Sụp đổ gia đình bắt đầu từ đâu?

Thứ năm, 18/08/2011, 00:00
Các nhà tâm lý học thuộc Đại học Connecticut (Mỹ) đã thực hiện một cuộc khảo sát về nguyên nhân dẫn đến xung đột gia đình, trong quá trình quan sát mối quan hệ của hơn 100 cặp vợ chồng thuộc nhiều lứa tuổi. Trong thời gian 5 năm thực hiện khảo sát, một số cặp vợ chồng đã sinh con, một số khác thì chia tay với nhiều lí do.

Các nhà tâm lý học cố gắng tìm ra lý do tại sao có những xung đột và sự sụp đổ gia đình bắt đầu từ đâu? Kết quả là họ đã xác định được 100 kiểu hành xử - được gọi là "các thành phần của một cuộc hôn nhân hạnh phúc".

Theo quan sát của các nhà tâm lý, trong các gia đình hạnh phúc, nơi xung đột ít xảy ra, tất cả các vấn đề thường được vợ chồng thảo luận một cách bình tĩnh và không có chuyện đập bàn đập ghế hay động thủ tay chân. Các cặp vợ chồng thường tuân thủ một cách vô thức các nguyên tắc xử sự đúng đắn, vì vậy không xảy ra.các vấn đề không thể giải quyết được. Cuối cuộc nghiên cứu, các nhà tâm lý học tuyên bố: chỉ cần tuân thủ  khoảng... 100 quy tắc, hôn nhân của bạn sẽ được hạnh phúc. Mỗi quy tắc sẽ là một trong "những thành phần cấu tạo nên một gia đình hạnh phúc".

 

5 quy tắc đầu tiên chính là những cách cư xử đơn giản nhất của mối quan hệ biết tôn trọng lẫn nhau:

- Có khả năng lắng nghe nhau và không cắt ngang.

- Không "cầm tù" người phối ngẫu của mình theo kiểu : lúc nào cũng bên nhau.

- Luôn đúng giờ.

- Luôn thực hiện lời hứa của mình

- Đừng so sánh chồng (hay vợ mình) với người khác, ví dụ "ông hàng xóm là một người lý tưởng".

"Tất cả các cuộc xung đột thường bắt đầu từ việc không tuân thủ các quy tắc quan trọng của sự tôn trọng lẫn nhau - giáo sư Tâm lý học Brian Neiva trả lời trong một cuộc phỏng vấn của tờ Los Angeles Times  - Nếu bạn bị ngắt lời, bên trong bạn đã chuẩn bị cho một cuộc xung đột “.

Thông thường, trong tình huống này, người ta thường có hai phản ứng để lựa chọn - hoặc bắt đầu thanh minh (đó không phải là tội lỗi), hoặc tỏ ra bất bình (anh có phải lúc nào cũng đúng đâu mà bắt người khác phải như vậy?).

Một tình huống bình thường có thể dẫn đến xung đột: Trong bữa ăn tối, chồng nói: "Mẹ anh nấu món này ngon lắm". Người vợ có thể vờ bỏ qua câu nói đó, nhưng cảm giác ấm ức vẫn còn đọng lại và sau một thời gian sẽ dẫn đến xung đột.

Bạn thậm chí không nhận ra rằng, trong cùng ngày hôm đó, bạn cũng sử dụng sự so sánh như vậy nhắm vào chồng mình: "Em rể của em thường chăm con giùm cho vợ nó..." . Nhiều cặp vợ chồng cãi nhau mỗi ngày vì những so sánh như thế, một số khác tích lũy sự tức giận trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều năm, để rồi sau đó họ trút hết những bực bội của mình ra một lần.

Điều quan trọng ở đây là đừng bao giờ so sánh và hãy thể hiện sự không hài lòng của mình trong hình thức yêu cầu lịch sự

Ví dụ, trường hợp với bữa ăn tối, người chồng có thể nói: "Em thân yêu, món này hôm nay em nấu không ngon như mọi lần. Chắc hôm nay em mệt phải không? Lần sau em làm lại nhé, anh thích món này lắm"

 

Chúng ta thường không đánh giá đúng sự quan trọng của những cư xử hàng ngày. Gia đình được xây dựng trên những điều bình thường, chứ không phải là trong các sự kiện đặc biệt như các ngày lễ, khi cuộc sống thay đổi rõ nét.

