Trung Quốc tăng cường mạnh năng lực tuần tra biển

Thứ năm, 03/01/2013, 11:26
Trung Quốc đã biên chế thêm 2 tàu khu trục và 9 tàu hải quân cho hoạt động tuần tra biển trong bối cảnh nước này đang nỗ lực tăng cường vị thế trong cuộc tranh cãi chủ quyền lãnh thổ gay gắt với Nhật Bản và một số quốc gia láng giềng khác.

Mạng tin Tencent (Đăng Tấn), một trong những cổng thông tin lớn mới của Trung Quốc, cho hay các tàu này đã được tân trang và chuyển sang hoạt động hải giám nhằm “khắc phục sự thiếu hụt tàu trong việc bảo vệ các lợi ích biển”.

Trong số 2 tàu khu trục được tăng cường, một chiếc hoạt động tại Biển Đông, chiếc còn lại hoạt động tại vùng biển giáp Nhật Bản. Trong khi đó, 9 chiếc tàu hải quân hoạt động trên cả hai vùng biển này, bao gồm tàu kéo, tàu phá băng và tàu khảo sát.

Trung Quốc cấp thêm nhiều tàu cho đội hải giám ở Biển Đông và Hoa Đông.

Ngoài các tàu tân trang nói trên, đội tàu tuần tra của Trung Quốc còn nhận được 13 tàu mới với nhiệm vụ “bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc và thực hiện các sứ mạng thực thi pháp luật”.

“Đội tàu tuần tra hàng ngày đã tăng từ 6 chiếc lên hơn 10 chiếc. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ chế tạo thêm 36 tàu tuần tiễu vào năm 2013”, ông Du Chí Vinh, một quan chức Trung tâm Phát triển Hàng hải Trung Quốc cho biết trong bài viết trên Tencent.

Cũng theo quan chức này, các cơ quan tuần tra biển Trung Quốc sẽ đóng mới và mua thêm nhiều tàu, máy bay nhằm tăng thêm số thiết bị tiên tiến và nâng cao khả năng tuần tra biển.

 “Tôi tin rằng sức mạnh đội hải giám đã được tăng cường đáng kể. Khả năng thực thi nhiệm vụ của đội tàu này cũng được nâng cao rõ rệt, mang lại sự đảm bảo cơ bản cho việc bảo vệ các lợi ích biển”, ông Du Chí Vinh được dẫn lời nói.
 
Trung Quốc giải thích hoạt động "chặn xét" tàu nước ngoài ở Biển Đông

Trước đó, hôm 31/12, chính phủ Trung Quốc thông báo lại những quy định về việc cho phép cảnh sát biển nước này được khám xét các tàu thuyền nước ngoài hoạt động ở ngoài khơi đảo Hải Nam.

Mặc dù quy định này đã được giới hạn trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ biển đảo Hải Nam, song nó vẫn khiến dư luận khu vực và thế giới lo ngại về khả năng Trung Quốc từng bước đẩy mạnh áp dụng đường lối cứng rắn tại các vùng biển tranh chấp trong khu vực.

Những quan ngại đó có cơ sở vì về mặt kỹ thuật, tỉnh Hải Nam được Trung Quốc đơn phương giao cho có quyền tài phán đối với các tuyên bố chủ quyền kéo dài của Trung Quốc trên Biển Đông. Do đó quy định này rất dễ dẫn đến việc cảnh sát Trung Quốc sẽ “chặn giữ, lục soát” các tàu ở bất cứ nơi nào trong vùng biển này.

Quy định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 và được coi là mồi lửa nguy hiểm có thể dẫn đến nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang, kể cả xung đột với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

“Trung Quốc sẽ không tránh khỏi một cuộc xung đột vũ trang với Nhật Bản cũng như nguy cơ leo thang đưa đến chiến tranh”, báo Asahi của Nhật Bản dẫn nhận định của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

“Quan hệ giữa Trung - Nhật đã đi vào giai đoạn căng thẳng cao độ. Nếu những bất ổn chính trị và quân sự vẫn tiếp tục thì xung đột là điều khó tránh khỏi”, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Xã hội Trung Quốc Cao Hồng nói.

Cơ quan Nghiên cứu Chiến lược của chính quyền Trung Quốc cũng dự báo quan hệ Bắc Kinh-Tykyo sắp đi vào giai đoạn “cực kỳ bất ổn”.

“Dù Bắc Kinh không có giải pháp chính trị nào để đảo ngược tình thế tại Điếu Ngư/Senkaku, nhưng Trung Quốc sẵn sàng đối phó nếu Nhật Bản leo thang”, giới chuyên gia Trung Quốc nhận định.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân kêu gọi tìm ra biện pháp mới nhằm tránh xung đột giữa hai nước. Ông Trương Chí Quân cho rằng hai nước phải trở lại thời điểm quan hệ tốt đẹp trước đây.

Đây là lần đầu tiên một trang mạng lớn của Trung Quốc đăng tải những nhận định thẳng thắn của giới trí thức cũng như một số nguồn tin khá chính thức ở nước này về các hoạt động tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ trong khu vực.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích