Vụ trúng số không được lãnh thưởng ở Kiên Giang khó nghiêng về chữ tình

Thứ bảy, 06/04/2013, 07:57
Nhiều người chỉ trích doanh nghiệp quá máy móc, song nếu nhìn dưới góc độ pháp luật thì rõ ràng có những “luật chơi” dẫu có muốn cũng không thể vượt qua.

Luật chơi hay cảm tính

Dư luận tại miền Tây đang xôn xao việc ông Dương Văn Tùng, ngụ ấp Bình Hòa 2- Mỹ Khánh- Long Xuyên- An Giang trúng giải an ủi đợt xổ số ngày 3/2/2013 của Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Kiên Giang (sau đây gọi tắt là XSKT Kiên Giang) nhưng không được lãnh giải vì tờ vé số bị rách đôi.

Trường hợp ông Tùng không phải cá biệt đối với XSKT Kiên Giang. Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiếu ngụ ấp Bình Hưng Hạ- Bình Ninh- Chợ Gạo- Tiền Giang cũng trúng giải thưởng tương tự của công ty này và cũng đành cất tờ vé số làm kỷ niệm vì mình vi phạm luật chơi. Đáng nói, tấm vé số của ông Hiếu chỉ rách rời một góc so với trường hợp đứt làm hai như của ông Tùng.

Với cả 2 trường hợp trên, dư luận đã chỉ trích XSKT Kiên Giang “quá máy móc trong việc trả thưởng”. Tuy nhiên, có một thực tế ai cũng phải thừa nhận, rằng, đã hàng chục năm nay giao dịch dân sự mua bán vé số giữa người bán và người mua được qui định theo một điều khoản cố định in mặt sau sản phẩm, điều khoản này do ngưới bán đưa ra và đã được người mua đồng ý khi bỏ tiền ra mua.

vé số trúng thưởng 
 Tấm vé số trúng thưởng đã rách rời làm hai mảnh.

Đó là sự đồng ý của hai bên về luật chơi: Vé trúng thưởng phải còn nguyên hình, nguyên số, không rách rời, chắp vá. Trong trường hợp của ông Tùng là đã rách rời (lúc biết tấm vé số đã trúng, ông Tùng cầm trên tay thì đứa cháu giật để xem, tờ vé số đứt lìa làm hai mảnh).

Với hành vi này, vô tình ông Tùng đã vi phạm luật chơi mà trước đó ông đã đồng ý, sự đồng ý này được khẳng định qua hành vi trả tiền khi ông Tùng mua tờ vé số. Luật chơi khi hai bên đã chấp nhận thì phải thượng tôn những điều khoản mình đã ký kết.

Về phía doanh nghiệp, ông Võ Văn Tuấn- Giám đốc XSKT Kiên Giang cũng giãi bày: “Chúng tôi là Công ty TNHH một thành viên, hoạt động bằng ngân sách nhà nước, chịu sự quản lý của nhà nước. Nếu chúng tôi tùy tiện trả thưởng theo cảm tính thì chúng tôi đã cố ý làm trái nguyên tắc, tất yếu hậu quả việc làm trái này chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Những trường hợp tương tự xảy ra tại các công ty khác mà được lãnh thưởng là do chiến lược kinh doanh của họ khác chúng tôi, cạnh tranh của họ cũng khác và đặc biệt là họ có một cơ chế quản lý khác chúng tôi”.

Ngày 31/3/2013 Hội Đồng Giám Sát Xổ Số Kiến Thiết Tỉnh Kiên Giang nhóm họp để quyết định việc trả thưởng hay không trả thưởng cho ông Tùng. Hội đồng gồm 8 thành viên: Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Công an, Chủ tịch UBMTTQ, Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó chánh Thanh tra, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục thuế và Giám đốc XSKT Kiên Giang.

Kết thúc buổi họp, 7/8 thành viên biểu quyết: Từ chối trả thưởng cho ông Tùng, thành viên còn lại kiến nghị xin ý kiến Bộ Tài chính. Quyết định của hội đồng từ chối trả thưởng cho ông Tùng dựa trên “luật chơi” và các văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh hiện hành.

Từ câu chữ ra... tòa án

Về vấn đề này, PV cũng đã phỏng vấn luật sư Trần Dũng Anh (Trần Dũng)- Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Kiên Giang.

Ông Trần Dũng Anh nhận định: Trò chơi xổ số kiến thiết của chúng ta hiện nay chưa có luật riêng để điều chỉnh. Điểm đặc thù của trò chơi này là một dịch vụ cá cược  do nhà nước quản lý. Văn bản dưới luật điều chỉnh dịch vụ này cũng chỉ có Nghị định 30/2007/NĐ-CP, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính 65/TT-BTC và sau đó bổ sung bằng Nghị định 78/2012/NĐ-CP.

Chưa có luật thì những văn bản này hiện nay được xem là luật. Mà pháp luật là một nguyên tắc xử sự chung, buộc tất cả tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm túc. Cán bộ, viên chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Đặc biệt, Công ty XSKT Kiêng Giang là thành phần kinh tế 100% vốn nhà nước. Cán bộ, viên chức càng phải thực hiện nghiêm qui tắc sử sự pháp luật.

XSKT Kiên Giang không thể tùy nghi vận dụng luật để giải quyết cho ông Tùng vì hoàn cảnh khó khăn. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Trong luật chơi  xổ số, không phân biệt người mua là giàu hay nghèo. Vậy căn cứ vào điểm 1, điểm 2 khoản 3.2 của Thông tư 65 thì không có cơ sở để giải quyết trả thưởng cho ông Tùng.

“Tôi khẳng định theo qui định của pháp luật thì XSKT Kiên Giang không thể vì tình mà trả thưởng cho ông Tùng được. Nếu trả thưởng thì XSKT Kiên Giang sẽ có hành vi làm trái nguyên tắc, mà nguyên tắc đó đã được Thông tư 65 công nhận. Hơn nữa, nguyên tắc đó chính người chơi đã đồng ý” – ông  Trần Dũng Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên,  vị luật sư này cũng cho rằng, cũng dễ hiểu khi dư luận lên tiếng kêu gọi chữ tình trong vụ việc này vì Thông tư 65 “có quá nhiều câu chữ không rõ ràng”, ví như không định nghĩa rõ thế nào là “trường hợp đặc biệt”, “trường hợp cần thiết”….

Được biết, hiện nay vụ việc chưa được giải quyết xong khi trong hội đồng xét duyệt có một thành viên yêu cầu xin ý kiến Bộ Tài chính. Riêng ông Tùng đang thu thập tư liệu, văn bản luật liên quan để khởi kiện XSKT Kiên Giang ra tòa. PV sẽ thông tin tiếp diễn biến vụ việc này.

MỤC II KHOẢN 3 THÔNG TƯ 65/2007/TT-BTC

3.2.1 Người tham gia dự thưởng xổ số có trách nhiệm bảo quản tờ vé số đã mua để tham gia dự thưởng xổ số

3.2.2 Vé lĩnh thưởng phải còn nguyên hình, nguyên khổ, không rách rời, không chấp vá, không tẩy xóa, không sữa chữa và còn trong thời hạn lĩnh thưởng theo qui định.

3.2.3 Trường hợp đặc biệt, nếu vé thưởng bị rách rời nhưng vẫn còn đủ căn cứ để xác định hình dạng ban đầu và tính xác thực của tờ vé; vé không thuộc đối tượng nghi ngờ gian lận; vị trí rách rời không ảnh hưởng đến các yếu tố để xác định trả thưởng, thì công ty xổ số kiến thiết có thể tổ chức thẩm tra, xác minh và xem xét, trả thưởng cho khách hàng.

Trường hợp cần thiết, công ty xổ số kiến thiết trưng cầu giám định của cơ quan công an trước khi trả  thưởng. Phí giám định (nếu có) do người sở hữu vé số chi trả.

Theo PLVN

Các tin cũ hơn