Bình Nhưỡng hôm qua thông báo cho sứ quán các nước rằng chính quyền Triều Tiên không thể đảm bảo cho an toàn của họ nếu xung đột xảy ra. Tuy nhiên, hầu hết chính phủ các nước đều tuyên bố họ hiện chưa có kế hoạch rút nhân viên khỏi đây. Một số nước còn cho rằng khuyến cáo trên chỉ là một chiêu đổ thêm dầu vào không khí lo ngại của toàn thế giới về cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
"An ninh của sứ quán Đức và mức độ nguy hiểm vẫn đang tiếp tục được đánh giá", AFP dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức. "Hiện nay, sứ quán vẫn có thể tiếp tục làm việc".
Sứ quán và các tổ chức nước ngoài vẫn ở lại Bình Nhưỡng bất chấp căng thẳng
trên bán đảo Triều Tiên
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh thì cho hay các sứ quán và tổ chức được yêu cầu trước ngày 10/4 phải thông báo cho Bình Nhưỡng những gì họ cần hỗ trợ nếu muốn di tản.
"Theo cách hiểu của chúng tôi thì Triều Tiên đang hỏi liệu các sứ quán có ý định sơ tán không hơn là khuyến cáo họ rời đi", ông nói. "Chúng tôi tin bước đi này của họ chỉ là một cách để họ chứng minh rằng Mỹ đang đe dọa mình".
Liên Hợp Quốc cũng cho biết không có kế hoạch rút nhân viên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay Moscow đang tham vấn với Trung Quốc, Mỹ và các thành viên khác của vòng đám phán 6 bên về cảnh báo trên.
Các quan chức của phái đoàn Liên minh châu Âu ở Bình Nhưỡng sẽ nhóm họp hôm nay, nhưng Anh cho hay đây chỉ là một cuộc họp định kỳ và dự kiến không đưa ra quyết định nào quan trọng.
Tại Hàn Quốc, một quan chức chính phủ khuyên các nhà ngoại giao nên bỏ qua yêu cầu sơ tán của Triều Tiên. "Hầu hết các chính phủ nước ngoài xem thông điệp của Triều Tiên là một cách đẩy cao căng thẳng trên bán đảo mà thôi", quan chức này nói.
Trong khi đó, các du khách phương Tây đang quay về từ các tour du lịch Bình Nhưỡng mô tả tình hình tại đây dường như vẫn yên ắng, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường.
"Chúng tôi rất vui vì đã quay về nhưng chúng tôi không cảm thấy sợ hãi gì khi ở đó cả", Tina Krabbe, người Đan Mạch, có mặt ở Bắc Kinh sau 5 ngày ở Triều Tiên nói.
Cảnh báo đưa ra hôm qua trùng với thời điểm có những thông tin cho biết, Triều Tiên đã chuyển hai tên lửa tầm trung lên bệ phóng di động và giấu chúng trong các căn cứ dưới lòng đất gần bờ biển phía đông. Giới chức Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên dường như có ý định phóng tên lửa không cảnh báo trước.
Các tên lửa trên được cho là Musudan, có phạm vi hoạt động khoảng 3.000 km, và theo lý thuyết thì có thể được đẩy lên 4.000 km với một trọng tải nhẹ. Chúng có thể bao phủ bất kỳ mục tiêu nào ở Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí có thể vươn đến các căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam.
Theo VNE