Điều quan trọng nhất để tạo ra một gia đình hạnh phúc - theo nhà khoa học Brian Neiva - đó là tạo ra một bầu không khí thiện chí và hỗ trợ lẫn nhau, không chỉ giữa vợ chồng, mà còn trong các mối quan hệ của họ với cha mẹ và con cái cũng như những người họ hàng gần gũi. Làm sao để mọi người không phải chịu đựng nhau mà có được niềm vui từ sự giao tiếp.

Trong cuộc sống hàng ngày, cần thiết phải tuân thủ những quy tắc rất đơn giản, điều khó khăn là những quy tắc đó đôi khi rất khó nhận ra, khó quan sát. Một trong những bí mật đơn giản của gia đình hạnh phúc – đó là luôn luôn đúng giờ. Theo các nhà tâm lý học, những ông bố bà mẹ luôn đúng giờ sẽ giúp trẻ em tự tin vào bản thân và trong gia đình - trẻ em biết rằng chúng sẽ không bao giờ bị “đánh lừa”.

"Các quy tắc rất đơn giản - các nhà tâm lý học khẳng định - Nhưng nhiều người không tuân thủ và thay vào đó bắt đầu giải thích rằng quên, rằng bị quá tải bởi công việc hoặc chỉ đơn giản là đã nghĩ lại. Trẻ em đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những điều đó, từ đó chúng sẽ có thói quen hứa mà không làm, và sau đó tìm một cái cớ để thanh minh".

Có một quy định nằm trong "Hai mươi quy tắc của hạnh phúc" – hãy kể cho con cái nghe về thời thơ ấu của mình, về chuyện bạn như thế nào khi còn nhỏ. Từ góc nhìn của nhà tâm lý học, điều đó giúp những thành viên trẻ của gia đình có thể hiểu được những người thân yêu của mình.

"Nhiều trẻ em nghĩ rằng cha mẹ các em không có một tuổi thơ với những vấn đề như của mình. Chúng tin rằng cha mẹ mình được sinh vào cỡ tuổi... 30"- Neiva nói.

Biết cách đối thoại và lắng nghe người khác cũng là điều vô cùng quan trọng.

"Hãy lắng nghe tất cả và đừng ngắt lời ai. Người ta không thể chiến thắng được những quan điểm, nhưng cần phải lắng nghe họ - các nhà khoa học khuyên - Ngay cả khi con trẻ không thích những quyết định của bạn, chúng vẫn chấp nhận bởi vì ý kiến của chúng đã được lắng nghe một cách nghiêm túc".

 

Thêm một lời khuyên không kém phần quan trọng: vợ chồng không cần lúc nào cũng phải làm mọi thứ cùng nhau. "Luôn sử dụng thời gian có được chung với nhau - đó không phải là một điều luôn luôn tốt – Neiva nói - Cá tính riêng của bạn sẽ bắt đầu mờ dần. Mỗi thành viên trong gia đình nên có sở thích cá nhân của mình, và mỗi người phải được thường xuyên làm những điều mình thích và có bạn bè riêng của mình. Trong một gia đình hạnh phúc ,không phải  tất cả mọi thứ đều là chung. Đôi khi hãy nghỉ ngơi riêng lẻ để đừng quá chán ngán về nhau. Đừng bỏ bê những người bạn cũ vì lợi ích của gia đình. Hãy để cho chồng được nhẹ nhàng thoải mái tụ tập với bạn bè của mình mà không bị căn vặn nọ kia "

Sự nghi ngờ  và ghen tuông vô cớ sẽ giết chết mối quan hệ.

Việc mỗi thành viên giữ được cá tính riêng của mình là điều hết sức quan trọng đối với sức khỏe tâm lý của gia đình. Vì vậy, một trong những quy tắc phức tạp nhất – biết cách giữ gìn điều này trong một sự cân bằng tinh tế.

Tiến sĩ tâm lý học người Đức Hans-Werner Berhoff, thuộc Đại học Ruhr tin rằng, bất kỳ sự nhận xét gay gắt nào mà bạn đưa ra cho bạn đời của mình, cũng phải được bù lại bằng ít nhất ... năm lời khen ngợi.

Theo missus.ru

Đinh Thị Mười

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn