20 năm lương chưa đủ sống

Thứ bảy, 13/04/2013, 07:16
Suốt 20 năm, vẫn tồn tại thực tế lương tối thiểu và mức sống tối thiểu luôn có sự chênh lệch quá xa. Và trong tương lai gần cũng rất khó gặp nhau. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo hôm qua (12/4).

Tại hội thảo về “Mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra đối với việc xác định lương tối thiểu và lương đủ sống cho người lao động” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 12/4, ông Lê Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết Việt Nam đang tồn tại mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức; mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp và mức lương tối thiểu ngành (đang thí điểm đối với ngành dệt may, cao su).

Chỉ bằng 65 - 70% mức sống tối thiểu

"Tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu cho NLĐ ở nước ta chưa bao giờ gặp nhau. Vẫn như hình với bóng. Cứ tình trạng này thì việc tiền lương tối thiểu đuổi kịp mức sống tối thiểu vào năm 2015 xem ra còn viển vông lắm".

TSĐặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn

Ông Thành nhìn nhận, tuy chính sách tiền lương tối thiểu đã từng bước được đổi mới phù hợp với kinh tế thị trường, song giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn có sự chênh lệch.

Mặc dù lương tối thiểu vùng đã điều chỉnh từ tháng 1/1/2013, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 62-69% nhu cầu tối thiểu của người lao động. Sự chênh lệch này đã tồn tại suốt 20 năm vẫn chưa tìm ra lời giải.

Để cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những thông tin xác thực về tiền lương, mức sống tối thiểu, Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) có cách tiếp cận từ khảo sát bữa ăn của người lao động  trong các loại hình doanh nghiệp.

TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cho biết kết quả khảo sát năm 2012 cho thấy để đảm bảo có đủ dinh dưỡng 2.300 kcal/ngày, người lao động (NLĐ) phải chi trả từ 750.000 - 900.000 đồng/tháng.

Cộng với nhu cầu lương thực thực phẩm và chi phí nuôi con, mức sống tối thiểu của NLĐ vào khoảng 2,4 - 3,7 triệu đồng/tháng.

Với cách tiếp cận này, phía Công đoàn cũng khẳng định, tiền lương tối thiểu khu vực sản xuất kinh doanh chỉ đáp ứng được 65 - 70% mức sống tối thiểu.

“Tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu cho NLĐ ở nước ta chưa bao giờ gặp nhau. Vẫn như hình với bóng. Cứ tình trạng này thì việc tiền lương tối thiểu đuổi kịp mức sống tối thiểu vào năm 2015 xem ra còn viễn vông lắm”, ông Điều bày tỏ.

“Loạn” cách tính

Điều đáng nói, theo ông Lê Xuân Thành là hiện nay chưa có tiêu chí xác định mức sống tối thiểu. Bộ LĐ-TB-XH đưa ra một mức, Tổng cục Thống kê đưa một mức, Công đoàn đưa ra một mức. Mỗi nơi một kiểu dẫn tới lương tối thiểu và mức sống tối thiểu luôn đuổi theo nhau.

“Bài toán đặt ra, căn cứ vào tiêu chí nào để quy định mức sống tối thiểu cho từng thời kỳ. Chúng ta chưa có các tiêu chí cụ thể để quy định mức sống tối thiểu. Do vậy, cần hướng tới tiêu chuẩn hóa. Trên cơ sở mức sống tối thiểu đặt ra mức lương tối thiểu phù hợp”, ông Thành nói.

Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Văn Thu Hà, đại diện Oxfam Việt Nam, chia sẻ: “Trên thế giới có một cách hiểu khá thống nhất: mức lương đủ sống là mức lương phải đảm bảo đủ để mua một giỏ hàng hóa lương thực thực phẩm cần thiết và một giỏ hàng hóa phi lương thực thực phẩm (cho mặc, ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đi lại, hỗ trợ bố mẹ già, quan hệ xã hội, một khoản tiết kiệm nhỏ…) cho NLĐ và cho gia đình họ, đủ để họ và gia đình họ có một cuộc sống tử tế.

Mức lương đó không đứng yên một chỗ mà phải vận động theo khả năng thương lượng tập thể của NLĐ với chủ sử dụng lao động, theo trượt giá sinh hoạt, theo mức sống dân cư và sự phát triển kinh tế. Mức lương đó phải hỗ trợ bằng các phúc lợi khác và các lợi ích an sinh xã hội”.

Liệu có cần thiết phải có nhiều mức tiền lương ở các khu vực khác nhau, trong khi mức sống là giống nhau? Đây là băn khoăn của không ít đại biểu.

Bà Văn Thu Hà khuyến nghị: “Chính phủ cần có biện pháp mạnh hơn trong các chính sách lương tối thiểu. Đã là NLĐ thì mức sống tối thiểu ở đâu cũng như nhau, do đó cần xây dựng một mức lương chung cân bằng trong khu vực nhà nước với khu vực doanh nghiệp. Chỉ có như vậy mới giảm được bất bình đẳng giữa các nhóm lao động hưởng lương tối thiểu”.

lương tối thiểu, người lao động
Lương tối thiểu đến nay vẫn không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động - Ảnh: Ngọc Thắng

Tiếp tục... giãn lộ trình điều chỉnh

Theo Bộ LĐ-TB-XH nếu tăng lương tối thiểu theo đúng lộ trình, thì năm 2014 và năm 2015 phải điều chỉnh mức tăng rất lớn, doanh nghiệp khó chịu đựng được.

Còn nếu điều chỉnh để đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ trong năm 2013 theo quy định của bộ luật Lao động sửa đổi thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản vì mức tiền lương thực tế hiện nay của NLĐ thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu theo tính toán (năm 2013 từ 2,6 - 3,4 triệu đồng/tháng).

Từ thực tế trên, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị giãn lộ trình điều chỉnh theo 2 phương án. Phương án 1, đạt nhu cầu tối thiểu năm 2017. Theo phương án này, mức tăng bình quân chung khoảng 16,5-20%/năm tùy theo từng vùng, trong đó, năm 2014 tăng 13,5% (đều cho 4 vùng); năm 2015 tăng 19-23%; năm 2016 tăng 19-23%; năm 2017 tăng 18-23%.

Phương án 2, đạt nhu cầu tối thiểu năm 2016. Theo phương án này, mức tăng bình quân chung khoảng 18-23% tùy theo từng vùng, trong đó: năm 2014 tăng 15%; năm 2015 tăng 23-29%; năm 2006 tăng 25-31%.

“Trong điều kiện sản xuất kinh doanh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và dự báo còn khó khăn ở các năm tiếp theo, vì vậy Bộ đề nghị thực hiện theo phương án 2. Trong quá trình thực hiện, nếu thuận lợi thì điều chỉnh nhanh hơn theo phương án 1”, ông Thành nói.

Rơi xuống mức quá thấp

Theo bà Văn Thu Hà, lương tối thiểu của Việt Nam đã rơi xuống mức quá thấp nên có điều chỉnh, có tăng lên đến mấy vẫn không thể cân đối được với mức sống người dân.

Với mức lương tối thiểu mà hiện nay người lao động được nhận để chi phí cho mức sống tối thiểu chỉ có thể duy trì cuộc sống ở mức thấp hơn hoặc bằng với mức chuẩn nghèo.

Để có thể nuôi sống bản thân, người lao động phải làm thêm giờ (đối với khu vực sản xuất), hoặc phải ra ngoài làm (với cán bộ, công nhân viên chức).

Không chỉ người lao động, những người thuộc nhóm bảo trợ xã hội cũng phải rất chật vật mới có thể dùng tiền lương hưu đảm bảo cho mức sống tối thiểu của họ.

“Từ năm 2008, cho dù mức lương tối thiểu tăng nhưng vẫn chậm hơn so với mức tăng chi tiêu của nhóm nghèo nhất, nghĩa là NLĐ sống bằng lương tối thiểu ngày càng nghèo hơn.

Ít nhất có 9,4 triệu người đang đóng BHXH chiếm 18% lực lượng lao động năm 2009 sẽ tham gia vào một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu. Trong số họ, những lao động nghèo sẽ trở thành nhóm người về hưu cực nghèo, sẽ tham gia vào các nhóm bảo trợ xã hội trong tương lai”, bà Hà phân tích.

Theo Thanhnien

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn