Nhục quốc thể có còn là chuyện nhỏ?

Thứ tư, 06/03/2013, 20:46
Thói hư tật xấu của người Việt là chuyện nhỏ, nhưng khi đem thói quen xấu đi “đấm xứ người” thì không những chẳng ai muốn “chơi” với mình mà họ còn khinh mình, không chỉ nhục cho cá thể mà nhục cho quốc thể.

Kinh hoàng văn hóa người Việt

Những thói xấu nếu ở trong nước thì được cho là chuyện thường ngày, được chấp nhận, chẳng ai hơi đâu mà kêu ca, phàn nàn. Nhưng khi ra nước ngoài thói xấu nhanh chóng “lòi đuôi chuột” bị người ta chê cười, bị ghét, bị khinh, khinh đến mức tẩy chay, có nghĩa là nhục.

Ở trong nước, người Việt khi ra đường thì bất chấp luật lệ, phóng nhanh vượt ẩu, xả rác bừa bãi, hồn nhiên chửi tục, nói bậy. Người tốt thì sợ người xấu kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào” nếu không mang vạ vào thân. Có nhiều vụ tai nạn, đánh nhau mà người qua đường ái ngại chẳng ai muốn can.

Người Việt vào nhà hàng thì hạch sách, nhiễu nhương, nhậu nhẹt kề cà, say sưa bí tỷ. Uống rượu bia quá chén vào toa lét xả bừa bãi. Hứng chí lên thì gõ đũa gõ bát hát hò tùm lum. Dzo…dzo… những tiếng hô đồng loạt bạn cứ thử vào bất cứ quán nhậu nào cũng có.

Bây giờ nhiều người ngại đến nhà hàng, muốn vui với bạn bè nhưng được bữa ăn thì ong hết cả đầu, kẻ nói chẳng có người nghe, xung quanh toàn rác rưởi bụi bặm khác gì tra tấn.

thoi xau

Một lần vào quán phở nổi tiếng, vừa đưa lên miệng thì người đối diện cũng vừa ăn xong, họ xì mũi rõ to xong rút giấy ăn lau mũi rồi vứt vào bát phở. Chao ôi, sợ quá mất hết cảm giác ngon miệng đành ăn vội ăn vàng rồi ù té.

Nếu ở Việt Nam, bạn sẽ phải quen với những cảnh này và cho rằng đó là chuyện thường ngày. Nhiều khi bạn vừa là chủ thể nhưng cũng là nạn nhân của những thói hư tật xấu, xung quanh bạn đầy rẫy những thói xấu nên buộc phải sống chung, lâu dần thành quen, rồi chấp nhận và trở thành chuyện bình thường, chuyện “nhỏ như con thỏ” chẳng có gì phải bận tâm.

Ra nước ngoài mới thấy xấu hổ

Nhưng có một ngày bạn được đi ra nước ngoài, bạn có dịp được “giải ngố”, rồi giật mình nhận thấy mình xấu, thấy xấu hổ nhưng rồi hãy quan sát, học hỏi để mình cũng văn hóa, cũng lịch sự như người ta.

Các bạn nói rất đúng về những thói xấu của người Việt, ở trong nước thì “chẳng chết ai cả” nhưng mà bê nguyên thói xấu này sang nước ngoài mới thấy nhục. Đầu tiên chỉ là nhục cá thể nhưng sau đó sẽ thành nhục cho quốc thể. Vì người Việt bị ác cảm quá (cho dù là họ vơ đũa cả nắm), thế là người Việt bị kỳ thị, phân biệt đối xử, không được tôn trọng. Mà nếu không được tôn trọng thì họ có coi mình là con người nữa không?

buffer

Đến giờ tôi vẫn thấy ngượng ngùng khi kể những chuyện này:

Có lần sang Singapore, từ trong Trung tâm mua sắm đi ra bến tắc xi, thấy chiếc tắc xi đến bến đỗ, mấy người Việt Nam chúng tôi hò nhau lên trong khi những người đang xếp hàng trố mắt nhìn. Chúng tôi người thì thấy ngượng lắm nhưng người lại cho rằng mình đạt thành tích.

