Bác sĩ viện K "vạch mặt" thủ phạm gây ung thư

Thứ sáu, 11/01/2013, 17:23
Thực phẩm bẩn bủa vây người dân, lối sống không lành mạnh, môi trường ô nhiễm, thiếu kiến thức về sức khỏe v.v… khiến một loạt bệnh mãn tính không lây tấn công người mạnh khỏe, trong đó, sự gia tăng  số lượng bệnh nhân ung thư là một minh chứng cụ thể.

Dự phòng được, nhưng khó!

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, bên cạnh các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư như hút thuốc, uống rượu, chế độ ăn ít rau quả, thừa đạm, thịt, mỡ động vật thì thức ăn có chứa chất bảo quản thực phẩm là một trong những nguyên nhân quan trọng để gây nên căn bệnh này (cũng như một số bệnh mãn tính nguy hiểm khác).
ung thu

Gần 1 tấn lòng thối được ướp bằng một chất bột màu trắng dạng như muối hạt và bốc mùi thối rất khó chịu bị đội Quản lý thị trường số 11 (Hà Nội) và Đội 6 - Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 49 – Công an TP. Hà Nội) bắt giữ vào tháng 10/2012. Nếu “trót lọt”, số lòng thối này sẽ được sử dụng làm vỏ lạp sườn! (Ảnh: T.Nhung)

Tuy nhiên, “đụng đâu bẩn đó”, “tràn lan thực phẩm chứa chất bảo quản hoặc chất cấm” có lẽ là những cụm từ phản ánh khá chính xác tình trạng thực phẩm hiện nay. Mặt hàng nào bị “sờ gáy” là đều phát hiện ra “vấn đề”.

"Những yếu tố nguy cơ không nói lên tất cả. Có một hay nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa rằng người đó chắc chắn sẽ mắc bệnh nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ tác động thường xuyên, nguy cơ mắc bệnh sẽ nhiều hơn.

Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng với khoa học ngày nay, 1/3 có thể dự phòng được, 1/3 có thể chữa khỏi (ở giai đoạn sớm) và 1/3 có thể kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn)".

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Phòng chống Ung thư Việt Nam.

Một loạt các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn liên tục được đưa trên mặt báo.

Có thể liệt kê: Mỡ thối, lòng thối được tẩy trắng; nho, lựu, táo Trung Quốc chứa chất diệt nấm vượt mức cho phép có thể gây vô sinh; bánh xốp Trung Quốc chứa kim loại nặng vượt quá mức cho phép; măng tươi được bảo quản bằng lưu huỳnh cả năm không hỏng; các loại thịt gia súc gia cầm chứa chất tăng trọng hoặc được nuôi bằng những loại thức ăn chứa chất cấm; …

Việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, nhưng dường như không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Từ thực tế đáng báo động này, nhiều người tiêu dùng hoang mang vì không biết đường nào để chọn được thực phẩm an toàn, bởi ngay cả thực phẩm trong siêu thị cũng không rõ nguồn gốc, còn thực phẩm được quảng cáo là “nhập khẩu” thì không biết có bị “đổi nhãn mác”, hô biến từ hàng kém chất lượng hay không.

Trước tình hình này, việc dự phòng bệnh ung thư bằng cách sử dụng thức ăn sạch sẽ, đảm bảo chất lượng trở nên không khả thi.

Khó “vạch mặt chỉ tên” tác nhân gây ung thư

Tuy là tác nhân quan trọng nhưng thực tế, để kết luận được thực phẩm bẩn đóng vai trò đến đâu trong quá trình gây bệnh ung thư thì không phải dễ, bởi ngoài những ca ngộ độc thấy rõ ngay được thì tác hại của thực phẩm bẩn là tích tụ chất độc lâu ngày trong cơ thể.

Đến khi phát hiện ra bệnh thì khó có thể nhận định được “thủ phạm” chính gây bệnh.

Do đó, nguyên nhân thực sự gây bệnh ung thư thường được người dân “rỉ tai” nhau phần lớn là do thức ăn độc hại, nhưng bác sỹ thì rất khó kết luận điều này.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống Ung thư Việt Nam, có nhiều người mắc bệnh ung thư nhưng có thể không thấy yếu tố nguy cơ nào được biết đến.

Ngay cả một người bị mắc bệnh do nhiều yếu tố nguy cơ thì thông thường cũng rất khó biết yếu tố nguy cơ nào là chủ yếu gây ra bệnh ung thư.

Lối sống thiếu lành mạnh, kiến thức hạn chế

Do 80% nguyên nhân gây bệnh ung thư là do môi trường bên ngoài nên PGS.TS Trần Văn Thuấn, cách phòng tránh ung thư hiệu quả nhất là tạo dựng lối sống lành mạnh.

Lối sống lành mạnh là không hút thuốc lá, uống rượu, hạn chế sử dụng thực phẩm có nhiều mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn (có chất bảo quản thực vật), hạn chế ăn thịt và ăn nhiều rau của quả để tăng chất xơ, …

Ngoài ra, cần tạo dựng những thói quen tốt như khám sức khỏe định kỳ, quan hệ tình dục an toàn, tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng (gây ung thư da), bảo vệ bản thân khỏi môi trường ô nhiễm, …

ung thu

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Nhưng ở VN, có trên 56% nam giới sử dụng thuốc lá (Ảnh: N.A)

Tuy nhiên, hiện nay, lối sống lành mạnh này không phải ai cũng thực hiện được. Chỉ riêng với thuốc lá, theo thống kê, đã có tới trên 56% nam giới Việt Nam sử dụng.

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi – căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong hàng đầu. Thuốc lá còn gây ra một loạt các bệnh ung thư nguy hiểm khác nhưng dẫu biết như vậy song nhiều người vẫn không từ bỏ thói quen độc hại này.

Ngoài ra, tỷ lệ người Việt Nam sử dụng rượu bia cũng rất lớn (theo một tính toán mới công bố, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ 2,6 tỉ lít bia, đứng thứ 25 trên toàn thế giới).

Trong đó có nhiều trường hợp bị nghiện rượu, khiến nguy cơ xơ gan, ung thư gan tăng cao.

Thiếu kiến thức về sức khỏe và bệnh ung thư

Đó là chưa kể đến việc người dân có kiến thức rất hạn chế về sức khỏe nói chung và bệnh ung thư nói riêng.

Nhiều bác sỹ trực tiếp khám và điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện K cho biết nhiều người dân khi đến khám bệnh, phát hiện bị ung thư, thì đều cho rằng bệnh này là bệnh lây, bệnh di truyền, vô phương cứu chữa, không được ăn uống (vì nghĩ ăn uống càng tốt thì tế bào ung thư càng có nguồn dinh dưỡng để phát triển, vv …)

“Đó là những kiến thức sai lầm. Nếu không ăn uống được, người bệnh không có đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật. Nhiều người bị ung thư thực quản còn phải mổ dạ dày để đặt ống xông bơm thức ăn”, bác sỹ Thuấn cho biết.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích