Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện là chủ đề nóng của dân số Việt Nam. Theo kết quả sơ bộ Điều tra biến động Dân số-Kế hoạch hóa gia đình 1/4/2012 của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 112,3. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra ở cả thành thị và nông thôn.
Năm 2011, trừ 2 vùng là Tây Nguyên và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, bốn vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng GTKS, đặc biệt Đồng bằng sông Hồng có tỷ số này rất cao với 122,4. Những tỉnh, thành phố thuộc vùng này cũng có tỷ số GTKS cao nhất nước như: Bắc Ninh (125,5), Hải Dương (121,3), Nam Định (120,1), Bắc Giang (119,7).
Cần đại sứ cho Đề án giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính |
Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ, năm 2011 có 46/63 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS từ mức 108 trở lên, đặc biệt trong đó có 18 tỉnh từ mức 115 trở lên. Đáng lưu ý là, ngay cả tại những vùng không có mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tại khu vực thành thị, tỷ số giới tính khi sinh cao hơn so với vùng nông thôn.
Nếu không có những giải pháp can thiệp kịp thời, Việt Nam có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng thừa khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới trong khoảng 15 năm tới. Dễ thấy hậu quả là phụ nữ sẽ phải kết hôn sớm hơn, ly hôn, tái hôn sẽ tăng. Họ cũng dễ trở thành nạn nhân của tệ buôn bán phụ nữ, mại dâm, bạo lực gia đình, để lại những hậu quả nặng nề.
Hơn nữa, theo các chuyên gia dân số, với Việt Nam, đàn ông Việt ế vợ, việc “nhập khẩu” cô dâu không hề dễ dàng bởi các thống kê nhân khẩu học cho thấy 20 năm nữa các nước xung quanh Việt Nam như: Lào, Campuchia, Philippines... không dư phụ nữ để Việt Nam “nhập khẩu” về làm cô dâu. May lắm thì đàn ông Việt thời điểm đó có thể sang Algeri, Angola, Mozambique, Uganda… hay các nước châu Phi khác mới hy vọng tìm được bạn đời.
Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với số lượng các nam giới độc thân ngày càng gia tăng do chính sách một con. Tới năm 2030, ước tính hơn 25% đàn ông Trung Quốc trong độ tuổi dưới 30 sẽ ế vợ. Vấn đề có thể còn nghiêm trọng hơn tại các vùng nông thôn Trung Quốc, vì nam giới tại các địa phương này nghèo và không có học thức, có nguy cơ thất bại lớn trong việc tìm kiếm cô dâu cho mình.
Còn ở Hàn Quốc số lượng đàn ông độc thân cũng ngày một tăng lên cao. Hằng năm, Hàn Quốc, Trung Quốc phải “nhập khẩu” cô dâu mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu lập gia đình của nam giới đến tuổi trưởng thành.
Vì vậy, từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiền tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh là việc làm đòi hỏi ngành y tế phải giải quyết ngay. Đó phải được coi là mục tiêu quốc gia.
Hiện nay, các tổ chức, các chương trình đều có những gương mặt đại sứ thiện là những gương mặt nổi tiếng, người của công chúng như Quỹ nhịp tim Việt Nam, chiến dịch phòng chống HIV/AIDS, Chiến dịch Giờ Trái Đất, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục xúc tiến thương mại Bộ Văn hóa Thể thao và Du lich... Và hình ảnh của các đại sứ thiện chí này đã thu hút và mang lại những hiệu quả rõ rệt cho chương trình.
Do vậy, Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020, trong đó có đề án nhỏ hỗ trợ kinh tế gia đình sinh con gái một bề, một chương trình quan trọng, mang tầm cỡ quốc gia như vậy cũng cần phải có đại sứ thiện chí. Một gương mặt nổi tiếng làm đại diện hình ảnh.
Có đại sứ sinh con gái một bề, vấn đề mất cân bằng giới tính sẽ thu hút sự quan tâm của mọi người, của truyền thông hơn. Đại sứ sinh con một bề sẽ tham gia các chương trình tuyên tuyền vận động kêu gọi để người dân nâng cao nhận thức.
Từ đó, người dân thấy rõ những nguyên nhân, hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính để khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định cân bằng giới tính. Hình ảnh của đại sứ sinh con một bề còn ảnh hưởng hơn là những cán bộ phụ nữ trong xã trong thôn.
Do vậy, để chương trình có hiệu quả, Tổng cục Dân số-KHHGĐ nên gấp rút tuyển chọn những gương mặt làm đại diện cho mục tiêu quan trọng này.
Theo Phunutoday