Theo AFP, các nghi phạm đã ra hầu tòa lần hai trong ngày 10/1. Thẩm phán Tòa án quận Saket đã tuyên bố chuyển vụ án sang tòa án đặc biệt chuyên xét xử những vụ cưỡng hiếp. Luật sư Manohar Lal Sharma, người bào chữa cho tài xế xe buýt - kẻ cầm đầu băng cưỡng hiếp - cùng em trai y và một đồng phạm khác, tuyên bố bên ngoài tòa án ba bị cáo sẽ không nhận tội trước tòa vì cho rằng cuộc điều tra của cảnh sát có nhiều “khuất tất”. “Tất cả những bằng chứng đều chỉ dựa trên tin đồn và sự giả định” - ông Sharma nhấn mạnh.
Luật sư Sharma cũng tố cáo cảnh sát đã bức cung. “Tất cả những bị cáo đều bị cảnh sát đánh đập nặng nề để có được những lời khai ăn khớp với những bằng chứng mà họ đã thu thập được. Các thân chủ của tôi đã bị buộc phải thừa nhận những tội lỗi mà họ không hề gây ra”.
Khi được hỏi về những cáo buộc này, người phát ngôn của cảnh sát khẳng định là “không hề có chuyện đó”.
Phụ nữ Ấn Độ tham gia một cuộc tuần hành do Thủ hiến New Delhi Sheila Dikshit khởi xướng đòi công... |
Phát ngôn gây sốc
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg mới đây, luật sư Sharma cho rằng bạn trai của nạn nhân phải chịu trách nhiệm lớn nhất khi rủ rê bạn gái mình ra ngoài đường vào lúc trời tối, không sử dụng phương tiện vận tải công cộng và không bảo vệ bạn gái trước những kẻ thủ ác.
“Người bạn trai đã phá vỡ niềm tin của bạn gái mình” - luật sư Sharma tố cáo. Bởi theo ông, “nếu một người đàn ông không thể bảo vệ được người phụ nữ của mình, hoặc nếu cô ấy có bất kỳ hoài nghi nào về khả năng che chở của anh ta thì chắc chắn cô sẽ chẳng bao giờ chịu đi với người đàn ông đó” - luật sư này nêu rõ.
Trên thực tế, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Zee TV, người bạn trai cho biết anh ta đã cố sức chống trả những kẻ cưỡng hiếp nhưng vì “thân cô thế cô” nên không thể bảo vệ được bạn gái mình. Chính anh ta cũng bị các nghi phạm dùng gậy sắt đánh tới tấp.
Luật sư Sharma cũng chỉ trích nạn nhân lẽ ra không nên ra ngoài đường vào ban đêm. “Đến giờ tôi chưa nghe thấy trường hợp một phụ nữ đáng kính nào bị cưỡng hiếp. Ngay cả một tay đại ca xã hội đen cũng sẽ không cưỡng hiếp một phụ nữ được kính trọng” - ông Sharma khẳng định với AFP.
Thế nhưng, ông lại cam đoan là ông không có ý xúc phạm đến nạn nhân. “Tôi thừa nhận đã nói với Bloomberg như vậy, nhưng tôi không nói gì về nạn nhân cả. Tôi chỉ có ý nói rằng phụ nữ được tôn trọng ở Ấn Độ, họ là mẹ, là chị, là bạn của chúng ta. Nhưng, hãy thử cho tôi biết xem có quốc gia nào lại tôn trọng một gái điếm?”. Khi được hỏi liệu có phải ông đang xem nạn nhân là một gái điếm không, luật sư Sharma bác bỏ và nhấn mạnh: “Tất cả những gì tôi làm là để bảo vệ thân chủ của mình cũng như chứng minh họ không gây ra tội ác ghê tởm này”.
Xã hội bảo thủ
Phát ngôn của ông Sharma phản ánh góc nhìn bảo thủ của xã hội Ấn Độ về vai trò của người phụ nữ. Một loạt phát biểu của giới chức Ấn Độ trong thời gian gần đây trên danh nghĩa là để bảo vệ an toàn hơn cho phụ nữ và các nữ sinh, nhưng thực chất chỉ “tròng” thêm vào cổ phụ nữ những cái gông mới.
Hồi đầu tuần, báo Hindustan Times cho biết giám đốc Sở Giáo dục thành phố Puducherry Thiagarajan đề xuất thiết kế lại tất cả đồng phục nữ sinh trong thành phố, nữ sinh khi đi học phải mặc thêm áo khoác ngoài để tránh mê hoặc đàn ông trở nên điên cuồng. Thành phố cũng sẽ điều hành những tuyến xe buýt dành riêng cho nữ sinh.
Tương tự, nghị sĩ Banwari Lal Shinghal thuộc Đảng BJP đối lập đại diện cho bang Rajasthan đã viết thư gửi chính quyền bang đề nghị cấm tất cả nữ sinh mặc váy để tránh khiêu khích đàn ông. Ông cũng kiến nghị cấm học sinh sử dụng điện thoại di động vì “Chính tôi đã trông thấy những nam sinh chụp ảnh bạn học của mình bằng điện thoại, và những bức ảnh này có thể bị sử dụng sai mục đích. Đây không phải là hạn chế quyền phụ nữ như cách Taliban làm mà nhằm bảo vệ họ an toàn hơn” - ông Shinghal nhấn mạnh.
Thẳng thừng hơn, chủ tịch Đảng Samajwadi, ông Abu Asim Azmi, khẳng định phải cấm phụ nữ ăn mặc mát mẻ và gợi cảm “vì lửa mà gần xăng thì cách gì mà không bắt cháy!”.
“Tôi ủng hộ án tử hình với những nghi phạm cưỡng hiếp ở Delhi, nhưng cũng phải có lệnh cấm phụ nữ ăn mặc “thiếu vải” và đi chơi với các chàng trai không phải người nhà của mình. Phụ nữ muốn gì khi ra ngoài đường vào ban đêm với những người đàn ông không thân thích? Việc này phải chấm dứt” - báo India Today dẫn lời ông Azmi quy kết.
Đổ tội cho phụ nữ là đã “mời mọc”! Theo những nhà hoạt động nữ quyền, các vụ trình báo tội cưỡng hiếp và những cuộc điều tra của cảnh sát thường quy trách nhiệm cho nạn nhân là không tuân theo truyền thống hoặc những quy tắc bảo thủ đối với phụ nữ nước này. “Đây là lối suy nghĩ đã ăn sâu từ bao đời nay trong đầu óc của phần lớn đàn ông Ấn Độ. Những kẻ gây tội ác cũng tự biện hộ cho tội ác mà chúng gây ra bằng cách đổ hết tội lỗi cho phụ nữ là đã “mời mọc” họ chứ chẳng phải họ chủ động” - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội (trụ sở ở New Delhi) Ranjana Kumari vạch rõ. |
Theo Tuoitre