Phát hiện dấu tích nghi là thành cổ thời Lê

Thứ tư, 20/03/2013, 09:45
Đoàn khảo sát khai quật khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phát hiện dấu tích đầu tiên, nghi là di tích thành cổ thời Lê tại Điện Biên. 

Từ ngày 25/12/2012 đến 16/3/2013, đoàn khảo sát khai quật khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã tìm kiếm di tích thành Sam Mứn (hay thành Tam Vạn) tại xã Sam Mứn, huyện Điện Biên.

Địa điểm khảo sát là khu vườn của gia đình ông Lò Văn Thanh, bản Pom Lót, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên. Dưới lớp đất mỏng, có những lớp gạch, đá xếp chồng. Tuy quy mô khai quật chưa lớn, nhưng những bức tường gạch, đoạn tường bắt góc đã lộ rõ.

thanh co

 Những dấu tích đầu tiên nghi ngờ là di tích thành cổ này đã đem lại những hy vọng rất lớn cho việc tìm ra di tích thành Tam Vạn ở Điện Biên. Ảnh: An ninh thủ đô.

Ông Lê Văn Chiến, cán bộ phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chủ trì thăm dò, khai quật cho biết, hiện tại vẫn chưa thể khẳng định đây có phải là một trong những dấu tích của công trình di tích thành Sam Mứn hay không. Song căn cứ dấu tích gạch, đá thu được thì có thể phỏng đoán dấu tích này có từ thời Lê.

Theo gia đình ông Lò Văn Thanh, trên diện tích đang khai quật này trước kia là một cồn đất có diện tích khá lớn và nổi cao gần một mét so với nền sân. Gần 20 năm về trước, gia đình thấy có nhiều gạch nằm lẫn bên trong cồn đất nên đã đào để lấy gạch xây, lát phần sân trước nhà. Trong quá trình đó, họ cũng đào được một số lọ to bằng cổ tay (có họa tiết, hoa văn trang trí rất đẹp), song không biết chất liệu gì và không biết sử dụng làm gì nên đã bỏ đi.

Đến ngày 16/3, đoàn khảo sát khai quật khảo cổ đã đào sâu khu vực khai quật xuống gần một mét. Ước tính, hàng chục khối đất đã được nhân công đưa ra khỏi vùng khai quật. Kết quả của quá trình thăm dò sẽ được đoàn cố gắng báo cáo trước ngày 20/5.

Thành Tam Vạn hay còn gọi là thành Sam Mứn là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa, dinh lũy kiên cường của Tây Bắc trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, chống giặc ngoại xâm. Theo Hưng Hóa kỷ lược, tương truyền trong thành có khoảng ba vạn dân, ba vạn cối giã gạo bằng sức nước. Rải rác phía ngoài thành là bản làng của người Lự, người Thái, xa hơn nữa là các bản người Mảng, Cống, Kháng, Hà Nhì...

Theo ANTD

Các tin cũ hơn