Tại hội nghị giao ban giữa lãnh đạo Hà Nội với các sở ngành, quận huyện tuần qua về công tác cải cách hành chính và mổ xẻ chuyện Hà Nội tụt 15 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh có một chuyện kể kỳ cục.
Ông Nghị kể: Kỷ niệm Quốc khánh và là năm chẵn về mối quan hệ với nước bạn Lào, thủ đô Vientiane gửi cho tôi một bức thư. Mình cũng phải gửi thư lại cảm ơn, nhưng việc chuẩn bị thư cảm ơn đến tay tôi chỉ kém một ngày nữa là tròn một tháng. Việc tham mưu không chủ động cảm ơn người ta trước đã là lỗi, mà chỉ mỗi lá thư thôi nhưng Sở Ngoại vụ làm chậm 8 ngày, sang Văn phòng UBND TP làm chậm thêm 22 ngày, thế thì còn cảm ơn gì nữa?!
“Thế thì còn cảm ơn gì nữa?!” - câu cảm thán của lãnh đạo Thành ủy nghe đầy chán nản về sự ì ạch của bộ máy. Mà sự ì ạch này có nhân tố trung tâm chính là những cán bộ công chức - ngày ngày ăn lương nhưng cả tháng mới làm xong được việc là… thảo thư cảm ơn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Phạm Hải |
Mạnh dạn làm cách mạng
Những yếu kém, nhược điểm kia các cấp lãnh đạo đều nhìn thấy rất rõ như Bí thư Phạm Quang Nghị nêu sự việc một lá thư cảm ơn, thay vì có thể chỉ trong 1 giờ, lâu hơn là 1 ngày, nhưng nếu tới 1 tháng thì không thể chấp nhận được. Đó là điển hình của một sự yếu kém về ý thức và năng lực của bộ máy công chức.
Đó là chưa kể những điều tiếng khác ở các sở, ngành của Hà Nội cũng được nêu trong hội nghị này đã làm ảnh hưởng tới uy tín và sự phát triển của Thủ đô khi mà vừa qua chỉ số về năng lực cạnh tranh (PCI) của Hà Nội tụt tới 15 bậc khiến cho lãnh đạo thành phố phải thở vắn than dài.
Tuy nhiên, người ta cũng không thấy lãnh đạo Hà Nội đưa ra biện pháp xử lý ra sao đối với những đơn vị, cá nhân làm ăn thiếu trách nhiệm để ảnh hưởng đến uy tín của ngành, của địa phương mình như vậy.
Chuyện về lá thư cảm ơn chậm tới 29 ngày lại “rơi” đúng vào trường hợp của Bí thư Thành ủy, người ta chỉ thấy ông phàn nàn thế thôi nhưng không thấy ông tỏ thái đội xử lý như thế nào như cách xử lý của ông Nguyễn Bá Thanh rốt ráo với những vụ việc tồn tại của Đà Nẵng.
Chỉ than thở, kể tội rồi rút kinh nghiệm cũng chưa đủ, thiết nghĩ không chỉ Hà Nội mà ở các địa phương, bộ ngành khác nên mạnh dạn làm một cuộc cách mạng về bộ máy công quyền để không còn những chuyện kỳ cục như vậy.
Con người là nhân tố quyết định cho mọi sự thành bại và phát triển nên yếu tố này cần được coi trọng nếu không muốn muốn “tụt hạng’, nếu không muốn chảy máu chất xám, nếu không muốn họ “dứt áo ra đi”.
Căn bệnh ì ạch này không chỉ xảy ra ở những nơi như ông Nghị nói mà nó xảy ra ở rất nhiều đơn vị, cơ quan của bộ máy nhà nước. Tuy Bí thư Hà Nội không nói nguyên nhân do đâu nhưng chúng ta đã nghe quá nhiều những tổng kết về căn bệnh chậm chạp ì ạch đó.
Ì ạch
Bộ máy hành chính vận hành giống như các cơ quan trong một cơ thể. Các “cơ quan đoàn thể” cơ thể không khỏe mạnh, mệt mỏi đau yếu, trí tuệ sa sút thiếu minh mẫn sẽ khiến cơ thể vận động chậm chạp; khiến “trên bảo dưới không nghe” và đương nhiên không thể đạt kết quả như ý muốn.
Một bộ máy cồng kềnh nên chức năng nhiệm vụ chồng chéo; chỉ một việc nhỏ (như thảo thư cảm ơn) nhưng không ai chịu trách nhiệm, ai cũng nghĩ không phải việc của mình (vì việc quá nhỏ không đáng quan tâm) nên đùn đẩy nhau?
Căn bệnh “sáng cắp ô đi tối cắp về” - không khác hành động của một con robot đã được lập trình sẵn nhiều lần được chỉ ra. Chỉ làm công ăn lương với những việc đơn giản, lặp đi lặp lại, bó gọn trong giờ hành chính nên hiệu quả được đến đâu thì được. Vì đồng lương ba cọc ba đồng nên không việc gì phải làm hết mình, chân ngoài dài hơn chân trong.
Năng lực chuyên môn yếu, máy móc, thụ động. Đây là kết quả của một bộ máy hành chính, bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu quả với khoảng 30% là đối tượng “ngồi chơi xơi nước”, do hệ quả của chạy chọt…
Đó chính là những hệ quả của một cơ chế chưa thực sự đổi mới, khuyến khích sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh, mà trong đó con người là nhân tố trung tâm của mọi sự đổi mới.
Theo VNN