Vì sao Hàn Quốc không sợ tên lửa Triều Tiên?

Thứ sáu, 05/04/2013, 21:11
Truyền thông Triều Tiên đã không ít lần đe dọa “nhấn chìm Seoul và Washington trong biển lửa”. Nhưng đến nay, cả Hàn Quốc và Mỹ dường như vẫn đang rất bình tĩnh bởi họ không chỉ biết đó chỉ là những lời dọa nạt suông và còn tin rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có đủ sức bắn hạ bất kỳ tên lửa nào của Bình Nhưỡng.

hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot

Hệ thống phòng thủ tên lửa PATRIOT.

Những ngày qua, trong khi dư luận quốc tế vẫn đang “mải mê” dự đoán và phân tích khả năng “tên lửa của Triều Tiên có đủ sức bắn đến Mỹ hay không?” thì nhiều người lại quên mất rằng chính các căn cứ quân sự mà Mỹ đặt ở Hàn Quốc và Nhật Bản mới là mục tiêu bị đe dọa lớn nhất.

Ít người nhắc đến các nguy cơ các nước láng giềng của Triều Tiên bị tấn công không phải vì họ không nghĩ đến khả năng đó mà bởi vì cả Mỹ và Hàn đều không thiếu biện pháp ngăn chặn, phòng thủ và thậm chí là tấn công trả đũa.

"Đến nay, Hoa Kỳ vẫn đang duy trì một mạng lưới lá chắn phòng thủ tên lửa rất mạnh ở Hàn Quốc và chúng tôi còn đang trong quá trình củng cố thêm năng lực của lá chắn này”, Trung tướng Cathy Wilkinson, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, "Bản thân Hàn Quốc cũng có một năng lực phòng thủ tên lửa rất mạnh. Tôi không thể tiết lộ thêm nhưng tôi có thể nói với quý vị rằng Mỹ và các đồng minh của mình ở Đông Bắc Á có đầy đủ khả năng bảo vệ mình trước bất kỳ sự khiêu chiến nào của Triều Tiên”.

hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot

Dù ông phát ngôn viên của Lầu Năm Góc vẫn úp mở nhưng giới chuyên gia quân sự quốc tế biết rằng hiện nay, hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất của Hàn Quốc và Nhật Bản chính là hệ thống radar theo dõi, cảnh báo sớm kết hợp cùng tên lửa đánh chặn (Phased Array Tracking Radar to Intercept on Target – viết tắt là PATRIOT) – hệ thống phòng thủ rất hiệu quả, có khả năng di động cao và có thể triển khai chỉ trong vòng chưa đến 1 giờ đồng hồ.

PATRIOT là hệ thống tên lửa được thiết kế vào những năm 1970 với nhiệm vụ ban đầu là để phòng không đơn thuần, sau đó nó đã được Mỹ cải tiến, nâng cấp rất nhiều để trở thành hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo.

Đi kèm với PATRIOT là hệ thống radar có khả năng “tóm được” những tên lửa của đối phương đang bay đến từ khoảng cách 60 dặm và làm nổ nó bằng một đầu đạn chứa thuốc nổ cực mạnh.

Hệ thống tên lửa phòng thủ PATRIOT đã được sử dụng khá rộng rãi và phát huy tác dụng rất tốt trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh để chống lại những tên lửa  SCUD của Iraq.

Một báo cáo của Hội đồng khoa học quốc phòng Mỹ đã viết về hiệu quả của hệ thống PATRIOT sử dụng trong chiến dịch tấn công vào Iraq và lật đổ Hussein hồi năm 2003 như sau:

“Toàn bộ 9 quả tên lửa đạn đạo của kẻ thù nhắm đến khu vực đang được PATRIOT bảo vệ đều đã bị “bắt dính”. 8 quả đã bị phá hủy hoàn toàn còn quả thứ 9 tuy không bị phá hủy nhưng vẫn có thể được coi là đánh chặn thành công. Không có bất kỳ một tên lửa đạn đạo nào trong vụ tấn công này gây ra tổn thất hay mất mát sinh mạng nào đối với lực lượng liên quân”.

hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot

Tàu khu trục USS John McCain được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis hiện đại nhất thế giới, đang cập cảng Hàn Quốc.

Bên cạnh hệ thống PATRIOT đã được triển khai từ trước, Hàn Quốc còn tự tin hơn rất nhiều khi biết rằng 2 tàu khu trục USS John McCain và USS Decatur đã có mặt tại bán đảo Triều Tiên, sẵn sàng ra tay trợ giúp. Đây là 2 tàu chiến của Mỹ, được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis thuộc hàng hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Theo công bố của giới quốc phòng Mỹ và Nhật Bản, hệ thống Aegis có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa của đối phương ngay khi các tên lửa này đang trong giai đoạn giữa của hành trình, lúc vẫn còn trong bầu khí quyển.

Chưa hết, các tên lửa của Triều Tiên sẽ còn phải chịu sự giám sát và sẵn sàng đánh chặn của một hệ thống phòng thủ tên lửa rất hiện đại nữa là Lá chắn tên lửa tầm cao (THAAD) mà Mỹ đang gấp rút triển khai trên căn cứ của họ ở đảo Guam thuộc Thái Bình Dương.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn