Sẽ không có chuyện Triều Tiên động binh trước?

Thứ sáu, 05/04/2013, 11:07
Hãy cùng Giáo sư Kinh doanh và Quan hệ quốc tế David Kang của Đại học Nam California kiểm tra xem giữa một rừng những lời dọa dẫm gần đây từ cả hai phía, đâu là sự thật?

Triều Tiên vừa thông báo nước này sẽ tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon cùng toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân. Ngay sau đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon lên tiếng cảnh báo Triều Tiên “đã đi quá xa”.

Hãy cùng Giáo sư Kinh doanh và Quan hệ quốc tế David Kang của Đại học Nam California kiểm tra xem giữa một rừng những lời dọa dẫm gần đây từ cả hai phía, đâu là sự thật?

Kim jong un 
 Quân nhân Triều Tiên mít tinh hôm 3/4. Ảnh: Reuters

Triều Tiên sẽ phải chi bao nhiêu để tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân?

Trung tâm hạt nhân Yongbyon về cơ bản đã xuống cấp và rơi vào cảnh hoang phế kể từ giữa những năm 2000, đó là một trong những lý do vì sao năm 2007 Triều Tiên lại đồng ý phá dỡ trung tâm này để đổi lấy viện trợ lương thực và năng lượng.

Thế nên nếu phía Triều Tiên muốn tái khởi động lò phàn ứng hạt nhân tức là họ phải bắt đầu tất cả mọi thứ từ đầu. Chi phí sẽ lên tới hàng tỷ đôla.

Hiện nay kinh tế Triều Tiên như thế nào? Kim ngạch thương mại với Trung Quốc và các nước khác tăng lên có tác động gì không?

Triều Tiên vẫn là một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung được điều hành vô cùng tồi tệ, cải cách kinh tế vẫn chẳng đáng là bao. Vì thế họ buộc phải ngó lơ cho thị trường chợ đen xuyên biên giới Trung – Triều hoạt động do hệ thống mậu dịch chính thức quá xơ cứng.

Dù vậy, kinh tế hiện nay có tốt hơn một chút so với đỉnh điểm của nạn đói 15 năm về trước. Nhiều chợ hợp pháp và bất hợp pháp đã mở cửa và mậu dịch dọc biên giới Trung Quốc khá phát triển.

Nhưng nền kinh tế vẫn rất phi hiệu quả và mới chỉ đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của người dân.

Kim Jong Un đang diễn kịch cho ai xem?

Kim Jong Un đang thu hút sự chú ý của hai đối tượng chính: Công luận quốc tế và người dân trong nước.

Trên bình diện quốc tế, Triều Tiên đang gửi thông điệp tới Mỹ và Hàn Quốc rằng “nếu anh động binh trước là tôi đánh lại đấy.”

Với người dân trong nước, Kim Jong Un đang cố thể hiện mình mới là người nắm quyền, chính quyền nước này sẽ không nao núng trước sức ép ngoại bang, và mọi thứ vẫn đang ổn cả.

Đó là lý do vì sao Kim Jong Un đi xem bóng rổ với Dennis Rodman và thăm công viên với cô vợ trẻ đẹp.

Triều Tiên có phải là một mối đe dọa không, và nếu có, thì vì sao?

Triều Tiên có thể hủy diệt Seoul ngay ngày mai nếu họ muốn, thế nên rõ ràng phải coi Triều Tiên là một nguy cơ. Nhưng 60 năm qua hai phe ngồi im vì cả hai đều ý thức được cái giá phải trả nếu chiến tranh bùng nổ: Seoul sẽ chìm trong biển lửa còn Triều Tiên sẽ biến mất.

Dù hai bên có khoa chân múa tay hăm dọa đủ điều suốt vài tháng qua, thì vẫn có hai điều quan trọng cần phải nhớ.

Thứ nhất, nếu các bạn đọc toàn văn các tuyên bố của Triều Tiên, họ lúc nào cũng viết là “Nếu Mỹ/ Hàn tấn công trước, chúng tôi sẽ tấn công lại,” (chứ không phải “Triều Tiên sẽ tấn công trước”, như báo chí vẫn hay diễn giải).

Thứ hai, công chúng tin tưởng vào cách diễn giải lệch lạc đó.

Đó là nguyên nhân vì sao sẽ không có chuyện Triều Tiên động binh trước.

Vì sao gần đây có nhiều tranh biếm họa về Triều Tiên trên mạng Internet đến thế?

Tôi nghĩ người ta lấy Triều Tiên ra làm trò cười đơn giản là vì ít ai ở ngoài quốc gia này hiểu Triều Tiên là nước như thế nào.

Chúng ta làm thế là rất sai lầm, dù sao Triều Tiên vẫn có tư cách một quốc gia và người dân của quốc gia này dù có thích lãnh tụ của mình hay không thì cũng tự hào về đất nước mà mình sinh ra và lớn lên.

Đó không phải là một quốc gia dễ dàng sụp đổ hay bị khuất phục, như những gì đã diễn ra suốt 60 năm qua.

Vì thế đùa vui thì cũng được thôi, nhưng một số trò đùa đã đi chệch hướng và chuyển thành giễu cợt người dân Triều Tiên. Họ đâu có quyền chọn sinh ra ở nước nào.

Theo TTVN

Các tin cũ hơn