Người dân cầm giấy đi đòi nợ tại Trung tâm nhân đạo tư thục Minh Tâm. Ảnh: Minh Đức |
Học xong trắng tay
Vụ bà Vũ Thị Xiêm - Giám đốc Trung tâm tư thục nhân đạo Minh Tâm (Trung tâm Minh Tâm) mượn danh nhân đạo, vay nợ hàng chục tỷ đồng của người dân nhiều năm không trả chưa lắng xuống, thì mới đây, nhiều người dân tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) từng là học viên tại trung tâm này, lên tiếng về việc bị dụ dỗ đi học hưởng chế độ, nhưng không được trả tiền.
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Ngà (46 tuổi, thôn Phú Nghĩa, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất), người tham gia khóa học mây tre đan do Trung tâm nhân đạo Minh Tâm tổ chức trong ba tháng (từ tháng 3 đến tháng 7/2012), khi đi khai giảng lớp học tại trụ sở của Trung tâm Minh Tâm tại xã Dị Nậu, bà cùng nhiều học viên khác nghe bà Vũ Thị Xiêm thông báo, học nghề không mất phí.
Ngoài ra, những người thuộc diện hộ nghèo còn được hưởng 15.000 đồng/người/ngày theo "chế độ". Tuy nhiên, cho tới nay, kết thúc khóa học đã lâu, ngoài số tiền 30.000 đồng được hưởng khi đi khai giảng, bà Ngà không nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào khác.
Tương tự, bà Cấn Thị Hoa, 52 tuổi (thôn Phú Nghĩa, xã Phú Kim) thuộc diện hộ nghèo, tham gia khóa học mây tre đan vào tháng 3/2012, do Trung tâm Minh Tâm tổ chức, cũng không nhận được khoản tiền hỗ trợ 15.000 đồng/ngày.
Bà Hoa bức xúc nói: "Tôi nhiều lần thắc mắc về số tiền này, nhưng một năm qua vẫn chẳng thấy đâu. Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, bản thân tôi lại bệnh tật. Ban đầu nghe giới thiệu về khóa học, tôi nghĩ nếu có việc làm để kiếm thêm thu nhập thì tốt. Nhưng đi học ba tháng, chỗ học tử tế không có, phải ngồi ở gốc cây đình làng. Kết thúc khóa học cũng chẳng thấy bế giảng, trung tâm không liên hệ lại xem học viên thế nào".
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Môn, 53 tuổi (thôn Phú Nghĩa, Phú Kim, Thạch Thất), lớp trưởng của lớp mây tre đan khai giảng tháng 3/2012 tại Trung tâm Minh Tâm xác nhận, không chỉ bà Ngà, bà Hoa, mà toàn bộ số học viên 30 người đều không nhận được khoản tiền trợ cấp 15.000 đồng/người/ngày.
Chính tôi là người vận động bà con đi học, đến bây giờ, không nhận được khoản tiền đó, ai cũng tới hỏi mà tôi không biết trả lời thế nào.
Có lần gặp được bà Xiêm, Giám đốc trung tâm, bà hứa sẽ chi trả sau khi Trung tâm Minh Tâm nhận được các khoản từ trên "rót" xuống, nhưng tới nay vẫn chưa thấy động thái gì, bà Môn cho biết.
Người dân vây trụ sở Trung tâm nhân đạo Minh Tâm đòi nợ. Ảnh: Minh Đức |
Thuê người, mở lớp, hút tài trợ?
Theo nhận định của một số người dân, khả năng nữ Giám đốc Trung tâm Minh Tâm thuê người, tổ chức khai giảng thật hoành tráng để thu hút tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Anh Đỗ Đăng Gia (42 tuổi, chủ xưởng mộc ở thôn 3, xã Canh Nậu, Thạch Thất) cho hay, do quen biết từ trước nên thỉnh thoảng vẫn cho bà Xiêm "mượn" thợ làm việc tại xưởng về làm học viên tại trung tâm.
Ông Gia cho hay, mỗi năm khoảng hai, ba lần, bà Xiêm điện thoại hỏi cho mượn thợ. Tôi bảo các cháu ra chỗ trung tâm ở xã Dị Nậu. Các cháu ở đó một ngày, làm gì tôi không rõ, nhưng khi về thì được trả cho khoảng 100.000 đồng.
Bà Bùi Thị Phương, xã Phú Kim, Chủ tịch hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Thạch Thất, cho biết, từng được bà Xiêm nhờ đi tìm người tới dự khai giảng tại Trung tâm Minh Tâm.
Khoảng tháng 8/2011, bà Xiêm nhờ tôi gọi 100 người đến để nộp hồ sơ, dự khai giảng các lớp học, mỗi người được hưởng chế độ đi khai giảng là 50.000 đồng/người. Tôi chỉ huy động được 86 người, nhưng sau đó chỉ có 30 người được học, 56 người chỉ đi khai giảng mà không được học - bà Phương cho hay.
Cũng theo bà Phương: "Khi đó, bà Xiêm còn hỏi vay tôi 10 triệu đồng để chi trả các khoản phí khi gọi gần 100 người này đi khai giảng. Đợt đó, Trung tâm Minh Tâm tổ chức khai giảng điểm, mời các cơ quan, tổ chức tài trợ tới dự nên tổ chức hoành tráng nhưng thực tế, số người được học nghề tại trung tâm này rất ít. Các lớp được học thực tế này cũng chỉ có khai giảng chứ không bế giảng".
Bất thường
Theo bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thạch Thất, người từng sát cánh cùng bà Xiêm từ những ngày đầu thành lập Trung tâm khuyết tật nhân đạo Minh Tâm (năm 2006), cũng cho rằng, Trung tâm này có dấu hiệu bất thường.
Là người khuyết tật nên thời gian đầu, khi thấy bà Xiêm có ý định thành lập trung tâm nhân đạo, bà Sen giúp đỡ tận tình. Nhưng chỉ sau 2 tháng làm việc, tận mắt chứng kiến và phải làm theo những chỉ đạo gian dối của bà Xiêm, bà Sen đã không tiếp tục làm việc tại trung tâm này nữa.
Bà Sen cho hay: "khi mới thành lập, trung tâm chỉ có duy nhất một giáo viên, nhưng khi cán bộ huyện xuống kiểm tra, để đúng với "chuẩn" của một trung tâm dạy nghề nhân đạo theo quy định, bà Xiêm đều dặn tôi phải khai có ba giáo viên. Sau đó, có hai người khuyết tật ở Thanh Hóa và Nghệ An ra xin học nghề, bà Xiêm cũng yêu cầu tôi ghi 2 người này là giáo viên luôn. Tôi thắc mắc thi bà Xiêm nói cứ yên tâm".
"Mặc dù hiện không làm việc tại đó nữa nhưng với tư cách là Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thạch Thất, tôi thấy Trung tâm này không khả thi, chẳng qua chỉ lợi dụng người khuyết tật để huy động tiền của người dân, mưu cầu lợi ích cá nhân. Tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ bản chất của trung tâm này, đem lại công bằng cho người khuyết tật", bà Sen nói.
Theo Tienphong