Đi được một đoạn bỗng nhìn sang đường thấy khách sạn mình ở bên kia đường, để tránh đi vòng cho đỡ tốn tiền thế là đòi xuống xe, đoạn nhìn ngang nhìn dọc rồi kéo nhau chạy băng qua đường. Đã có những tai nạn thương tâm của người Việt kiểu này chỉ vì muốn đi nhanh đi tắt giống như thói xấu ở Việt Nam.

Một lần ở Ý, đoàn của chúng tôi vào shop quần áo. Theo thói quen ở VN, tôi chọn một đống quần áo mang vào phòng thử, thử xong vứt lung tung. Rồi chạy ra quầy tính tiền, chuẩn bị tiền trả bỗng ngoái lại thấy đằng sau mình nhiều người đang xếp hàng, xấu hổ quá, tôi từ từ quay lại xếp hàng như mọi người.

Một điều không phải là thói xấu nhưng đáng xấu hổ đó là khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Nhiều người Việt đi công tác nước ngoài nhưng không biết ngoại ngữ, không biết tiếng Anh nhưng vẫn tự hào mình vẫn giao tiếp tốt, vẫn ra lệnh được người phục vụ. Khi vào quán, muốn uống bia anh ta gọi: Ê, bia; rồi giơ 2 ngón tay (2 lon); Ê ê… đoạn lấy tay quẹt lia lịa vào miệng (muốn giấy lau miệng).

Ăn xong rút ví ra dấu ngón tay xỉa xỉa (tính tiền). Ở nhiều nơi công cộng muốn đi vệ sinh nhưng không thể bừa phứa như ở VN mà hỏi thăm thì không biết tiếng ngoại trừ mỗi từ “toilet” nên rất ngại đành đi lòng vòng tìm toilet rất mất thời gian. Điều này nhiều người Việt biết là không hay nhưng cũng chẳng biết làm thế nào để xoay xở trên đất khách quê người vì quá dốt ngoại ngữ.

Biết “nhục” để thay đổi

Vậy nên khi sang nước ngoài những tật xấu có dịp bộc lộ. Các cụ nói “ Đi một đàng học một sàng khôn”. Thiết nghĩ chúng ta không nên tự ái, trách móc, suy nghĩ tiêu cực (đó cũng là một tính xấu) khi nhiều nơi họ không tiếp người Việt, điều đó chẳng giải quyết được gì.

Nếu biết nhục thì điều quan trong là cần phải học hỏi, bắt chước những hành vi đẹp, rút ra kinh nghiệm và nhanh chóng hội nhập với xã hội văn minh. Kể cả khi ở trong nước cũng nên tạo thói quen, nếp sống văn hóa.

thuc an

Tất nhiên điều này phải rèn từ khi còn nhỏ, bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường, gia đình cần dạy dỗ nhiều hơn về văn hóa giao tiếp và ứng xử. Người lớn phải trở thành tấm gương cho con trẻ.

Văn hóa của một xã hội chính là thang điểm là thước đo giá trị của một dân tộc chứ không phải chỉ đơn thuần là kinh tế. Nhưng tôi tin một khi đất nước phát triển hiện đại thì sẽ kéo theo sự phát triển hơn về văn hóa, văn minh, và tất nhiên những thói hư tật xấu cũng dần biến mất.

Thói hư tật xấu của người Việt là câu chuyện dài, xấu và hư hồn nhiên như thở hít khí trời; “chuyện nhỏ như con thỏ” và “chẳng chết ai cả”. Nhưng bạn thấy đấy, khi đem thói quen xấu đi “đấm xứ người” thì không những chẳng ai muốn “chơi” với mình mà họ còn khinh mình, không chỉ nhục cho cá thể mà nhục cho quốc thể.

Lúc ấy bạn thậm chí không muốn khai mình là người Việt; và liệu bạn có dám tự hào là dòng giống Tiên Rồng nữa không? Vậy ai bảo đó là chuyện nhỏ?

Theo Vietnamnet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn