Câu chuyện kinh hoàng của những người bị chôn sống

Thứ ba, 12/03/2013, 10:04
Những ai đã từng xem phim “chôn sống” (tên tiếng anh Buried) do tài tử Ryan Reynolds thủ vai thì có thể tưởng tượng ra nỗi khiếp sợ và tuyệt vọng khi nằm trong quan tài được chôn sâu dưới lòng đất mà không thể cầu cứu bất cứ ai.

Sau đây sẽ là một vài câu chuyện về chuyện chôn sống được tổng hợp từ một cuốn sách có tựa đề “Hãy cho tôi ra khỏi đây, tôi vẫn còn sống” mới được xuất bản gần đây. Đây là một câu chuyện có thật xảy ra ở Ấn Độ.

Mary Best mới 17 tuổi khi cô nhiễm dịch tả. Kể từ khi người mẹ nuôi rời đi vài tháng trước đó, Mary phải chịu đau đớn từ những cơn co thắt dạ dày và bệnh tật, các cơ của cô trở nên yếu dần và cuối cùng, bác sĩ kết luận rằng cô đã chết.

Cô được chôn cất tại hầm mộ của gia đình trong nghĩa trang ở Calcutta. Vào năm 1871, những nạn nhân dịch tả được chôn rất sớm sau khi chết để ngăn chặn sự lây truyền mầm bệnh. Trong cái nóng nhiệt đới của Ấn Độ thì việc chôn cất sớm lại càng cần thiết. Không ai nghi ngờ việc Mary được an táng sớm.

Nhưng mười năm sau đó, khi hầm mộ được mở ra để chôn cất người chú mới chết của Mary, người ta mới sững sờ trước một cảnh tượng kinh hoàng.

Ảnh minh họa

Nắp quan tài của Mary, vốn đã được đóng đinh xuống thì rơi xuống trên sàn nhà. Bộ xương của cô một nửa bên trong, một nửa bên ngoài quan tài, và phía bên phải hộp sọ của cô có một vết đứt gãy lớn . Các ngón tay của bàn tay phải bị uốn cong như thể níu chặt một cái gì đó, có lẽ cổ họng, và quần áo của cô bị rách.

Có vẻ như Mary đã không chết mà chỉ vô thức khi cô được cho vào quan tài. Bệnh tả làm người bệnh thường xuyên rơi vào tình trạng hôn mê và Mary đã ở trong tình trạng này khi cô được chôn. Vài giờ hoặc vài ngày sau cô thức dậy mà không biết mình đang ở đâu.

Người ta không thể tưởng tượng được nỗi khiếp sợ mà cô phải chịu, tiếng la hét vô ích khẩn thiết xin giúp đỡ. Sau đó, cô nhận ra là chẳng ai nghe thấy và rồi cô đã cố gắng hết sức để đẩy nắp quan tài. Mary kéo căng tất cả các cơ bắp, cuối cùng cô đã bật nó mở ra.

Người ta cho rằng sau khi bật được nắp quan tài, cô đã ngã về phía trước vì kiệt sức và đập đầu vào đá, tử vong tại chỗ.

Tuy nhiên, có nhiều khả năng cô mò mẫm trong bóng tối với nỗi khiếp sợ kinh hoàng, xé rách quần áo, tự bóp cổ và đập đầu cho đến chết.

Người ta tiết lộ rằng người bác sĩ tuyên bố cái chết của cô được hưởng lợi rất nhiều. Vì lòng tham ông ta đã từng hai lần cố giết người mẹ nuôi của cô và đó cũng là lý do bà rời khỏi Ấn Độ. Mary thậm chí đã chứng kiến hành động bẩn thỉu của ông ta.

Vào thời điểm ấy số phận của cô thật nghiệt ngã. Một câu chuyện nữa xảy ra tại Pháp vào năm 1887. Khi một người đàn ông trẻ được đưa xuống mộ thì những người mai táng nghe thấy tiếng gõ bên dưới nắp quan tài. Sợ sẽ gây ra sự hoảng loạn cho những người đứng xung quanh, họ tiếp tục chôn. Nhưng khi đất đang được ném xuống thì ai cũng nghe thấy tiếng gõ bên trong.

Thay vì tháo nắp, họ mời thị trưởng đến. Khi ông ta đến và mở quan tài thì người đàn ông bên trong đã chết vì ngạt thở.

Còn có những trường hợp khác tương tự như thế xảy ra khi đợi những vị có thẩm quyền đến giải quyết thì người trong quan tài đã chết vài phút trước đó.

Một trường hợp đau lòng khác xảy ra với một sản phụ tên là Lavrinia Merli sống gần Mantua ở Ý. Cô đã được xác định đã chết sau một thời gian không được điều trị chứng kinh giật trong thai kỳ. Cô được an táng vào tháng 7 năm 1890. Không rõ lý do tại sao hai ngày sau đó nắp quan tài mở ra, người ta phát hiện ra cô và một đứa trẻ mới sinh. Có lẽ sau khi được chôn, cô đã có ý thức trở lại và trở dạ sinh ra đứa bé đó. Cả hai đều đã chết.

Đây là những câu chuyện xảy ra vào thế kỷ trước khi mà y học chưa có những biện pháp xác định cái chết một cách chính xác. Ngày nay khi y học tiến bộ hơn có lẽ những trường hợp thế này sẽ ít xảy ra hơn. Dù sao thì đây cũng là những câu chuyện “rợn người” được trích từ cuốn sách “Hãy cho tôi ra khỏi đây, tôi vẫn còn sống”.

Theo VNN

Các tin cũ hơn