Theo ông Cần, việc triển khai chủ trương này cần phải xem xét lại vì kinh phí lớn và tác dụng thực sự của nó mang lại.
Là lãnh đạo một quận trung tâm TP.HCM, ông nghĩ sao về chủ trương “cùm bánh ô tô đậu ẩu”?
Chúng tôi luôn chú ý việc giữ gìn an toàn trật tự, trong đó việc đảm bảo đường phố thông thoáng luôn được chú trọng, đặc biệt là những tuyến đường trung tâm. Tuy nhiên, việc khóa bánh xe vi phạm thì cần xem xét lại.
Thứ nhất, đó là kinh phí thực hiện. Theo tôi được biết, một chiếc khóa loại chuyên dụng có giá tới 2.000 USD/cái. Kinh phí lớn như vậy quận không thể tự trang bị.
Ông Lê Bá Cần: “Nếu mục đích chính là giúp đường phố thông
thoáng thì phải có giải pháp phù hợp hơn”.
Thứ hai, mục tiêu của việc khóa bánh xe là gì? Là để phạt người vi phạm hay để giúp đường phố thông thoáng? Cái nào quan trọng hơn? Nếu chủ xe vi phạm chậm trễ hoặc chây ì trong việc nộp phạt; hoặc như khu vực đó có từ 2 chiếc xe vi phạm trở lên bị khóa bánh thì chắc chắn sẽ gây ách tắc giao thông. Đó là chưa kể còn gây ác cảm cho người dân. Mục đích chính là giúp đường phố thông thoáng thì phải có giải pháp phù hợp.
Nhưng một số nơi, như sân bay Nội Bài (Hà Nội) chẳng hạn, lực lượng an ninh sân bay vẫn sẵn sàng khóa bánh ô tô đậu sai quy định?
Tôi được biết, ở sân bay Nội Bài, tại những nơi cấm đón khách, tài xế chỉ dừng trong 1 - 2 phút là có thể bị khóa bánh bằng các khóa tự chế. Nhưng biện pháp này có thể hợp pháp vì áp dụng theo quy định trong lĩnh vực hàng không chứ không phải quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Nếu UBND TP.HCM cho triển khai biện pháp khóa bánh xe thì thành phố phải trang bị thiết bị cho quận. Như tôi đã nói, giá thành quá đắt thì các địa phương sẽ không kham nổi.
Đường Ngô Đức Kế, quận 1, TP.HCM dù có biển cấm đậu nhưng vẫn
có nhiều xe dừng quá 5 phút (ảnh chụp trưa 10/1).
Trước đây, quận 1 cũng từng đề xuất việc tháo biển số xe ô tô vi phạm…
Trước đây, trên địa bàn quận có 20 tuyến đường được UBND TP.HCM cho phép tạm thời sử dụng một phần lòng đường để làm bãi đỗ xe có thu phí, tuy nhiên hiện tại những tuyến đường này đã được thu hồi biển báo dừng, đậu xe và lắp đặt biển báo cấm đậu.
Nhưng nhiều tài xế ôtô, nhất là tài xế taxi vẫn cố tình dừng, đỗ trái phép. Ở những tuyến đường được phép đậu xe (có thu phí) như Chu Mạnh Trinh, Sương Nguyệt Anh… tình trạng xe taxi, xe ô tô đậu, dừng rất tùy tiện, thường xuyên gây cản trở, ùn tắc giao thông.
Khi lực lượng thanh tra kiểm tra, nhắc nhở thì các tài xế thường né tránh hoặc bỏ đi nơi khác gây khó khăn cho việc xử lý. Đó là lý do quận 1 kiến nghị được dùng biện pháp tháo biển số đối với những trường hợp vi phạm này.
Một ô tô đậu qua đêm ở sân bay Nội Bài bị “cùm chân” bằng khóa tự chế
Tuy nhiên, thời gian qua, lực lượng thanh tra xây dựng của quận đã tích cực chấn chỉnh việc đậu, dừng xe trái phép. Đặc biệt, trong hai tháng cuối năm, quận đã đẩy mạnh việc tuần tra, nhắc nhở và xử phạt để chấn chỉnh tình trạng này.
Tôi lưu ý anh em, phải hướng dẫn, giải thích rõ ràng cho người dân với thái độ mềm mỏng. Chỉ những người chây ì, cố tình vi phạm nhiều lần thì sẽ bị xử phạt. Hiện nay, các tuyến đường nêu trên đều đã thông thoáng, tình trạng cố tình dừng, đậu trái phép đã giảm hẳn.
Xin cảm ơn ông!
Tại cuộc họp đầu tháng 1/2013, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng biện pháp “cùm chân” ô tô vi phạm tạo sự linh động trong xử lý vi phạm, giảm áp lực cho các bãi giữ xe vi phạm đang quá tải. Người vi phạm cũng không phải chịu chi phí cẩu, kéo, lưu kho xe. Ông Tín cũng yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét biện pháp lắp đặt camera trên các tuyến đường cấm ở quận 1 để ghi nhận thời gian dừng của các loại phương tiện, làm cơ sở cho việc xử phạt. Hiện trên nhiều tuyến đường ôtô chỉ được dừng không quá 5 phút nhưng không ít xe dừng lố song cơ quan chức năng khó xử phạt vì không trưng ra được bằng chứng về thời gian xe đậu. Theo ông Tín, nếu chưa có quy định pháp luật, UBND TP sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm biện pháp trên. Xe vi phạm sẽ bị khóa bánh bằng một chiếc khóa đặc biệt khiến chúng không thể di chuyển được. Trên khóa có ghi số điện thoại, địa chỉ của đơn vị chức năng để chủ xe liên hệ. Chiếc xe chỉ được mở khóa sau khi chủ xe nhận biên bản vi phạm. |
Theo Khampha