Nữ sinh xúc phạm thầy cô trên facebook: Lỗi do nhà trường, gia đình

Thứ sáu, 11/01/2013, 13:49
Trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn vẽ lên đó những nét xấu thì tâm hồn con trẻ sẽ bị vấy bẩn. Trẻ con cũng không tự hư được, còn do nhiều yếu tố trong đó có mối liên hệ mật thiết với nhà trường và gia đình. Vì vậy sự giáo dục của nhà trường và gia đình rất quan trọng. Người lớn hãy bên cạnh, bảo ban chứ không nên bỏ rơi con trẻ, đình chỉ em một năm có thể mang lại nhiều rủi ro cho em hơn chúng ta tưởng.

Xung quanh vụ việc, nữ sinh dùng facebook xúc phạm thầy cô tại Quảng Nam bị đình chỉ học 1 năm đã có rất nhiều ý kiến từ trái chiều từ phía độc gải. Bên cạnh ý kiến cho rằng không thể chấp nhận học sinh hôm trước đánh nhau, hôm sau đăng bài thóa mạ thầy cô lên Facebook thì cũng có nhiều học sinh cho rằng, đuổi học Vy một năm là quá nặng nề.

Ngay cả những chuyên gia giáo dục có tiếng cũng tồn tại hai luồng ý kiến khác nhau. TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Việc xử lý kỷ luật với một học sinh nữ lớp 8 là đình chỉ 1 năm học trong trường hợp này hoàn toàn không phù hợp. Tất nhiên quan điểm giáo dục mỗi nơi khác nhau. Phải chăng, nhà trường đang đầu hàng với những cái mà nhà trường không tự giải quyết được, đó là vấn đề phương pháp giáo dục?

Khi đọc văn bản lời tuyên ngôn của học sinh trên facebook, PGS Văn Như Cương đồng tình với quan điểm của nhà trường là đình chỉ học một năm đối với học sinh Vy.

Ông cho rằng, những phát ngôn của em không tục tĩu nhưng thể hiện thái độ quá hỗn láo với thầy cô. Thầy Văn Như Cương cho biết thêm, bản thân Trường THPT Lương Thế Vinh đã từng đình chỉ 1 năm học đối với 2 học sinh vì những hành vi tương tự học sinh Vy tại Quảng Nam.

nu sinh
Vy và mẹ bên góc học tập ở nhà

Người lớn thì có cách suy nghĩ của họ, nhưng trẻ con lại có cách suy nghĩ của mình. Hãy cùng nghe tiếng nói con trẻ, học sinh N.T.H (Học sinh lớp 12, THPT Nho Quan A, Ninh bình) đã có những lời tâm sự cùng Vy: "Em đang sống trong những năm cuối cùng của đời học sinh, nhận được sự yêu thương, dìu dắt của thầy cô.

Nhưng đối với trường hợp học sinh Vy, em tự nhủ rằng: Các thầy cô là người dìu dắt, chỉ dạy cho học sinh và các thầy cô cũng là cha là mẹ. Vậy tại sao lại đuổi học em học sinh trên mà không có cách xử trí khác tốt hơn. Em đi học và em hiểu bị đuổi học cảm giác như thế nào, chắc chắn đó là vết nhơ trong cuộc đời và là vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn .

Nếu học sinh cứ sai là kỉ luật là buộc thôi học thì sau này những học sinh đó sẽ thành người như thế nào đây. Việc đuổi học đã gián tiếp làm hỏng cuộc đời 1 con người và tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trên đây là một đôi dòng suy nghĩ của em, một người đã từng đi học và cũng từng có những người bạn đã bị đuổi học".

Nhiều độ giả trong tuổi mới lớn cho rằng sai phạm của học sinh Vy là nhẹ so với hàng trăm, hàng nghìn những lỗi mà tuổi trẻ thường mắc phải như bạo lực học đường, chống đối lớp học, phá hoại nhà trường. Đương nhiên, khi chế ra bản tuyên ngôn này bạn Vy đã sai, nhưng điều đó không có gì gọi là to tát mà phải cho rằng học sinh này đã vi phạm nhân cách.

Lỗi lầm này của học sinh xảy ra vì các bạn nghĩ rằng, trong thế giới ảo, trong trang cá nhân, bạn muốn nói gì thì nói, đó là quyền của mỗi người. Không chỉ ở học sinh Vy mà rất nhiều người lớn cũng có suy nghĩ này.
 
Vì vậy, trước khi khiển trách học sinh, người lớn hãy dạy cho con trẻ biết, facebook và mạng xã hội cũng cần phải có nguyên tắc, cũng cần phải được tôn trọng như đời thực. Đó không phải là sọt rác để ta ném cái gì vào cũng được. Khi mọi phát ngôn dễ dàng lan truyền thì sẽ gây nên hậu quả khôn lường. Nếu người lớn đã từng dạy cho các em những điều này thì chắc hẳn sẽ không có câu chuyện đáng buồn như của em Vy.

Như vậy, lỗi ở đây còn là do gia đình và nhà trường. Trước khi kỷ luật đình chỉ thì thầy cô nên nhìn lại cách cư xử với học sinh. Thầy cô đã làm gì mà các em bị ức chế và bộc phát trên facebook như thế? Nhà trường là nơi dành cho giáo dục, đào tạo mầm mống nhân tài cho mai sau, vì vậy nên xét xử em một cách vừa nghiêm khắc, vừa nhân ái để em vừa cảm thấy lỗi sai, vừa khâm phục thầy cô.

Trong cuộc sống gia đình, phải chăng bố mẹ đã không quan tâm đến con cái, không kiểm soát được những việc con làm, những phát ngôn của con, những mối quan hệ của con, để con tiếp xúc với những mặt trái của công nghệ thông tin.

Trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn vẽ lên đó những nét xấu thì tâm hồn con trẻ sẽ bị vấy bẩn. Trẻ con cũng không tự hư được, còn do nhiều yếu tố trong đó có mối liên hệ mật thiết với nhà trường và gia đình. Vì vậy sự giáo dục của nhà trường và gia đình rất quan trọng. Người lớn hãy bên cạnh, bảo ban chứ không nên bỏ rơi con trẻ, đình chỉ em một năm có thể mang lại nhiều rủi ro cho em hơn chúng ta tưởng.

Con người ai cũng đã từng mắc sai lầm, thử hỏi khi mọi người còn nhỏ, làm gì có ai mà chưa từng có những hành động hay suy nghĩ nông cạn? Có chăng nếu khác nhau về mức độ thì cũng là do điều kiện về văn hóa thông tin khi xưa khác với bây giờ và sự khác nhau về áp lực cuộc sống hiện nay mà thôi.

Vì vậy, nên cho Vy thời gian suy nghĩ cùng một cách giáo dục đặc biệt, bên cạnh đó vẫn cho em đi học, hòa nhập cùng bạn bè chứ không phải đình chỉ học.
Theo GDVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích