Ngày 11/3, trường Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp với sự tham gia của các thầy cô giáo, chuyên gia, nhà khoa học… trong và ngoài nhà trường. Nhiều ý kiến xoay quanh việc lý giải, làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Lòng tin
Nói về vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện ở điều 4 dự thảo sửa đổi Hiến pháp, hầu hết đại biểu khẳng định đã trình bày minh bạch, cụ thể và rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, họ đề nghị lần sửa đổi Hiến pháp này cần làm rõ hơn sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng, đặc biệt là trách nhiệm của Đảng trước nhân dân và dân tộc, phải có một luật về sự lãnh đạo của Đảng.
Nguyên phó Hiệu trưởng trường Cán bộ TP.HCM Nguyễn Sỹ Nồng đặt vấn đề, lòng tin của nhân dân đối với Đảng hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Sỹ Nồng: Dân rất bức xúc khi "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên tham nhũng |
Công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu, lòng tin của dân đối với Đảng được củng cố nhưng dân cũng rất bức xúc khi “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên quan liêu, tham nhũng, suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Ông Nồng cho rằng, chỉ riêng về số lượng thì lúc đầu thường nói là "một số ít", rồi "một số", "một bộ phận" và nay là "một bộ phận không nhỏ"… “Nếu không làm quyết liệt, không đẩy lùi được thì sẽ dẫn đến ‘một bộ phận lớn’ hay ‘đa số’ thì điều gì diễn ra sẽ khó lường”, ông nói.
Còn về tính chất - vẫn theo ông Nồng - đang tinh vi, phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, thực sự trở thành "nguy cơ lớn" liên quan đến sự tồn vong của chế độ. Từ đó, ông đi đến kết luận, nếu Đảng để mất lòng tin của dân thì không thể là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như dự thảo quy định. Do đó, ông mong muốn lần sửa Hiến pháp này cần phải có luật hóa sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Việt Hùng - nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng của trường băn khoăn, khi Đảng lãnh đạo đúng đắn và thành công thì không sao nhưng khi có khuyết điểm thì phải giải quyết trách nhiệm đó ra sao? “Đảng không chỉ xin lỗi dân là xong. Mà điều này cần có quy định mang tính hiến định để trách nhiệm đó được minh bạch”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Việt Hùng: Đảng không chỉ xin lỗi dân là xong. |
Do vậy, ông đề nghị sửa đổi Hiến pháp lần này cần thêm một nội dung nữa quy định trong điều 4: “Các tổ chức của Đảng, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam khi vi phạm pháp luật phải bị xét xử theo quy định của pháp luật”.
Công khai trách nhiệm
Viện dẫn điều 4 trong dự thảo sửa đổi có một nội dung mới “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân” rất đúng và cần thiết nhưng nhà giáo ưu tú Hồ Thanh Khôi - nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng cho rằng, quy định như thế là chưa đủ, chưa rõ.
Do đó, ông Khôi đề nghị thêm nội dung “quyền được phản biện” của nhân dân đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, “Đảng chịu sự giám sát và phản biện của nhân dân”.
“Có sự giám sát và phản biện, hoạt động lãnh đạo của Đảng sẽ công khai, minh bạch, phát huy được quyền làm chủ của dân, sẽ tránh được những hạn chế, khuyết điểm của cá nhân hay nhóm lợi ích không chính đáng”, ông Khôi nói.
Nhưng giám sát và phản biện như thế nào, theo cơ chế nào, với nội dung và hình thức nào? Giám sát trực tiếp, gián tiếp hay qua một tổ chức trung gian là Mặt trận Tổ quốc? Đó là điều băn khoăn mà ông đề nghị làm rõ.
Theo ông Khôi, để quyền giám sát và phản biện của nhân dân đối với những quyết định của Đảng được cụ thể và được luật pháp bảo vệ thì phải có một luật về sự lãnh đạo của Đảng.
“Luật sẽ làm rõ trách nhiệm của Đảng tới đâu đối với một quyết định, quyết định đúng hay sai, phục vụ nhân dân hay phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Trách nhiệm đó phải được công khai”, ông Khôi nhấn mạnh.
Ông Khôi cũng đồng tình, Đảng phải có chịu trách nhiệm bằng những điều luật riêng chứ không chỉ xin lỗi với dân là xong.
“Nếu quyết định có vấn đề, thậm chí sai, thì trách nhiệm của Đảng tới đâu? Xử lý giải quyết ra sao? Hay chỉ là lời xin lỗi với nhân dân là xong. Đây là một lý do nữa cho thấy rất cần có một luật về sự lãnh đạo của Đảng”, ông nói.
Theo VNN