Leo thang căng thẳng Triều Tiên… cứ hỏi Trung Quốc

Thứ sáu, 05/04/2013, 10:21
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã lên đến đỉnh điểm, nhưng mọi con mắt lại đổ dồn về phía Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh tiếp tục di chuyển xe tăng, xe bọc thép và tiến hành các chuyến bay quân sự gần biên giới với Triều Tiên trong tuần này là một phần của hoạt động tập trung binh lực ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc.

Quá trình tập trung binh lực này có liên quan đến việc Triều Tiên thông báo ngày 30/3 rằng nước này đang bước vào “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc

Quân  Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tập trung quân và xe tăng ở  Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang và thành phố biên giới Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.

tàu sân bay Liêu Ninh

 Tàu sân bay Liêu Ninh.

Các quan chức cho biết một đơn vị quân đội quan trọng liên quan đến đợt tập trung binh lực này là Lữ đoàn bộ binh cơ giới 190 có căn cứ tại Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh. Lữ đoàn này được cho là đơn vị chiến đấu tiền tuyến, đối phó với bất kỳ cuộc xung đột nào ở khu vực hay ngăn chặn dòng người tị nạn. Quân lính và xe tăng cũng được tập trung ở Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh.

Có tin nói máy bay chiến đấu đã tăng cường các chuyến bay ở các tỉnh Hà Bắc, Liêu Ninh, và Cát Lâm. Một chiếc Su-27 của Trung Quốc đã bị rơi trong ngày 31/3 ở Rongcheng, một thành phố đối diện với bán đảo Triều Tiên, qua vùng biển Hoàng Hải. Vụ tai nạn máy bay này có liên quan đến việc Trung Quốc tập trung binh lực sát biên giới Triều Tiên.

Một quan chức cho biết việc Trung Quốc tập trung binh lực nhằm hai mục tiêu. Một là để tăng cường an ninh biên giới trong trường hợp xảy ra xung đột, khiến cho dòng người tị nạn chạy từ Triều Tiên vào Trung Quốc. Thứ hai là động thái này phát đi tín hiệu đến Bình Nhưỡng rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ các cam kết quốc phòng với Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột.

Trung Quốc hiện đang có một hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên. Lần gần đây nhất quân đội Trung Quốc bảo vệ Triều Tiên là trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Tuy nhiên, phát ngôn viên quân sự và dân sự của Trung Quốc đã không đề cập đến sự tập trung binh lực nói trên và chỉ kêu gọi bình tĩnh.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun đã mô tả tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là “cực kỳ phức tạp và nhạy cảm” và kêu gọi tất cả các bên hữu quan tìm cách giảm căng thẳng, duy trì hòa bình.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi ngày 2/4 nói với các phóng viên rằng Trung Quốc “lấy làm tiếc” về việc Bình Nhưỡng thông báo sẽ khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân 5 MW.

Khi được hỏi liệu cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc có làm cho tình hình thêm căng thẳng, Hồng Lỗi cho biết: “Chúng tôi tin rằng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào. Các bên liên quan đều quan tâm và có trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và Đông Bắc Á nói chung.

Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ hành động vì lợi ích tổng thể, giữ bình tĩnh, thể hiện sự kiềm chế, nối lại đối thoại và đàm phán, cải thiện quan hệ, thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và duy trì hòa bình lâu dài và ổn định ở Đông Bắc Á”.

Trong khi đó, chính quyền Obama lại tìm cách giảm nhẹ việc tập trung binh lực của Trung Quốc dọc theo biên giới với Triều Tiên, mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng động thái này có liên quan đến cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Các quan chức Mỹ cũng cho biết đã có dấu hiệu chuyển động gia tăng bên trong lãnh thổ  Triều Tiên, đặc biệt là việc di chuyển các hệ thống tên lửa cơ động.

Khi được hỏi về khả năng Triều Tiên lại phóng tên lửa, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc George Little nói: “Chúng ta không thể loại trừ khả năng này. Rõ ràng, họ (Triều Tiên) có thể tiến hành một số vụ thử hoặc tiến hành một số hành động khiêu khích.

Chúng tôi hy vọng điều đó không xảy ra, nhưng lịch sử lại cho thấy điều này là có thể. Vì vậy, chúng tôi cần phải sẵn sàng đối phó và đó là mục tiêu của chúng tôi”.

Ông Little cho biết hai tàu khu trục mang tên lửa của Mỹ là USS Decatur và USS McCain đã được triển khai ở Tây Thái Bình Dương để đối phó với bất kỳ mối đe dọa tên lửa nào từ phía Triều Tiên. Trạm radar nổi phòng thủ tên lửa X-band  cũng có thể được di chuyển đến Hàn Quốc.

Khi được hỏi về sự tập trung binh lực của Trung Quốc, ông Little không phủ nhận tin tức về vụ việc này, nhưng yêu cầu  các phóng viên đến Trung Quốc mà hỏi. Ông nói: “Tôi đã thấy một số báo cáo, nhưng theo tôi, các vị nên hỏi quân đội hoặc chính phủ Trung Quốc”.

Theo Kiến Thức

Các tin cũ hơn