Khám phá "Tiểu vương quốc nữ nhi” trong lòng đất Quảng

Thứ sáu, 12/04/2013, 14:37
Làng Nga Sơn được ví von là “tiểu vương quốc nữ nhi” trong lòng xứ Quảng. Hiện vẫn tồn tại những giai thoại ly kỳ về vị thủy tổ của làng. 

Xét về phương diện cương vực lãnh thổ thì danh xưng Quảng Nam ra đời cách đây hơn 500 năm, gắn liền với sự kiện vua Lê Thánh Tông “bình Chiêm” thắng lợi năm 1471 lập ra Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam.

Kể từ đó, dòng người Việt di cư vào Nam vừa để khẳng định chủ quyền dân tộc vừa để tha phương cầu thực trên vùng đất mới. Nhiều đơn vị hành chính mới ra đời, đỉnh điểm là những năm cuối triều Nguyễn. Mỗi ngôi làng khi ra đời đều gắn với một giai thoại, một huyền tích kỳ bí mang đầy tín ngưỡng tâm linh. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng, đó là sự tạ ơn chủ vùng đất mới của người Việt.

nu nhi quoc

 Bà Trần Thị Gặp là người có công lập ra làng Nga Sơn.

Làng Nga Sơn, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, là một trong số những làng ra đời khá muộn trên bản đồ Việt Nam. Theo nhiều ghi chép phổ hệ cho biết, làng chính thức thành lập vào những năm đầu của thập niên 20 của thế kỉ XX, nhưng sơ khai từ nửa thế kỷ XIX. Đó là một ngôi làng có “tuổi thọ” trẻ vào loại nhất nhì ở Quảng Nam, nhưng lại có nhiều chuyện kể lưu truyền qua nhiều đời.

Lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của làng Nga Sơn gắn liền với tên tuổi một người phụ nữ đầy nghị lực. Bà tên họ đầy đủ là Trần Thị Gặp, người làng Cẩm La, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Bà xuất thân trong một gia đình “danh gia vọng tộc” vào loại nhất nhì của làng. Thời con gái, bà nổi tiếng là người toàn mĩ cả về ngoại hình lẫn tính nết nên rất nhiều chàng trai trong và ngoài làng đến chạm ngõ.

nu nhi quoc

 Sau khi mất, bà Trần Thị Gặp được dân làng suy tôn là vị tiền hiền, vị thành hoàng Làng.

Gia phả nhiều tộc họ ở làng ghi chép, làng Nga Sơn vốn gốc từ làng Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Vào khoảng đầu thế kỷ XVII, tại làng Chiêm Sơn có một người tên là Lưu Công Đại Lang di cư từ Thanh Hóa vào làng Chiêm Sơn để lập nghiệp và có công khai phá ra làng.

Kể từ đó, làng Chiêm Sơn được chia tách ra làm hai làng nhỏ là làng Chiêm Sơn Tây và làng Chiêm Sơn Đông. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, làng Chiêm Sơn Tây có một thanh niên tuấn tú bén duyên cùng một người con gái con nhà giàu có, quyền uy, làm lý trưởng làng Cẩm La (xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) gần đó. Người phụ nữ ấy tên là Trần Thị Gặp. Sau khi lấy chồng, bà Gặp phải theo về ở quê chồng xây dựng cuộc sống gia đình.

Ăn ở một thời gian khá dài nhưng người con dâu (bà Gặp) vẫn không thể nào mang thai, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường cho nhà trai. Sau đó, chồng bà mất vì lâm bệnh hiểm nghèo.

Chồng mất, không có người nối dõi, bà sợ nhà chồng và hàng xóm khinh rẻ cũng như sợ đến tuổi già sẽ bị bỏ rơi, cô độc, không người thờ tự khi chết đi. Suy tính mãi bà quyết định về nhà cha ruột của mình và lẻn lấy hai tờ địa bộ, giấu đi để cất làm của riêng, phòng khi về đưa cho làng Chiêm Sơn Tây.

Theo bà nghĩ, nhờ vào hai tờ địa bộ có ghi đất đai trong đó, khi mất, bà sẽ được làng thờ tự, cúng giỗ. Nộp cho làng Chiêm Sơn Tây xong, một thời gian sau, vì không chấp nhận cuộc sống nhàn rỗi, tù túng, bà đã dắt theo một người cháu họ Lưu, tên Lưu Công Yểm về quê hương Thăng Bình khai khẩn mở đất trồng trọt. Cả hai cô cháu vào vùng đất mới, nằm liền kề quê nhà để lập ra làng Nga Sơn. Tương truyền, ngày mồng 1 tháng 9 năm 1858 là ngày giỗ tổ làng.

Lập ra vùng đất mới này, bà cùng người cháu đã cần mẫn khai phá được 45 mẫu ruộng (có 35 mẫu đất ruộng và 10 mẫu đất đồi), lập nên làng xóm, khai phá đất hoang, biến nơi này từ vùng rừng núi âm u thành vùng đất màu mỡ, thu hút dân cư đến sinh sống, làm ăn. Tên tuổi của bà Trần Thị Gặp nhanh chóng đươc vang danh khắp nơi. Khi bà chết, để tưởng nhớ công đức của bà, dân làng đã lập đền thờ và tôn vinh bà là tiền hiền, thành hoàng làng Nga Sơn.

nu nhi quoc
 Có nhiều ý kiến cho rằng, Bà Trần Thị Gặp là hiện thân của bà Chiêm Sơn, Làng Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

Theo nhiều bô lão trong làng kể lại, lúc bấy giờ, mặc dầu hầu hết nhà cửa của người dân đều là nhà tranh tre vách nứa nhưng nhà thờ tiền hiền thờ Bà Trần Thị Gặp lại được lợp ngói, xây gạch, khá vững chắc. Sau khi Pháp xâm lược, nhà thờ tiền hiền làng Nga Sơn thường xuyên bị tàn phá nên không còn dấu tích như trước đây.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, Bà Trần Thị Gặp là người phụ nữ có công khai phá ra làng Nga Sơn từ năm 1858. Ngày nay, hằng năm, cứ đến ngày mồng 2 tháng 8 âm lịch, làng Nga Sơn tổ chức lễ cúng tiền hiền, tức cúng bà Trần Thị Gặp, một nữ tiền hiền khá độc đáo của Quảng Nam xưa.

Người dân làng Nga Sơn luôn tự hào đây là vị thủy tổ của làng, vị tiền hiền nữ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Theo đó, làng Nga Sơn cũng được ví như “Tiểu vương quốc nữ nhi” trong lòng xứ Quảng.

Tục thờ Bà Tiền hiền Trần Thị Gặp của cư dân Quảng Nam biểu thị dấu ấn giao lưu văn hoá Việt - Chăm. Đó là gốc tích về tục thờ Bà với sự phong phú và đa dạng trong đối tượng suy tôn chính yếu như:

Bà Thu Bồn (làng Thu Bồn, Duy Tân, Duy Xuyên), Bà Chợ Được (làng Phước Ấm, Bình Triều, Thăng Bình), Bà Chiêm Sơn (làng Chiêm Sơn, Duy Trinh, Duy Xuyên), Bà Phường Chào (làng Phiếm Ái hay làng Phường Chào, Đại Cường, Đại Lộc), Bà Chúa Hời (làng Đồng Dương, Bình Định Bắc, Thăng Bình).

Có tài liệu tương truyền rằng, tín ngưỡng thờ vị nữ tiền hiền Bà Trần Thị Gặp có gốc tích từ Bà Chiêm Sơn. Bà Chiêm Sơn được sinh ra từ phiến đá trong một cái hang trên gò cao với những điểm khác thường: mái tóc dài ngang lưng, hàm răng trắng ngà, chỉ biết cười không biết khóc, hành nghề chài lưới rồi bốc thuốc để “cứu nhân độ thế”.

Cũng có tài liệu khác cho rằng Bà Chiêm Sơn có “lý lịch” xuất thân là nữ tướng của Chiêm Thành có nhan sắc hơn người, trong quá trình chạy trốn về với vùng đất Thánh Mỹ Sơn để lẩn tránh đội quân truy đuổi của nhà Lê (Đại Việt), do kiệt sức nên Bà đã lưu lạc đến vùng đất ở khu vực sông Thu Bồn rồi tóc vướng vào cành cây, ngã từ trên lưng voi xuống để hóa thân thành Bà Chiêm Sơn.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn