáo hơn chính anh chồng vốn đơn giản, vô tâm. Hoặc gia đình bên chồng “không bao giờ đòi hỏi như em nghĩ” - là vì nếp sống họ xưa nay quen rồi. Trong tình trạng ấy mà cô con dâu “nghĩ ra”, nhìn thấy được những nhu cầu cần thiết (mà chính nhà chồng không yêu cầu) để đáp ứng thì nhà chồng sẽ vui mừng biết mấy. Em thấy gia đình anh dễ, không yêu cầu, rồi quay ra chỉ lo cho gia đình mình, nghe có vẻ hợp lý. Nhưng anh chồng không có nhu cầu đó. Anh ấy vô tư, không chăm sóc gia đình bên nào cả, trong trường hợp này, vai trò của em càng lớn. Nhiều cô dâu thấy chồng vô tư, mình lại vô tư hơn, chỉ nhận sự giúp đỡ của cha mẹ mà không biết mình phải làm gì. Thiếu gì cô dâu bây giờ về nhà chồng, để mẹ chồng lúi húi dưới bếp, hoặc ngồi vào mâm rồi, việc đứng dậy vì thiếu cái muỗng, vì phải múc thêm tô canh cũng để mẹ chồng làm. Ăn xong cũng chẳng thèm rửa chén và cho việc lấy tăm rót nước cho cha mẹ chồng là “chuyện phong kiến ngày xưa”, bây giờ “khỏi”, ông bà tự lo.

Chuyện chính của em là mối quan tâm của vợ chồng em với gia đình hai bên. Tùy vào nếp sinh hoạt của từng nhà mà ứng xử, nhưng đừng quên là phải xuất phát từ tình cảm chân thành, ý thức xây dựng, mới hành động tự nhiên, bộc lộ tình cảm chăm sóc mọi người được, nhất là khi cha mẹ ngày càng già yếu. Tùy thuộc vào đòi hỏi cụ thể, chứ đừng quá tính toán theo kiểu nhà anh nhà tôi, em nhé.

Theo PNCN

Đinh Thị Mười

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn