Theo đó, Trung Quốc sẽ mở rộng thăm dò dầu khí và bình thường hóa các hoạt động tuần tra trên Biển Đông.
Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh việc tăng cường quản lý tài nguyên trên biển, đặc biệt là đánh giá và xác định chiến lược tài nguyên dầu khí tại các khu vực như Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông).
Trung Quốc sẽ mở rộng thăm dò dầu khí tại các khu vực này, thực hiện khai thác kinh doanh dầu khí, đầu tư trang bị kỹ thuật thăm dò nước sâu và hoàn tất việc nghiên cứu các khu vực dầu khí trọng điểm trên biển.
Tàu tuần tra Trung Quốc lượn lờ trên biển Đông
“Quy hoạch” còn xác định sẽ “bình thường hóa” các hoạt động “tuần tra chấp pháp” đối với các vùng biển được “đặt dưới sự quản lý của Trung Quốc”. Bắc Kinh sẽ bảo vệ quyền lợi trên biển bằng nhiều hình thức, nghiên cứu sâu các đối sách, tăng cường khống chế thật sự đối với các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an toàn hàng hải và bảo vệ quyền lợi trên biển.
“Quy hoạch” nhấn mạnh việc tăng cường đảm bảo và giám sát hàng hải, phân bố tốt hơn nữa hệ thống quản lý giao thông tàu bè, hoàn thiện hệ thống cột nổi, xây dựng các cột nổi công cộng trên biển tại “quần đảo Tây Sa” (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của VN) và “Nam Sa” (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của VN).
Không chỉ thế, kế hoạch của Trung Quốc còn nhằm mở rộng việc tuần tra an toàn đường biển đến khu đặc quyền kinh tế và các vùng biển khác.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ thiết lập cơ cấu chỉ huy cứu nạn an toàn giao thông trên biển nhằm đến năm 2015, thời gian để lực lượng cứu hộ tuần tra từ thành phố Nam Hải (Biển Đông) có mặt tại một số khu vực, cụ thể là những nơi cách bờ 100 hải lý, sẽ không vượt quá 90 phút.
“Quy hoạch” còn đặc biệt chú trọng việc tăng cường các hoạt động tuần tra định kỳ trên biển, đầu tư tàu bè, máy bay và ra sức xây dựng các trạm bảo vệ, nâng cao khả năng giám sát và liên lạc thông tin.
Theo đó, các hoạt động bảo vệ quyền trên biển sẽ được “bình thường hóa” để đảm bảo việc khai thác ngư nghiệp tại các ngư trường “truyền thống” của Trung Quốc như biển Đông. Ngay cả việc tổ chức các tuyến du lịch đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng nằm trong bản “quy hoạch” này.
“Quy hoạch” cũng trắng trợn tuyên bố sẽ “hướng dư luận đi đúng đường” và ủng hộ các lợi ích biển của Trung Quốc.
Theo Tuoitre