Hoang mang tin đồn nhiễm HIV vì kim tiêm trong ghế rạp hát

Thứ năm, 17/01/2013, 11:12
Thời gian gần đây, tin đồn bơm kim tiêm nhiễm HIV  bị cắm dưới ghế nệm công cộng lại tiếp tục lan nhanh trên các trang mạng xã hội với hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Nhiều người tỏ ra lo lắng không biết thực hư thế nào.

"Chào mừng đến với thế giới HIV"

Những thông tin lan truyền trên facebook và một số trang mạng về một "bức thư cảnh báo" gây hoang mang. Nội dung bức thư tóm lwojc như sau: "Cách đây vài tuần, trong một rạp hát, một người cảm thấy có vật gì đó chĩa ra từ ghế của cô ấy. Khi cô ấy đứng dậy để xem đó là vật gì thì thấy một cây kim nhô ra khỏi ghế kèm theo một mảnh giấy ghi là: “Bạn vừa mới nhiễm HIV”…

Để minh chứng tiếp và tăng độ tin cậy, bức thư còn nêu ra trường hợp của một cô gái gần kết hôn trong vài tháng nữa đã bị đâm phải khi đang xem phim và sau đó cô gái đã chết sau đó 4 tháng. Theo bức thư trên thì đây là cách mà một số đối tượng bị nhiễm HIV trả thù đời. Họ dùng kim tiêm dính máu cắm dưới những ghế nệm khiến người ngồi vào bị đâm và nhiễm HIV".

HIV

 Ảnh minh họa

Cuối bức thư còn có một đoạn khuyến cáo cho người đọc khi bị dẫm kim tiêm chứa HIV thì nên nặn máu ra; ghé vào nhà dân gần nhất xin xà phòng bôi vào vết thương để sát trùng rồi rửa sạch; Trong vòng 24h đến cơ sở y tế gần nhất mua thuốc chống phôi nhiễm HIV. Lưu ý thuốc chỉ có tác dụng trong vòng 72h, uống liên tục trong vòng 4 tuần.

Thông tin này cũng khiến không ít người cảnh giác hơn khi ngồi ở những cheiecs ghế nơi công cộng. Cũng có người nghi ngờ đây chỉ là tin đồn thất nhiệt nhưng hầu hết các thành viên mạng đều bày tỏ sự sợ hãi, người thì chọn cách không xem phim ở rạp nữa, người thì chia sẻ đến tất cả bạn bè, người thân, cẩn thận xem kỹ ghế ngồi, người thì phẫn nộ trước hành động "trả thù đời" của những người có HIV...

Chưa ghi nhận trường hợp nào

Trao đổi với PV, bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội tỏ ra bất ngờ trước thông tin trên, bà Lan khẳng định: “Nội dung bức thư khá nhảm nhí, không có thật”.

Theo vị Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, việc xét nghiệm bơm kim tiêm như đã nói ở trên là không thể thực hiện được. Thứ hai là 20 năm nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm HIV do có kim tiêm đâm ở các điểm công cộng như ATM hay các rạp hát, rạp chiếu phim. Ở Hà Nội có đến hàng chục câu lạc bộ người nhiễm HIV nhưng chưa bao giờ có phản ánh tình trạng này.

Bên cạnh đó, nếu không may bị dính HIV, điều trị đúng cách người bệnh có thể sống tới hơn 20 năm chứ không phải chỉ 4 tháng như bức thư nói trên.

Đề cập tới việc nhiều người lo lắng sợ bị kim tiêm nhiễm HIV đâm ở các ghế nệm công cộng như những dòng cảnh báo lan truyền trên, bà Lã Thị Lan cho biết, có khá nhiều người gọi điện đến trung tâm tư vấn khi bị dẫm phải bơm kim tiêm nhưng đa phần là trong trường hợp họ đi thể dục buổi sáng trong các công viên chứ chưa có trường hợp nào nói “tôi bị bơm kim tiêm đâm trong rạp”.

"Về mặt lý thuyết  có tiếp xúc với nguồn lây là có nguy cơ, nhưng theo thống kê hàng năm, các trường hợp phơi nhiễm đều không có trường hợp nào bị nhiễm HIV do kim tiêm đâm trong rạp hát. Nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất là qua đường tình dục".

Theo bà Lan thì khuyến cáo của người viết “phải nặn máu ra” là sai. Nếu bị kim đâm chúng ta không nên nặn máu ra vì việc nặn máu làm cho các mạch máu co lại, theo đó nếu máu có nhiễm khuẩn sẽ ở trong cơ thể, còn nếu để máu chảy tự nhiên thì vi khuẩn sẽ theo ra ngoài.

Khi chúng ta tiếp xúc với nguồn lây thực sự ví dụ như một bơm kim tiêm có máu tươi hoặc cấp cứu người bị nạn ngoài đường, máu rất nhiều thì thứ nhất là rửa sạch, nếu bị thương thì hãy để máu chảy tự nhiên, rửa sạch bằng chất sát khuẩn trong vòng 5- 10 phút. Sau đó xin tư vấn ở một cơ sở y tế gần nhất chứ  không tự ý mua thuốc.

Việc mua thuốc sẽ được cán bộ tư vấn xem cụ thể anh dẫm vào cái gì, nguồn tiếp xúc là gì, mức độ ra làm sao thì người ta khuyên có mua thuốc hay không chứ không phải trường hợp nào cũng mua thuốc uống, lãnh đạo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nộicho biết.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích